Hà Nội: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 237/KH-UBND về triển khai, thực hiện Kết luận số 02-KL/TW ngày 18-5-2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW của Ban Bí thư (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy”.
Cán bộ Đội Cảnh sát PCCC phát tờ rơi về đảm bảo an toàn PCCC cho các tài xế (Ảnh: CA huyện Thạch Thất)
Cán bộ Đội Cảnh sát PCCC phát tờ rơi về đảm bảo an toàn PCCC cho các tài xế (Ảnh: CA huyện Thạch Thất)

Kế hoạch nêu rõ 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện nội dung trên. Trong đó, Thành phố sẽ tổ chức quán triệt, triển khai sâu rộng, toàn diện nội dung Kết luận số 02-KL/TW bằng hình thức phù hợp đến từng cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi, địa bàn quản lý; ban hành hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Kết luận số 02-KL/TW.

Song song xác định công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ là một nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, gắn liền với nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự và phát triển kinh tế - xã hội, Thành phố sẽ chủ động xây dựng các phương án phòng ngừa và xử lý các tình huống nếu xảy ra cháy, nổ, sự cố, tai nạn, đảm bảo nhanh, kịp thời, hiệu quả theo phương châm “4 tại chỗ”. Xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp... thực hiện không đúng, đủ chức trách, nhiệm vụ để xảy ra tình trạng vi phạm nghiêm trọng, mất an toàn về việc trên hoặc để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng trong phạm vi lãnh đạo, quản lý của mình.

Cùng với đó, tập trung xây dựng, kiện toàn lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ tiến lên hiện đại, tinh thông về pháp luật, nghiệp vụ, kỹ thuật, chiến thuật chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Bố trí phù hợp lực lượng ở các địa bàn trọng điểm, mở rộng mạng lưới, bảo đảm bám địa bàn, bám cơ sở.

Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân để nâng cao nhận thức, tinh thần, trách nhiệm và tự giác chấp hành, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Kiện toàn, củng cố mô hình lực lượng bán chuyên trách tại cơ sở, có chế độ, chính sách phù hợp để phát huy vai trò của lực lượng này trong phòng cháy, chữa cháy tại chỗ và khuyến khích, động viên mọi tầng lớp nhân dân tham gia. Kịp thời khen thưởng, biểu dương tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; có biện pháp giải quyết, khắc phục kịp thời sơ hở, bất cập trong công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Hướng dẫn, đôn đốc người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở phải thường xuyên tự kiểm tra an toàn về vấn đề trên, nhất là trong quản lý, sử dụng hệ thống, thiết bị điện và các chất, hàng nguy hiểm cháy, nổ; chủ động trang bị các phương tiện, thiết bị phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động của đơn vị, cơ sở theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh việc chủ động rà soát lại quy hoạch tổng thể cơ sở của lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, thành phố sẽ bố trí nguồn kinh phí trong dự toán ngân sách hằng năm để bảo đảm cho công tác này. Đẩy mạnh xã hội hoá công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn... Huy động các nguồn lực xã hội; nguồn lực từ bảo hiểm cháy, nổ để đầu tư, xây dựng và phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, kỹ thuật, phương tiện, thiết bị, hóa chất phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

HP

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.