Bài học cho những người được mời xem video, đọc tin tức và hứa trả tiền công

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương), những đối tượng lừa đảo đánh vào tâm lý khi yêu cầu số tiền nạp vào tài khoản ít, chỉ 250.000 đồng, khiến những người tham gia chủ quan, nghĩ rằng nếu có bị lừa cũng không mất quá nhiều.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, do giãn cách xã hội nên người dân ở nhà có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn và đã tìm đến những kênh giải trí, mạng xã hội đặc biệt là YouTube.

Dựa trên nhu cầu có thật về việc tăng lượt xem (view), lượt theo dõi (follow) các video nhằm mục đích quảng cáo hoặc tăng độ đánh giá (rating) của kênh youtube, một số đối tượng lừa đảo đã nhắm đến những người tiêu dùng có thời gian rảnh rỗi và tạo cơ hội kiếm thêm thu nhập trong bối cảnh dịch bệnh kinh tế khó khăn để lừa đảo chiếm đoạt thời gian, tiền bạc của người tiêu dùng.

Với nội dung đăng cam kết xem 10 giây, được 50 đồng; mỗi ngày được cung cấp 10 video để xem. Để sở hữu một tài khoản trên trang web này, người tiêu dùng phải chuyển 250.000 đồng để kích hoạt.

Bài học cho những người được mời xem video, đọc tin tức và hứa trả tiền công

Những đối tượng này cũng đánh vào tâm lý khi yêu cầu số tiền nạp vào tài khoản ít, chỉ 250.000 đồng, khiến những người tham gia chủ quan, nghĩ rằng nếu có bị lừa cũng không mất quá nhiều.

Trường hợp chị Thu L. đã làm theo các hướng dẫn, chuyển tiền vào tài khoản mang tên Nguyễn Văn A và đăng nhập thành công. Theo chị L, “làm việc” được vài ngày thì website bị khóa, hoặc mở lại nhưng không thể rút được tiền.

Chị L đã liên lạc với số điện thoại của admin, song thuê bao trong tình trạng “không liên lạc được”. Cùng với Chị L, anh T.T.P cũng nộp 250.000 đồng vào tài khoản Ngân hàng mang tên Nguyễn Văn A để “xem video kiếm tiền qua mạng”, tại website videokiemtien.com. Sau khi đăng ký và tăng lượt xem nhiều ngày thì website bị khóa, hoặc mở lại nhưng không rút được tiền trong thời gian đó.

Dù số tiền ban đầu nạp vào không nhiều, tuy nhiên, với hàng ngàn người tham gia, đối tượng lừa đảo có thể thu về hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỉ đồng. Để tình trạng trên không tiếp tục diễn ra, người tiêu dùng cần: Nâng cao cảnh giác với các hình thức mời chào tham gia kiếm tiền qua mạng; Không nên chuyển tiền cho các đối tượng không có thông tin rõ ràng, không được cơ quan nhà nước chứng nhận; Không tham gia các chương trình xem video kiếm tiền qua mạng như trên.

Ngô Sơn

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.