Đẩy mạnh tuyên truyền PCCC&CNCH tại các cơ sở làng nghề

Trong tình hình mới, nhiều hoạt động sản xuất trở lại, các làng nghề cũng bắt đầu sản xuất kinh doanh sau thời gian tạm ngưng nghề thủ công truyền thống vì giãn cách. Vấn đề Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (CNCH&CNCH) tại các làng nghề một lần nữa được các lực lượng chức năng nhấn mạnh, tiếp tục tuyên truyền để đảm bảo an toàn trong sản xuất.
Đẩy mạnh tuyên truyền PCCC&CNCH tại các cơ sở làng nghề
Tuyên truyền PCCC cho các hộ kinh doanh làng nghề tại huyện Hoài Đức, Hà Nội

Thời gian gần đây tình hình cháy, nổ trên địa bàn huyện Hoài Đức có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là tại các đô thị, địa bàn tập trung đông dân cư, cụm công nghiệp, làng nghề, đã xảy ra nhiều vụ cháy lớn…gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, hoạt động sản xuất, kinh doanh, môi trường đầu tư và cuộc sống của nhân dân địa phương.

Để nâng cao ý thức cảnh giác của người dân trong phòng cháy, chữa cháy, từ ngày từ ngày 5-10-2021 đến hết ngày 19-10-2021, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an huyện Hoài Đức tổ chức tuyên truyền PCCC&CNCH tại 19 xã, 01 thị trấn trên địa bàn Huyện.

Qua việc tuyên truyền lưu động kết hợp phát tờ rơi tuyên truyền, nhắc nhở người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở kinh doanh, người dân sinh sống tại các khu dân cư nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với công tác PCCC&CNCH; thực hiện nghiêm túc khuyến cáo của cơ quan chức năng trong lắp đặt, sử dụng, kiểm soát chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt, nguồn sinh lửa, sinh nhiệt; thực hiện tốt biện pháp đảm bảo an toàn PCCC, giải pháp, kỹ năng thoát nạn…

Thực tế cho thấy, nguy cơ an toàn cháy nổ tại các cơ sở sản xuất, làng nghề vẫn luôn là “bài toán khó” với các cơ quan chức năng. Dù hiệu lực quản lý nhà nước về PCCC đối với các làng nghề đã có những chuyển biến rõ rệt, các cấp, các ngành quan tâm nhiều hơn đến công tác PCCC nói chung và làng nghề nói riêng. Tuy nhiên, công tác PCCC ở các làng nghề vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.

Vào cao điểm mùa khô, nguy cơ cháy tại các làng nghề này càng tăng cao vì có nhiều hàng hóa, nguyên vật liệu dễ bắt lửa, dễ cháy lan trong khu dân cư.

Tại huyện Thường Tín có nhiều làng nghề sản xuất hàng hoá dễ cháy nổ như: chăn, ga, gối, đệm xã Tiền Phong, chế biến gỗ xã Vạn Điểm, nghề sơn mài Duyên Thái, mây tre đan Ninh Sở và có 3 chợ lớn: chợ Vồi, chợ Tía và chợ Đỗ Xá nơi giao thương hàng hóa lớn… Quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, việc sử dụng điện bất cẩn là yếu tố tiềm ẩn, dễ dẫn đến các vụ hỏa hoạn gây thiệt hại về người và tài sản. Do đó, công tác PCCC đặt ra là nhiệm vụ hàng đầu, để bảo vệ tính mạng tài sản của Nhà nước và nhân dân, tạo môi trường an toàn để các đơn vị, doanh nghiệp yên tâm phát triển sản xuất, kinh doanh.

Theo thống kê của Công an huyện Thường tín, trong 9 tháng năm 2021, trên địa bàn huyện xảy ra 34 vụ cháy và 1 vụ cứu nạn cứu hộ, không gây thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản không đáng kể;

Trung tá Nguyễn Hoàng Thành – Đội trưởng Đội cảnh sát PCCC&CNCH Công an huyện Thường Tín cho biết, những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng dễ cháy thì nguyên nhân xảy ra hỏa hoạn chủ yếu là do sự cố điện, máy móc thiết bị và cũng do chính sự chủ quan, lơ là thiếu ý thức của chủ cơ sở và người lao động.

Nhận định công tác phòng chống cháy nổ luôn có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, huyện Thường Tín thường xuyên quan tâm, chỉ đạo các ngành chức năng, các xã, thị trấn và người dân thực hiện hiệu quả phong trào toàn dân PCCC; Phát huy vai trò của lực lượng dân phòng và đội PCCC cơ sở, bởi chính lực lượng này tiếp cận đám cháy nhanh nhất, để triển khai các phương án chữa cháy, hạn chế thiệt hại về người và tài sản khi sảy ra hỏa hoạn. Trên địa bàn huyện duy trì hoạt động hiệu quả mô hình “Cụm dân cư đảm bảo an toàn PCCC” và mô hình “Đội PCCC phản ứng nhanh” xã Vạn Điểm, Tiền Phong và đội dân phòng 28 xã, thị trấn, đội PCCC tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Thế Vinh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.