Sau 3 lần can thiệp thất bại, người phụ nữ gặt "trái ngọt" nhờ phương pháp đặc biệt

Kết duyên cùng nhau đã hơn 10 năm nhưng chưa thể sinh cho gia đình nhỏ một đứa con. Trải qua 3 lần can thiệp nhưng đều thất bại, mọi hi vọng được làm mẹ tưởng chừng vụt tắt bỗng mỉm cười với chị T., 35 tuổi, ở Điện Biên khi được áp dụng phương pháp đặc biệt.
Sau 3 lần can thiệp thất bại, người phụ nữ gặt trái ngọt nhờ phương pháp đặc biệt

Bác sĩ Phạm Thị Mỹ - Chuyên ngành Hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội) thực hiện chọc/hút trứng (noãn) cho bệnh nhân.

Lần đầu tiên được tận hưởng niềm hạnh phúc khi được ôm ấp con thơ trong vòng tay, chị N.T.T, 35 tuổi, ở Điện Biên dâng trào những cảm xúc khó tả. Đây là niềm hạnh phúc chị ngỡ như mơ bởi trong suốt 10 năm qua, 2 vợ chồng chị đã can thiệp bằng nhiều biện pháp hỗ trợ sinh sản nhưng đều không có kết quả như mong đợi. Trải qua 2 lần bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI); 1 lần thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) chị T. gần như đã từ bỏ thì lại được thắp lên niềm hi vọng mới.

“Quá tam 3 bận”, ở lần thứ 4 can thiệp, do chị T. bị suy buồng trứng sớm nên đã được các bác sỹ tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội áp dụng phương pháp “gom trứng” để tiến hành thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).

Sau 4 lần thực hiện chọc hút noãn để lấy trứng, chị N.T.T đã đủ số trứng để tiến hành thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm với tinh trùng của chồng để tạo phôi. Thật may mắn, ở lần chuyển phôi đầu tiên của lần thực hiện IVF này, chị đã mang thai và một bé trai kháu khỉnh ra đời, mang niềm hạnh phúc được làm cha làm mẹ đến với gia đình chị sau nhiều năm chờ đợi.

Chia sẻ về trường hợp của chị T, BS. Phạm Thị Mỹ-chuyên ngành Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết: Có tiền sử 10 năm hiếm muộn với 3 lần can thiệp thất bại nên tâm lý của vợ chồng bệnh nhân khá căng thẳng bởi tuổi của họ cũng không còn trẻ. Qua thăm khám và thực hiện một số xét nghiệm đánh giá thì sức khỏe của chồng bình thường, vợ thì suy giảm dự trữ buồng trứng với chỉ số AMH chỉ đạt 0,2ng/ML. Trong khi đó, chỉ số bình thường của người phụ nữ trong độ tuổi sinh sản là từ 2.0 đến 6.8ng/ML.

“Thấy hai vợ chồng quyết tâm, khao khát có được đứa con của chính mình, tôi cũng như ê-kip của mình đã tư vấn bệnh nhân thực hiện “gom trứng” trong nhiều chu kì. Cuối cùng, với 4 lần chọc trứng, vợ chồng chị N.T.T “gom” được 5 noãn, tạo được 2 phôi. May mắn, lần chuyển phôi đầu tiên của lần thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm này chị N.T.T đã đậu thai và sinh 1 bé trai mạnh khỏe, kháu khỉnh”, BS. Mỹ chia sẻ.

Theo BS. Mỹ, thông thường, để thụ tinh trong ống nghiệm đạt hiệu quả tốt nhất thì số lượng trứng (noãn) thu được sau khi chọc hút là khoảng 10-15 noãn. Tuy nhiên, không phải cặp vợ chồng nào cũng có thể thành công ngay từ lần đầu thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm vì một số những lý do như: dự trữ buồng trứng của người phụ nữ bị suy giảm do tuổi cao; suy buồng trứng sớm; đáp ứng buồng trứng kém cũng như suy giảm bởi các can thiệp trên buồng trứng...

Từ đó, người bệnh sẽ phải đối mặt với tình trạng số lượng noãn ít và nguy cơ không có phôi chuyển. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới chi phí điều trị mà còn khiến tâm lý của các cặp vợ chồng trở nên nặng nề hơn. Đặc biệt, với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, số tiền dành dụm chỉ đủ để thực hiện IVF một lần thì ước mơ có con sẽ càng trở nên xa vời.

Trước những trăn trở đó, các bác sỹ hỗ trợ sinh sản đã đưa ra giải pháp “gom trứng” cho bệnh nhân. Tức là bệnh nhân sẽ được kích thích buồng trứng với phác đồ phù hợp để lấy và trữ noãn trong nhiều chu kì. Noãn sau mỗi lần chọc hút sẽ được trữ lại và chờ đến khi “gom” đủ số lượng đạt yêu cầu để thụ tinh trong ống nghiệm với tinh trùng của người chồng.

Phương pháp này không chỉ giúp các gia đình giảm bớt chi phí thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm nhiều lần mà còn xóa bỏ tâm lý thất vọng vì không có phôi, tránh ảnh hưởng tới sức khỏe người mẹ. Đặc biệt, phương pháp “gom trứng” sử dụng lượng thuốc kích trứng nhẹ hoặc theo dõi chu kỳ tự nhiên, phác đồ điều trị được các bác sĩ cá thể hoá phù hợp với thể trạng của từng người nên có thể tối ưu tỷ lệ thành công cho các cặp vợ chồng.

BS. Mỹ cũng đưa ra lời khuyên, để sớm nhận biết tình trạng giảm dự trữ buồng trứng, chị em có thể căn cứ vào một số dấu hiệu nhận biết như: Rối loạn kinh nguyệt: kinh ít dần, kinh thưa không đều thậm chí mất kinh; Giảm ham muốn tình dục: khô rát âm đạo…; Thường xuyên nóng trong người, khó tập trung, dễ mất bình tĩnh; Rối loạn tiết niệu, loãng xương, …

Tuy nhiên, một số trường hợp suy giảm dự trữ buồng trứng không có triệu chứng, bệnh nhân chỉ phát hiện ra khi tới thăm khám vì hiếm muộn. Vì vậy, chị em phụ nữ là nên thăm khám tổng quát sức khỏe sinh sản định kỳ và đặc biệt khám tiền hôn nhân để tầm soát bất thường buồng trứng và kiểm tra dự trữ buồng trứng.

Vân Hà

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.