Lập 12 đoàn kiểm tra việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Ngày 21-10, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã ký Quyết định số 1191/QĐ-LĐTBXH về việc thành lập 12 đoàn kiểm tra việc thực hiện hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Lập 12 đoàn kiểm tra việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Lập 12 đoàn kiểm tra việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Theo đó, các đoàn kiểm tra có nhiệm vụ kiểm tra tình hình, kết quả và đôn đốc việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Thời gian các đoàn tiến hành kiểm tra từ 21-10 đến hết ngày 3-11.

Đoàn công tác sẽ kiểm tra các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết số 126/NQ-CP; chính sách hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 116/NQ-CP và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg. Đoàn công tác cũng sẽ kiểm tra tình hình hỗ trợ gạo và các chính sách an sinh xã hội khác.

Ngoài ra, đoàn công tác cũng có nhiệm vụ nắm bắt thực trạng thiếu hụt lao động trong các ngành, nghề, lĩnh vực, trong các doanh nghiệp, khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), khu công nghiệp, khu chế xuất; tình hình dịch chuyển lao động ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, lao động tự do; đề xuất các giải pháp khắc phục, phục hồi, phát triển thị trường lao động và các kiến nghị.

Thành phần các đoàn kiểm tra bao gồm: Đại diện lãnh đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Uỷ ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, lãnh đạo các đơn vị của Bộ Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đến thời điểm này, cả nước đã chi hỗ trợ an sinh xã hội theo gói 26.000 tỷ đồng của Chính phủ cho tổng số hơn 24,26 triệu lượt người lao động, người sử dụng lao động. Nguồn kinh phí đã chi hỗ trợ là gần 22.000 tỷ đồng.

Ngoài nguồn hỗ trợ theo chính sách của trung ương, các tỉnh, thành phố đã chi hỗ trợ đặc thù cho gần 10,6 triệu người lao động tự do và các đối tượng chính sách khác bằng nguồn ngân sách và huy động xã hội hóa. Chính sách hỗ trợ bằng tiền mặt kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cũng đã đến với hàng triệu người lao động.

Về tình hình thiếu hụt lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thông tin, nguồn cung lao động suy giảm nghiêm trọng. Riêng quý III-2021, lực lượng lao động giảm 2 triệu người so với quý II. Sự dịch chuyển lao động lớn từ thành thị về nông thôn, từ các trung tâm kinh tế lớn về các tỉnh diễn ra thời gian qua dẫn đến tình trạng mất cân đối cục bộ về cung - cầu lao động tại một số tỉnh, thành phố lớn.

Nguy cơ thiếu hụt lao động cục bộ ở một số vùng, một số ngành, lĩnh vực là vấn đề lớn đặt ra cho các doanh nghiệp khi phục hồi sản xuất, trong đó tỉnh Bình Dương thiếu hụt lao động tới 36,9%; tỉnh Bình Phước thiếu hụt 34,4%, thành phố Hồ Chí Minh thiếu hụt 31,8%. Ngành nghề thiếu hụt lao động nghiêm trọng là điện tử với 55,6%, da giày với 51,7%, may mặc với 49,2%, sản xuất thiết bị điện với 44,5%....

TQ

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.