Nẻo đường hướng thiện:

Ước mong của cô giáo trót sa chân…

Khoác lên mình bản án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Nguyễn Thị Quyết, SN 1974, trú tại huyện Bắc Hà, Lào Cai như cắt từng khúc ruột. Về trại giam cải tạo, nữ phạm nhân đã nhiều đêm thức trắng tự trách bản thân. Nhưng được cán bộ phân tích, Quyết đã và đang quyết tâm cải tạo, mong chờ đến ngày được bẻ án...
Do khéo tay, nên ngoài công việc may, phạm nhân Nguyễn Thị Quyết còn cùng các phạm nhân khác trang trí hội trường
Do khéo tay, nên ngoài công việc may, phạm nhân Nguyễn Thị Quyết còn cùng các phạm nhân khác trang trí hội trường

Vỡ mộng làm giàu của cô giáo vùng cao

Nước da trắng, dáng người dong dỏng cao, nếu gặp ngoài cuộc sống, không ai nghĩ Quyết lại có 1 cuộc sống long đong như thế. Theo lời phạm nhân Nguyễn Thị Quyết thì khi xưa, chồng cô là bí thư xã, còn cô là giáo viên tiểu học, bên cạnh là mấy đứa con ngoan, học giỏi và xinh xắn. Quyết bảo, ngày ấy gia đình cô là niềm mơ ước của nhiều người trong xã, ngoài huyện, vì ngoài có một gia đình đẹp, gia đình cô còn một bước lên xe hơi, sài đồ sang và ở nhà đẹp. Đáng lẽ, Quyết nên giữ gìn sự giản dị, duy trì cuộc sống gia đình và làm hậu phương cho chồng phấn đấu sự nghiệp. Nhưng không, vì chứng tỏ bản thân có thể làm được nhiều điều, mà Quyết đã đẩy gia đình đến bên bờ vực thẳm và bản thân thì đối diện với bản án không hẹn ngày về.

Theo tài liệu điều tra, khoảng tháng 10-2007, Quyết nghe tin giá đất Lào Cai tăng nhanh nên đã nảy sinh ý định đi buôn. Quyết đi vay anh chị em ruột khoảng 300 triệu đồng, thêm số tiền tích cóp dự định để sửa căn nhà đang ở, mua một chiếc ô tô với giá 500 triệu đồng và mua sắm quần áo hàng hiệu để thay đổi cách ăn mặc cho đúng là người biết buôn bán.

Với chiếc ô tô mới và những bộ trang phục đắt tiền, đi đến đâu Quyết cũng khoe khoang rằng ngoài việc dạy học ra còn buôn bán bất động sản và kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Thấy Quyết có ô tô để đi, xài đồ hiệu và trong nhà cũng sắm nhiều tài sản có giá trị, nhiều người lầm tưởng chị ta là người giàu có, giỏi làm ăn nên khi được hỏi vay tiền với lãi xuất cao đã đồng ý cho mượn. Một số người chỉ nghe tiếng về gia đình Quyết nhưng được rỉ tai về lãi xuất cao ngất ngưởng đã tự nguyện mang tiền đến cho Quyết vay.

Theo lời khai của Quyết, ngay lần đầu đi vay, chị ta đã mượn được gần 1 tỷ đồng. Quyết giấu chồng, đầu tư mua mảnh đất với hy vọng một ngày nào đó khi giá đất vọt lên cao, chị ta chỉ có ngồi nhà hưởng lợi. Rồi Quyết tiếp tục vay tiền để chi trả tiền lãi cho những người vay trước đó và cứ thế ngày càng lún sâu vào cái vòng luẩn quẩn, vay của người sau để lấy tiền trả lãi cho người trước. Giữa lúc giá bất động sản gần như đóng băng, mảnh đất Quyết mua không bán được thì chiếc xe ô tô của Quyết gặp tai nạn giao thông, buộc chị ta phải bán đi cho dù lỗ hơn một nửa so với lúc mua.

Nợ nần chồng chất buộc Quyết phải mua chiếc ô tô khác để “lòe” thiên hạ, che giấu sự nợ nần của mình. Lần này Quyết đầu tư mua chiếc xe đời mới, trị giá 730 triệu đồng và mỗi ngày chiếc xe này lăn bánh, ngoài tiền xăng, tiền hao mòn xe, nó còn phải cõng trên lưng khoản lãi xuất 7%/tháng.

Vụ vỡ nợ chỉ bị lật tẩy khi những người thân trong gia đình Quyết yêu cầu chị ta thanh toán các khoản nợ đã vay trước đó, buộc Quyết phải bán chiếc xe ôtô vẫn ngày ngày sử dụng để trả một phần khoản vay. Khi phát hiện Quyết bán ôtô, những người đã cho Quyết vay tiền lo lắng, tìm đến nhà chị ta đòi tiền…

Vào cuộc điều tra, Văn phòng CQ CSĐT CA tỉnh Lào Cai đã làm rõ, từ năm 2007 đến năm 2010, Nguyễn Thị Quyết đã vay mượn của 56 người từ ruột thịt, thân quen, hàng xóm đến đồng nghiệp, tổng cộng gần 18 tỷ đồng. Số tiền này Quyết dùng để chi tiêu cá nhân và không có khả năng trả nợ. Với hành vi này, Nguyễn Thị Quyết bị truy tố về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và phải nhận bản án Chung thân.

Mong từng ngày được bẻ án

Về trại giam Quyết Tiến (Bộ Công an) thi hành bản án Chung thân, phạm nhân Nguyễn Thị Quyết bảo rằng đó là cái giá quá đắt cho cuộc đời cô. Vì tham tiền, muốn chứng tỏ bản thân, Quyết không những làm hỏng chính gia đình mình mà còn kéo theo không biết bao gia đình khác phải liên lụy.

Phạm nhân Nguyễn Thị Quyết bảo rằng, gần chục năm cải tạo trong trại giam, đi làm thì chớ, nhưng mỗi lần về buồng giam, sau giờ lao động, Quyết đã suy nghĩ rất nhiều bởi bản thân đối diện với bản án không hẹn ngày về. Nếu như xưa kia, Quyết biết bằng lòng với cuộc sống hiện tại, đừng quá lao thân vào lĩnh vực mà từ trước đến giờ chưa tham gia thì gia đình chị ta đâu tan nát như bây giờ.

Quyết bảo rằng, cô vỡ nợ, buộc chồng mình phải bán tất cả những thứ có giá trị trong nhà để trả nợ cho vợ đã khiến hai đứa con của Quyết bị sốc. Chúng đều đã lớn, sắp sửa thi ĐH nhưng trước biến cố gia đình đã phải đi học nghề để sớm tạo lập cuộc sống. Chồng Quyết cũng vì xấu hổ nên đã thôi không tham gia công tác xã hội nữa. Mỗi năm một lần, chồng và các con của Quyết có vào trại thăm mẹ nhưng theo lời Quyết kể thì mọi người gặp nhau trong ái ngại.

Về lao động ở đội may mặc, có lúc đội đính hạt cườm cần tăng cường, Quyết lại về đó hỗ trợ. Cô bảo, với mình công việc may mặc hay đính hạt cườm đều có thể học và làm được tốt. Nhưng nhiều thời gian, Quyết rơi vào trạng thái trầm cảm, bởi nỗi cô đơn và mất mát quá lớn của cuộc đời chị ta. “Những lúc như thế, tôi cũng hay được cán bộ quản giáo gọi ra ngồi nói chuyện riêng. Cán bộ tâm sự như những người bạn, hướng cho tôi cái được, cái mất nếu tôi tiếp tục buồn bã, không lao động. Vì vậy, tôi hiểu, chỉ có con đường lao động tốt, ngày bẻ án của tôi mới có thể ngắn lại...”, phạm nhân Nguyễn Thị Quyết chia sẻ.

Nguyễn Vũ

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.