Mở cửa du lịch an toàn là yêu cầu cấp bách

Sau 4 đợt dịch bùng phát, du lịch đã “chạm đáy”, tính đến thời điểm này, việc khôi phục du lịch là yêu cầu cấp bách của những người làm du lịch và doanh nghiệp du lịch. Việc mở cửa du lịch sẽ giúp lan tỏa, kích thích giúp phục hồi lại các ngành nghề khác trong nền kinh tế.
Mở cửa du lịch an toàn là yêu cầu cấp bách
Du lịch nội địa khởi sắc, khách quốc tế sẽ cảm nhận được là Việt Nam chúng ta đã là điểm du lịch an toàn.

Du lịch kích thích các ngành kinh tế khác

Thông tin từ Ban Tổ chức tại tọa đàm “Mở cửa du lịch thế nào để an toàn" cho biết: Du lịch là một trong những ngành gánh chịu hậu quả nặng nề của dịch Covid-19. Từ một ngành công nghiệp không khói tăng trưởng đạt trên 2 con số, đóng góp hiệu quả, quan trọng với 9,2% vào GDP cả nước, đại dịch bùng phát đã khiến cho ngành du lịch tê liệt.

Năm 2020-2021, lượng khách quốc tế giảm 80-90% (10-20% lượng khách còn lại chủ yếu là chuyên gia, lao động kỹ thuật cao). Về khách nội địa, năm 2020 có 85 triệu lượt khách, bước sang năm 2021 lượng khách gần như "đóng băng".

Thời gian qua, với sự nỗ lực, quyết tâm chống dịch của Chính phủ và các cơ quan, ban ngành, làn sóng Covid-19 lần thứ 4 tại Việt Nam cơ bản đã được kiểm soát tốt. Chính phủ và các địa phương đang nỗ lực xây dựng các giải pháp để vừa đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch; vừa đưa hoạt động sản xuất kinh doanh thích nghi với điều kiện bình thường mới.

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, điều lo ngại nhất là lực lượng lao động trong lĩnh vực này phần lớn đều đã nghỉ việc với trên 90% lao động du lịch không còn làm việc trong thời gian qua: “Chúng ta từng có hơn 40 nghìn DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Nhưng hiện nay, 30% trong số các DN đó đã đóng cửa, 30% khác có sự chuyển đổi và chỉ còn 5 - 10% các DN du lịch còn có những hoạt động. Đây cũng là thực trạng chung của các DN du lịch trên toàn thế giới, không chỉ ở Việt Nam”.

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cũng chia sẻ lộ trình từng bước mở cửa, phục hồi du lịch Việt Nam. Theo đó, du lịch nước ta triển khai song song hai nhiệm vụ. Đó là thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc và coi trọng phục hồi thị trường khách nội địa. Vì nội địa là thị trường rất tiềm năng với gần 100 triệu dân, là nguồn khách hàng rất tốt. Trong hai năm qua, vào lúc không đón được khách quốc tế thì khách nội địa đã giúp duy trì hoạt động của ngành du lịch.

Đón khách quốc tế để khôi phục du lịch

Tại tọa đàm, các đại biểu cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc mở cửa du lịch bảo đảm an toàn là điều nên làm ngay để nhanh chóng phục hồi ngành công nghiệp không khói. Đặc biệt, mở cửa thị trường quốc tế là con đường duy nhất chúng ta khôi phục du lịch. Có thể chúng ta làm chậm lại một chút nhưng cái đích vẫn là phải mở cửa cho khách quốc tế vào và trong thời gian sớm nhất.

Tuy nhiên, trong tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp như hiện tại, việc chọn cách nào để đưa khách quốc tế vào thì nhiều nước vẫn còn băn khoăn. Không chỉ Việt Nam mới mong mở cửa đón khách mà nhiều nước cũng mong muốn nhưng họ cũng thận trọng.

“Thái Lan đi đầu đón khách quốc tế ở khu vực Đông Nam Á. Họ cũng mất thời gian, chật vật nhưng đã tìm ra hướng đi tương đối đúng đắn. Việt Nam có thể học tập cách làm này của ngành du lịch Thái Lan. Hơn nữa, trong thời điểm này, khách du lịch nội địa cần được đưa vào vị trí quan trọng bởi chính khách nội địa khi đi du lịch sẽ thúc đẩy tiêu dùng trong nước và các ngành kinh tế khác”, ông Vũ Thế Bình nói.

Ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết, để đề ra lộ trình mở cửa, đón khách quốc tế là nhiệm vụ mà Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đang triển khai theo chỉ đạo của Chính phủ. Bộ đã chủ động và các ban ngành liên quan đã rất tích cực phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang để hoàn thiện kế hoạch chi tiết đón khách đến Phú Quốc.

Trong đề xuất thí điểm đón khách quốc tế, chúng tôi cũng đề xuất ưu tiên đón khách ở những thị trường tiềm năng đối với du lịch và có độ an toàn cao về phòng, chống dịch Covid-19 như thị trường Đông Bắc Á, Hoa Kỳ, Trung Đông, châu Úc, châu Âu... Đối tượng khách du lịch quốc tế sẽ đi theo hình thức “hộ chiếu vắc-xin”, phải hoàn thành việc tiêm chủng vắc-xin, test PCR... Đồng thời, khách tham gia du lịch trọn gói với các chuyến bay charter đến Việt Nam.

Để đồng hành với các doanh nghiệp, giúp họ duy trì và yên tâm hoạt động, kinh doanh, trong thời gian qua, Bộ Văn hoá, Thể thao, Du lịch đã ban hành Kế hoạch 3228/KH-BVHTTDL, có cơ chế cho việc khôi phục hoạt động du lịch trong cả nước trong đó đề cập đến chính sách kích cầu và phục hồi hoạt động du lịch theo 6 nhóm giải pháp cụ thể: Đảm bảo an toàn với khách du lịch; đa dạng hoá sản phẩm thích ứng với cơ chế mới, phù hợp với bối cảnh bình thường mới; tăng cường công tác truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch; ứng dụng thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động du lịch; hỗ trợ DN dựa trên các cơ chế, chính sách; tìm cách phát triển nguồn nhân lực lao động về du lịch...

Nguyễn Đăng

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.