Nẻo đường hướng thiện:

Con đường phục thiện của người đàn bà cùng con trai xuống tay với chủ nợ

Đối diện với bản án Chung thân về tội Giết người, Bùi Thị Thủy, SN 1971, trú tại TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang đã nhiều đêm mất ngủ. Ân hận vì đẩy con trai nhỏ vào trường giáo dưỡng, bản thân thì đối diện với bản án chưa hẹn ngày về...
Con đường phục thiện của người đàn bà cùng con trai xuống tay với chủ nợ
Phạm nhân Bùi Thị Thủy bảo rằng con trai là động lực để cô phấn đấu, quay về...

Quẫn bách làm liều

Theo lời của phạm nhân Bùi Thị Thủy thì cô có một quá khứ buồn đau. Lấy chồng, sinh con, có công việc làm phụ giúp chồng, vun vén mái ấm gia đình, đó là niềm hạnh phúc của tất cả những ai làm vợ, làm mẹ. Thế nhưng cuộc sống của Thủy lại trớ trêu khi đứa con đầu lòng còn quá bé thì chồng cô đã lâm bệnh rồi bỏ lại mẹ con cô trên cuộc đời này. Rồi đứa con chập chững bi bô, cô cũng nhanh chóng lấy lại vóc dáng, vài năm sau đó, cô đã kết hôn với người chồng thứ 2.

Tâm sự với chúng tôi, Thủy bảo rằng thời điểm ấy rất muốn cho con có một cuộc sống tốt và một người cha để dựa dẫm, thế nhưng tất cả những mong muốn ấy của Thủy không cưỡng lại được số phận. Để rồi, đến năm 2012, mâu thuẫn gia đình đẩy lên đỉnh điểm khiến cả hai đã phải chọn giải pháp ly hôn. Đau khổ, buồn tủi, thương cho thân mình và lại thương cho con, nên dù rất buồn, nhưng Thủy bảo rằng cô cũng đã cố gắng làm thuê, làm mướn, định bụng sẽ cho con ăn học cho tử tế. Nhưng, ý nguyện ấy không những không thực hiện được mà Thủy còn nghĩ ra âm mưu thâm độc, lôi kéo cả đứa con còn nhỏ của chính mình tham gia...

Theo tài liệu điều tra, khoảng cuối tháng 9-2014, Thủy có vay của bà Nguyễn Thị Thanh, SN 1966 trú tại TP Tuyên Quang 8 triệu đồng. Khi vay, cả hai không viết giấy tờ vay mượn. Sau đó, do mâu thuẫn trong việc rủ nhau đi buôn bán nên bà Thanh đã yêu cầu Thủy phải trả số tiền đã vay. Tuy nhiên, Thủy đã khất nần vì chưa có tiền trả nợ cho bà Thanh. Trưa 5-1-2015, khi đang ngồi trông hàng thuê tại quán bán hàng của chị Loan, ở thôn An Hòa 4, xã An Tường, TP Tuyên Quang, Thủy lại nghĩ đến việc nợ nần. Nghĩ chuẩn bị đến ngày hứa trả nợ, nhưng chưa có tiền trả bà Thanh nên chị ta đã nảy sinh ý định xuống tay với “chủ nợ” để không phải trả nợ. Thủy xin chị Loan nghỉ làm buổi chiều rồi lấy một đôi găng tay và một chiếc găng tay bên phải bằng sợi len ở quán chị Loan đem về. Về nhà, Thủy lấy một chiếc bulông kim loại (dài 31 cm, đường kính 1,6 cm) và lấy túi ni lon mầu hồng và dây nịt cuốn bên ngoài rồi để ở góc nhà cùng mấy chiếc găng tay rồi đi nấu cơm. Nấu cơm xong, Thủy sang nhà chị Lê Thị Hạnh, ở cùng thôn mượn một chiếc xe đạp đi ra quán cắt tóc ở thôn Hưng Kiều 3, xã An Tường đón cháu Lộc Thành Trung, SN 2001 (là con trai Thủy) về nhà. Về đến nơi, Thủy đã bàn với con trai xuống tay với chủ nợ.

Cũng theo tài liệu, khoảng 20g ngày 5-1-2015, Thủy lấy điện thoại gọi cho bà Thanh lừa rủ đi bốc hàng thuê. Nghe thấy người bạn rủ đi làm, bà Thanh đã đồng ý mà không biết rằng mình đang bị nằm trong âm mưu thâm độc của người bạn làm cùng. Sau đó, Thủy dẫn con trai đi theo đường tránh lụt đến cổng làng Lý Nhân thuộc xóm 14, xã Trung Môn, huyện Yên Sơn. Tại đây, sau khi điều nạn nhân đến đoạn đường vắng, cả hai mẹ con Thủy đã dùng hung khí tấn công nhằm quỵt nợ. Gây án xong, Thủy và con trai đi xe đạp về đến nhà. Đến chiều ngày hôm sau, người dân đi làm đồng phát hiện bà Thanh chết nên đã trình báo chính quyền địa phương.

Đối với con trai Thủy, tính đến thời điểm gây án mới 13 tuổi 2 tháng 2 ngày tuổi, chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Vì vậy, TAND TP Tuyên Quang đã ra quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng. Còn Bùi Thị Thủy, sau hai lần xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, chị ta đã phải nhận mức án Chung thân về tội Giết người.

Bước đường phục thiện...

Về trại giam Quyết Tiến (Bộ Công an) thụ án, phạm nhân Bùi Thị Thủy bảo rằng đã rất ân hận và ám ảnh. Bởi bản thân suy nghĩ nông cạn, lại đẩy chính đứa con mình hết mực yêu thương nhúng chàm. “Đã nhiều đêm tôi mất ngủ, thương phận mình nhưng lại trách bản thân. Bởi khó khăn cuộc sống ai rồi cũng gặp phải. Điều quan trọng là phải biết nhìn nhận, cố gắng vươn lên thì cuộc sống mới khác được, đằng này, bản thân tôi lại nghĩ quẩn, nghĩ cạn...”, phạm nhân Bùi Thị Thủy bỏ lửng câu.

Lao động trong trại cải tạo, phạm nhân Bùi Thị Thủy bảo rằng mình cũng trải qua một số công việc ở trong trại giam như làm hạt cườm hay may. Nhưng với cô, công việc nào cũng nhanh chóng được thích nghi và làm tốt. “Mỗi lần đi lao động, gặp các bạn tù khác, nói chuyện, rồi làm việc nên tạm quên những tội lỗi. Nhưng nhiều đêm về buồng giam, tôi giật mình thảng thốt, dẫn đến nhiều đêm mất ngủ vì ân hận...”, phạm nhân Bùi Thị Thủy tâm sự.

Phạm nhân Bùi Thị Thủy cho biết, sau mỗi đêm mất ngủ, khiến cho bản thân Thủy mệt mỏi, cũng ảnh hưởng đến năng suất lao động. Những lúc như thế, cán bộ quản giáo cũng thường gọi Thủy lên gặp riêng, chia sẻ và tâm sự. Trong câu chuyện giữa cán bộ với phạm nhân, Thủy bảo rằng, mặc dù cán bộ của mình trẻ tuổi hơn, nhưng nghe cán bộ trao đổi, chia sẻ, tâm sự, Thủy cũng thấy nhẹ lòng phần nào. Chính vì vậy, sau hơn 6 năm cải tạo trong trại giam, Thủy bảo đã quen với công việc, với môi trường và đang mong mỏi đạt kết quả khá tốt, để sớm đến ngày được xuống án có thời hạn. “Giờ đây, con tôi cũng đã ra ngoài, không còn ở trường giáo dưỡng nữa. Dù công việc của cháu chưa có gì ổn định, nhưng tôi cũng có thêm những động lực để lao động, cải tạo, phấn đấu quay về...”, phạm nhân Bùi Thị Thủy tâm sự thêm.

(Tên một số nhân vật trong bài đã được thay đổi)

Nguyễn Vũ

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.