Nâng cao hiệu quả thu hút vốn FDI từ EU vào Việt Nam khi thực hiện EVIPA

Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA) được ký kết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhất là về kinh tế và thương mại, mở ra cơ hội lớn để Việt Nam gia tăng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU).
Việt Nam cần thực hiện hiệu quả đồng bộ các giải pháp để tận dụng tốt những cơ hội khi triển khai thực thi hiệp định này
Việt Nam cần thực hiện hiệu quả đồng bộ các giải pháp để tận dụng tốt những cơ hội khi triển khai thực thi hiệp định này

Nhiều cơ hội để phát triển

Việt Nam và EU đã ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU. Sau 1 năm EVFTA có hiệu lực, trao đổi thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU đạt được những kết quả tích cực. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU đã đạt 54,6 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến tháng 9 -2021, EU có 2.242 dự án từ 26 quốc gia thuộc EU còn hiệu lực tại Việt Nam, với vốn đầu tư đăng ký đạt 22,24 tỷ USD, chiếm 5,58% tổng vốn đầu tư đăng ký của các nước và vùng lãnh thổ vào Việt Nam.

Các chuyên gia dự báo, dòng đầu tư trực tiếp FDI từ EU vào Việt Nam về trung hạn và dài hạn sẽ gia tăng đáng kể với nhiều dự án chất lượng có giá trị cao khi EVIPA có hiệu lực. EVIPA là một hiệp định thế hệ mới rất quan trọng, thay thế cho 21 thỏa thuận đầu tư song phương giữa Việt Nam với các nước châu Âu hiện nay.

Đặc biệt, Cùng với những cam kết về mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư theo EVFTA, việc thực thi EVIPA sẽ tạo môi trường thuận lợi để Việt Nam đẩy mạnh thu hút đầu tư trong một số lĩnh vực mà EU có tiềm năng và thế mạnh do mức độ tự do hóa đầu tư của EU vào Việt Nam sẽ được tăng thêm theo quy định của hai hiệp định này. Điều này sẽ thúc đẩy dòng vốn FDI từ EU vào Việt Nam trong thời gian tới, nhất là trong những ngành như: Năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến…

Bên cạnh đó, đầu tư từ EU trong các lĩnh vực này có thể hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế trong nước, khi thông qua việc liên kết sản xuất với DN có vốn đầu tư của EU, các DN trong nước sẽ có cơ hội tham gia chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng của EU và toàn cầu, góp phần tăng sức cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số đang diễn ra.

Mặc dù đã đạt những kết quả tích cực trong việc thu hút FDI của EU vào Việt Nam, nhưng hiện dòng vốn này vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng hợp tác kinh tế giữa hai bên. Vì vậy, việc thực thi EVIPA được kỳ vọng sẽ tạo ra bước phát triển mạnh mẽ trong thu hút vốn FDI từ các nước EU vào Việt Nam.

Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp

Bên cạnh việc sớm thúc đẩy việc phê chuẩn EVIPA từ các nước thành viên EU, Việt Nam cũng cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho hiệp định này đi vào thực hiện. Đồng thời, tận dụng hiệu quả những cơ hội, hạn chế những thách thức mà hiệp định này mang lại, Việt Nam cần triển khai thực hiện một số giải pháp để thu hút những nguồn vốn FDI chất lượng cao từ EU.

Theo GS.TS Andreas Stoffers – GĐ Quốc gia Viện Friedrich Naumann Foundation for Freedom (FNF) tại Việt Nam, Việt Nam cần phải chuẩn bị các chính sách về tiền tệ, tài chính một cách rất thận trọng trong tình hình mới. Đồng thời, các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam phải sẵn sàng về mặt chính sách, để khi EVIPA có hiệu lực, lập tức có ngay chính sách điều chỉnh phù hợp, tránh sự lúng túng, dẫn đến trễ cơ hội cho các DN hai bên.

Cũng theo GĐ Quốc gia FNF Việt Nam, Việt Nam cần phải có cơ chế tham gia và thực hiện đầy đủ các hệ thống của các FTA mà Việt Nam là thành viên như EVFTA, RCEP, đảm bảo chính trị tự do và tuân thủ pháp luật. Đồng thời, sử dụng EVIPA để thu hút các nhà đầu tư hơn nữa đến Việt Nam; coi Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn trong khu vực.

Theo một số chuyên gia, Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế đối với việc tận dụng các cơ hội từ EVIPA như: Hoàn thiện các thiết chế liên quan đến quan hệ lao động, giải quyết tranh chấp lao động một cách chuyên nghiệp; hiệu quả tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng, dịch vụ logistic, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; cải thiện hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về sản phẩm, tài nguyên phù hợp với tiêu chuẩn của khu vực và thế giới để tạo cơ sở pháp lý cho việc thu hút các dự án đầu tư chất lượng cao.

Bên cạnh đó, các DN Việt Nam cần chủ động đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, năng suất lao động nhằm nâng cao sức cạnh tranh, chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đáp ứng tiêu chuẩn của châu Âu, tận dụng hiệu quả những cơ hội từ EVIPA mang lại.

EVIPA là một hiệp định bảo hộ đầu tư rất cụ thể, chính xác, với nhiều tiêu chuẩn mới. Vì vậy, các DN Việt Nam cần tìm hiểu cơ hội kinh doanh cũng như hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của EU; tìm hiểu phong tục tập quán, thói quen tiêu dùng của người dân châu Âu; những vấn đề mà DN cần phải tránh để không liên quan đến pháp lý, sẵn sàng cho cả hoạt động đầu tư vào châu Âu trong tương lai.

Nguyễn Đăng

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.