Hòa giải cơ sở:

Góp phần xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật trong cộng đồng dân cư

Hòa giải ở cơ sở là chỗ dựa cho việc tổ chức một xã hội đoàn kết, hòa hợp, đồng thuận, người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền, tạo tiền đề cho ổn định chính trị và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Cô Nguyễn Thị Phương, tổ hòa giải số 2, TDP Hà Trì 1 là một hòa giải viên có úy tín.
Cô Nguyễn Thị Phương, tổ hòa giải số 2, TDP Hà Trì 1 là một hòa giải viên có úy tín.

Hàng xóm kiện nhau vì tranh chấp đất lưu không

Chuyện mâu thuẫn, tranh chấp xảy ra giữa gia đình bà C và anh S ở TDP Hà Trì 1, phường Hà Cầu, quận Hà Đông, Hà Nội. Họ là hàng xóm sát vách lại có quan hệ họ hàng, anh S gọi bà C là mợ. Do nhà nhỏ, chật chội nên từ nhiều năm trước gia đình bà C đã làm một gian bếp nhỏ ở phần đất lưu không ngoài cổng để đun nấu.

Thời gian trước, gia đình anh S làm nhà mới nên muốn mở cổng rộng và thẳng ra đường để thuận tiện, thẩm mỹ hơn. Tuy nhiên, nếu sửa cổng thì phải bỏ gian bếp của bà C nên bà C không đồng ý. Anh S đâm đơn kiện bà C và cho rằng, khoảng đất ở gian bếp bà C là đất của nhà mình.

Nhận đơn kiện, cô Nguyễn Thị Phương cùng tổ hòa giải số 2, TDP Hà Trì 1 đã đến hòa giải, phân tích nhiều lần nhưng không thành. Hai bên tiếp tục mâu thuẫn, tranh chấp kéo dài ảnh hưởng đến bà con lối xóm và tình hình ANTT trên địa bàn.

Lần hòa giải thứ 4, tổ hòa giải mời cả hai bên gia đình ra nhà văn hóa của tổ dân phố để hòa giải. Khi hỏi nguyện vọng của hai bên như thế nào thì anh S vẫn khẳng định rằng phần đất ở gian bếp bà C là của mình và phải mở cổng thẳng ra. Bà C cũng nói đất đó là của nhà mình và sẽ không bỏ gian bếp.

Trước tình thế đó, tổ hòa giải đã yêu cầu 2 gia đình mang sổ đỏ ra để đối chứng. Sau đó xác định được đó là đất lưu không, không phải đất của ai trong 2 người. Lý do bà C làm gian bếp trên là do từ ngày xưa, mẹ chồng bà C có xin phép HTX làm sái bếp để đun nấu vì nhà chật chội, đông người và sử dụng đến tận bây giờ.

Lúc này, hòa giải viên là cô Phương phân tích thêm, hai gia đình không chỉ là hàng xóm “tối lửa tắt đèn có nhau” mà còn là anh em họ hàng, nên hai bên nhường nhịn nhau để sống với nhau cho vui vẻ, thoải mái. Nhà anh S đất rộng thì cố gắng làm cổng trên phần đất nhà mình.

Từ những lời phân tích, động viên cũng như những chứng cứ đưa ra thuận tình, hợp lý. Anh S và bà C đồng ý hòa giải và làm biên bản cam kết không kiện cáo tranh chấp nữa. Đến nay, hai bên gia đình vui vẻ, hòa thuận.

Cô Phương chia sẻ: “Trong đời sống thường ngày, sự khác biệt về quan điểm, nhận thức, lối sống, tính cách… dẫn đến nảy sinh mâu thuẫn trong gia đình, hàng xóm, cộng đồng dân cư là điều không thể tránh khỏi. Nếu không được giải quyết kịp thời, triệt để thì “chuyện bé xé ra to”, từ tranh chấp thuần tuý dân sự có thể bùng phát nghiêm trọng thành vụ án hình sự, gây mất đoàn kết trong nội bộ Nhân dân”.

Vai trò quan trọng của hòa giải cơ sở

Hòa giải ở cơ sở có vai trò quan trọng, là phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả. Hòa giải thành sẽ hàn gắn và khôi phục tình cảm giữa các bên tranh chấp, duy trì mối quan hệ đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư.

Vì lẽ đó hòa giải ở cơ sở không chỉ là phương thức giải quyết tranh chấp có hiệu quả mà còn là phương thức phổ biến giáo dục pháp luật thiết thực, nhằm giữ gìn, duy trì đoàn kết trong nội bộ Nhân dân; phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, góp phần xây dựng và nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật trong cộng đồng dân cư.

Kết quả hòa giải thể hiện ý chí, sự tự nguyện và quyền tự định đoạt của các bên mâu thuẫn, tranh chấp. Để kết quả đó có giá trị thi hành thì không trái pháp luật, đạo đức xã hội, không xâm phạm lợi ích Nhà nước hoặc người thứ ba hoặc để trốn tránh nghĩa vụ. Do đó, hòa giải viên phải nắm được quy định pháp luật, có kiến thức pháp luật để đưa ra nhận định và hướng dẫn, phân tích các bên tranh chấp biết, hiểu thỏa thuận của họ có đúng pháp luật không, có phù hợp đạo đức không, có xâm phạm lợi ích của Nhà nước hoặc người thứ ba không.

Bằng việc đưa ra những quy định của pháp luật để thuyết phục, giải thích, phân tích cho các bên tranh chấp, hoà giải viên đã góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật cho họ, từ đó giúp họ hình thành ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật để tránh những tranh chấp, mâu thuẫn, vi phạm pháp luật tương tự có thể tiếp tục xảy ra.

Các nguyên tắc cơ bản về tổ chức, hoạt động hòa giải ở cơ sở quy định tại Điều 4 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 “Bảo đảm phù hợp với chính sách, pháp luật của Nhà nước, đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân; không xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng; không lợi dụng hòa giải ở cơ sở để trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính, xử lý về hình sự”.

Bạch Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.