Chương trình Nhà ở xã hội trên địa bàn Hà Nội:

Kỳ 1: Nhu cầu của người dân và quyết sách của Hà Nội

Thuộc một trong những chương trình được ưu tiên đầu tư theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26-7-2011, những năm gần đây, nhiều người trong diện ưu tiên đã tiếp cận được những căn hộ từ các dự án nhà ở xã hội.
Kỳ 1: Nhu cầu của người dân và quyết  sách của Hà Nội
Nhà ở xã hội luôn là mục tiêu ưu tiên của TP Hà Nội

Nhu cầu về nhà ở của người dân Hà Nội là rất lớn

Theo thống kê của TP Hà Nội (tính đến tháng 5-2021), toàn TP có 2.047.189 hộ gia đình, với 7.303.108 nhân khẩu thường trú, tăng 489.110 nhân khẩu so với năm 2013. Mật độ dân số trung bình khoảng 2.390 người/km2, phân bố không đều, tập trung nhiều ở các quận nội thành. Ở các quận như Đống Đa, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Cầu Giấy mật độ dân số rất cao, trung bình đều trên 24.000 người/km2. Việc gia tăng dân số cơ học lớn, lượng dân thường xuyên cư trú (thường trú, tạm trú, không đăng ký) trên địa bàn TP được xác định trên 10 triệu người. Điều này đã gây quá tải về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, tác động mạnh đến công tác quản lý dân cư, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, môi trường trên địa bàn Thủ đô.

Mặc dù số di dân còn cao, mức sống ở Thủ đô Hà Nội được đánh giá là một trong những địa phương cao nhất trên cả nước, nhưng so với thời giá, mức thu nhập bình quân của người Hà Nội vẫn còn khiêm tốn. Theo Báo cáo sơ bộ mức sống dân cư của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân năm 2020 đạt khoảng 4,23 triệu đồng/người/tháng, giảm khoảng 2% so với năm 2019. Tuy nhiên, trong thời kỳ 2016-2020, thu nhập bình quân đầu người/tháng tăng bình quân 8,1%. Theo khu vực, thu nhập bình quân ở thành thị đạt 5,538 triệu đồng/người/tháng, cao gấp gần 1,6 lần nông thôn, trong đó, người dân Hà Nội đạt thu nhập bình quân đầu người 5,981 triệu đồng/người/tháng.

Trong năm 2021, với tác động của đại dịch Covid – 19, theo công bố của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, mặc dù là một trong số ít quốc gia trên thế giới tăng trưởng kinh tế dương, nhưng đại dịch đã để lại những tác động dài hạn đối với các hộ gia đình - thu nhập của khoảng 45% hộ gia đình được khảo sát giảm trong tháng 1-2021 so với tháng 1-2020. Hà Nội là một trong những địa phương có giá nhà cao nhất thế giới. Với thu nhập bình quân như vậy, việc để sở hữu những căn hộ với nhiều gia đình là điều rất khó khăn. Các chính sách ưu đãi về NƠXH là điều mà người dân luôn chờ đợi.

Những quyết sách của Hà Nội

Theo Kế hoạch phát triển Nhà ở TP Hà Nội ban hành kèm theo Quyết định 6336/QĐ-UB ngày 28-11-2014 của UBND TP Hà Nội, về việc Phê duyệt kế hoạch nhà ở TP Hà Nội năm 2015 và nhưng năm tiếp theo (2016 – 2020), trong đó đến năm 2020, TP cần đạt chỉ tiêu hoàn thành đầu tư xây dựng khoảng 6.023.000 m2 sàn NƠXH phục vụ cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ. Quý 1-2021, theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Chính sách nhà ở và thị trường bất động sản TP Hà Nội, đến nay, TP đã tích cực kêu gọi đầu tư phát triển được 83 dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội với khoảng 6,71 triệu m2 sàn nhà ở, trong đó, có 5 dự án khu nhà ở xã hội tập trung và 78 dự án nhà ở xã hội. Cụ thể: 25 dự án đã hoàn thành với 1.254.087 m2 sàn nhà ở xã hội; 58 dự án đang triển khai với 5.458.067 m2 sàn nhà ở xã hội. Như vậy, giai đoạn 2016-2020, TP đã phát triển 83 dự án nhà ở xã hội với khoảng 6,71 triệu m2 sàn nhà ở.

Chương trình phát triển nhà ở TP Hà Nội giai đoạn 2012-2020 và định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu phát triển nhà ở giai đoạn 2016-2020 khoảng 27,90 triệu m2 sàn nhà ở, trong đó NƠXH khoảng 6,22 triệu m2 sàn. Về quy định tỷ lệ diện tích đất ở, nhà ở để phát triển nhà ở xã hội trong các dự án phát triển nhà thương mại, khu đô thị mới tại Khoản 4 Điều 16, Luật Thủ đô Hà Nội cũng đã đưa ra những quyết sách. Theo đó, HĐND TP ban hành Nghị quyết số 06/2013/NQ-HĐND ngày 25-7-2013 quy định về diện tích đất ở, nhà ở để phát triển nhà ở xã hội trong các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới trên địa bàn TP Hà Nội.

Theo đó, các dự án nhà thương mại, khu đô thị mới có quy mô sử dụng đất từ 10 ha trở lên phải dành 25% quỹ đất ở hoặc 25% diện tích nhà để phát triển nhà ở xã hội. Trong 8 năm qua, TP đã phê duyệt 45 dự án có quy mô từ 10 ha trở lên, trong đó 38 dự án đã được đảm bảo việc bố trí 25% diện tích đất ở để phát triển nhà ở xã hội; 07 dự án không bố trí diện tích đất ở, nhà ở để phát triển nhà ở xã hội tại dự án. Đối với 7 dự án này, UBND TP đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép được thực hiện nộp tiền hoặc xem xét bố trí quỹ đất nhà ở xã hội tại vị trí khác thích hợp.

(Còn nữa)

Minh Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.