Phát triển hợp tác xã sẽ tạo ra sức mạnh đa chiều

Ngày 19-10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 trong lĩnh vực nông nghiệp.
Phát triển hợp tác xã sẽ tạo ra sức mạnh đa chiều
Muốn đa dạng hóa sản phẩm kể cả đầu vào và đầu ra thì không có cách nào khác phải có sự tham gia của hợp tác xã.

2.300 hợp tác xã nông nghiệp đã thành doanh nghiệp

Tại hội nghị, TS. Lê Đức Thịnh Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho biết, từ năm 2013 đến nay, số lượng hợp tác xã nông nghiệp tăng nhanh, trung bình mỗi năm tăng gần 800 hợp tác xã. Riêng giai đoạn 2017-2021 tăng gấp hơn 3 lần giai đoạn 2012-2016.

Cả nước hiện có khoảng 2.300 hợp tác xã nông nghiệp đã thành DN, trong đó 2.200 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp... Ước tính đến hết năm nay, cả nước sẽ có khoảng 18.327 hợp tác xã nông nghiệp và 79 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp. Như vậy, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW, số lượng hợp tác xã nông nghiệp đã tăng thêm 12.569 hợp tác xã.

Tổng kinh phí được nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã lĩnh vực nông nghiệp trên cả nước 20 năm qua đạt khoảng 8.180 tỷ đồng. Ngân sách nhà nước hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp tập trung nhiều ở giai đoạn 2013 - 2021 với khoảng 7.283 tỷ đồng, cao gấp 8 lần giai đoạn trước (2001 - 2012).

Tính riêng trong năm 2020, đã có 96% số hợp tác xã được chuyển đổi, tổ chức lại hoạt động; quy mô, chất lượng và hiệu quả hoạt động được nâng lên; tỷ lệ hợp tác xã hoạt động hiệu quả đạt 56%; tổng doanh thu đạt hơn 30.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 2.900 tỷ đồng, thu nhập bình quân của người lao động đạt 4,3 triệu đồng/người/tháng.

TS. Lê Đức Thịnh nhấn mạnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xác định, kinh tế tập thể, hợp tác xã là công cụ, giải pháp trụ cột để thực hiện các mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển nông, nông thôn. Nghị quyết 13 và Luật hợp tác xã 2012 đã tạo động lực, cơ chế phát triển cho kinh tế tập thể, hợp tác xã theo mô hình hợp tác xã kiểu mới.

Bên cạnh những kết quả đạt được về kinh tế tập thể, hợp tác xã vẫn bộc lộ những hạn chế, bất cập như: Quá trình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 13 còn chậm, một số cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương còn lúng túng, thiếu các giải pháp cụ thể. Số lượng hợp tác xã thành lập mới tăng mạnh, nhưng số hợp tác xã hoạt động có hiệu quả còn thấp, thiếu tính bền vững, quy mô thành viên và doanh thu của các hợp tác xã nông nghiệp còn nhỏ bé…

Hợp tác xã là một phần của kinh tế nông thôn

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định, Chính phủ đã bàn đến câu chuyện phục hồi kinh tế sau đại dịch, làm sao nâng cao sự tự chủ của nền kinh tế trong nước, giảm phụ thuộc nước ngoài. Trong bối cảnh hiện nay ngoài việc thu hút đầu tư nước ngoài thì cũng cần chú ý đến tăng cường sức mạnh nội tại. Cùng với sức mạnh của DN thì cũng cần chú ý đến kinh tế tập thể và hợp tác xã.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị các địa phương quan tâm thực sự đến phát triển hợp tác xã, coi hợp tác xã là một phần của kinh tế nông thôn, là một phần không thể tách rời của kinh tế phi nông nghiệp ở nông thôn, xây dựng các hợp tác xã là xây dựng sự hợp tác để cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển nông nghiệp.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, hợp tác xã không phải là DN mà là sự hợp tác để cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển nông nghiệp, là trụ đỡ của nền kinh tế trong những lúc khó khăn. Chiều sâu của kinh tế nông thôn tạo ra những cộng đồng hợp tác ở nông thôn, chia sẻ và kết nối với các DN ngoài nông thôn. Tính kết nối đó mới tạo ra sức bền vững của nông thôn. Để phát triển hợp tác xã, sắp tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ thu hút đầu tư công về hạ tầng logictics cho HTX để các hợp tác xã nâng cao năng lực và kích hoạt để bà con nông dân kết nối với nhau.

TS. Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho rằng, phát triển nông nghiệp nông thôn nói chung và trong tiến trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới những năm tới cần thống nhất về tư duy, hành động và yêu cầu tổ chức lại sản xuất. Quan trọng hơn là phát triển lực lượng sản xuất, trong đó kinh tế tập thể, hợp tác xã là giải pháp cơ bản hướng tới nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tích hợp đa giá trị.

Đăng Quý

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.