Hà Nội chú trọng phát triển đô thị theo hướng bền vững, đô thị thông minh:

Kỳ cuối: Tăng cường chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị tiến tới đô thị thông minh

Trong giai đoạn 2021-2025, TP Hà Nội giao UBND quận tiếp tục nghiên cứu triển khai thực hiện công tác cải tạo, chỉnh trang đô thị đồng bộ các tuyến phố với định hướng phát triển kiến trúc cảnh quan đô thị quận Hoàn Kiếm cổ kính, hiện đại văn minh tiến tới đô thị thông minh.
Thời gian tới, TP Hà Nội tập trung huy động nguồn lực phát triển các không gian ngầm công cộng tại khu vực nội đô lịch sử.
Thời gian tới, TP Hà Nội tập trung huy động nguồn lực phát triển các không gian ngầm công cộng tại khu vực nội đô lịch sử.

Chú trọng công tác chỉnh trang đô thị, nhà mặt phố

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trong giai đoạn 2021-2025, UBND các quận triển khai thực hiện việc thiết kế đô thị riêng các tuyến phố trên tuyến phố trên địa bàn quận theo nội dung đồ án quy hoạch phân khu đô thị đã được UBND TP phê duyệt. Đặc biệt là địa bàn quận Hoàn Kiếm phải thiết kế đô thị riêng các tuyến phố trình UBND TP phê duyệt, UBND quận tiếp tục nghiên cứu triển khai thực hiện công tác cải tạo, chỉnh trang đô thị đồng bộ các tuyến phố với định hướng phát triển kiến trúc cảnh quan đô thị quận Hoàn Kiếm cổ kính, hiện đại văn minh tiến tới đô thị thông minh.

Theo đó, trên cơ sở danh mục các tuyến phố chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật, UBND TP giao UBND các quận khẩn trường lập kế hoạch, ban hành danh mục các tuyến phố, nội dung chỉnh trang đô thị và phối hợp UBND công bố công khai trên địa bàn để nhân dân biết và ủng hộ chủ trương, kinh phí.

Việc cải tạo, chỉnh trang đô thị, nhà mặt phố sẽ được tiến hành trên tất cả các tuyến phố nằm trong danh mục cải tạo chỉnh trang trên địa bàn các quận. Công tác cải tạo chỉnh trang các tuyến phố bao gồm: mặt đứng công trình, mái che, mái vẩy, biển hiệu... kết hợp với chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật, hạ ngầm các đường dây đi nổi.

Việc thực hiện phải tiến hành theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước và TP, UBND các quận xây dựng lộ trình cụ thể cho từng tuyến đường phố; huy động tối đa nguồn lực xã hội và các tổ chức cơ quan đơn vị trên địa bàn quận.

Trong đó, quan tâm bảo tồn, tôn tạo các công trình kiến trúc có giá trị dựa trên nguyên tắc phục hồi các kiến trúc nguyên gốc, phá bỏ các bộ phận cơi nới chắp vá trái phép, gây mất mỹ quan. Cải tạo thay thế các bộ phận kiến trúc cũ hỏng như: hàng rào, lan can ban công, cửa đi, cửa sổ mặt tiền… lựa chọn những mầu sắc sơn đẹp cho từng công trình và định hướng mầu sơn chủ đạo cho toàn tuyến phố đảm bảo đẹp, hài hòa, thân thiện, thực hiện chiếu sáng các công trình di tích và công trình kiến trúc có giá trị.

Cũng theo Sở Xây dựng Hà Nội, trong thời gian tới, UBND TP giao Liên ngành Xây dựng – Thông tin và Truyền thông – GTVT phối hợp với các doanh nghiệp hạ ngầm khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công, nghiêm túc thực hiện việc cấp 01 giấy phép hạ ngầm các doanh nghiệp điện lực viễn thông xây dựng biện pháp thi công chung, công đồng thời, chỉ đào một lần do Sở Giao thông vận tải cấp phép.

UBND các quận tiếp tục khẩn trương bố trí kinh phí bằng nguồn ngân sách quận, lập kế hoạch, thực hiện cải tạo chỉnh trang hạ tầng đô thị đặc biệt là công tác chỉnh trang

Lập danh mục đề xuất các tuyến đường, tuyến phố để cải tạo hạ tầng, chỉnh trang mặt phố trong giai đoạn 2021 - 2025 theo nguyên tắc: Đã thực hiện công tác ngầm hóa hệ thống cáp, đường dây điện lực, viễn thông hoặc thực hiện đồng bộ công tác hạ ngầm và chỉnh trang tuyến phố.

Phù hợp quy hoạch được phê duyệt. Riêng đối với các tuyến ngoài đê trên địa bàn quận Hoàn Kiếm chỉ được thực hiện theo thiết kế chi tiết được duyệt.

Dấu ấn đậm nét trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của TP Hà Nội

Trong những năm qua, với mục tiêu xây dựng Thủ đô hướng đến là đô thị xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại trong tương lai. TP Hà Nội đã xây dựng Luật Thủ đô với các cơ chế đặc thù đã góp phần tích cực xây dựng và phát triển Thủ đô. Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết đã tạo cơ sở pháp lý ban đầu, góp phần huy động các nguồn lực phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và hoạt động đối ngoại trên địa bàn Thủ đô.

Ngoài ra, UBND TP đã triển khai Chương trình số 06-CTr/TU (khóa XVI) Thành ủy Hà Nội ban hành về “Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại giai đoạn 2016-2020, theo đó TP tiếp tục chú trọng phát triển đô thị theo hướng bền vững, đô thị thông minh đồng thời với việc cải tạo, chỉnh trang đô thị cũ, khu vực phố cổ.

TP cũng triển khai chỉ đạo của Thành ủy và HĐND TP, theo đó TP tiếp tục phân cấp cho UBND cấp huyện quản lý hệ thống vỉa hè. Giao Sở Xây dựng quản lý hệ thống hạ cây xanh, chiếu sáng, thoát nước; Giao Sở GTVT quản lý đường, tổ chức giao thông các tuyến đường

Giai đoạn 2016 – 2020 và 2020-2025, UBND TP đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp hạ ngầm các đường dây cáp điện lực, viễn thông theo hình thức xã hội hóa. Giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan tổng hợp, theo dõi tình hình triển khai, tháo dỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công.

UBND TP giao UBND các quận thực hiện việc cải tạo, chỉnh trang hạ tầng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ (hè đường, cây xanh, chiếu sáng, thoát nước…), nhà mặt phố trên địa bàn sau khi hạ ngầm đường điện, thông tin liên lạc theo Thông báo số 1390/TB-UBND ngày 05-12-2017 và văn bản số 4162/UBND-ĐT ngày 07-9-2018.

TP đã ban hành các quyết định về thiết kế mẫu hè đường đô thị trên địa bàn TP (số 1303/QĐ-UBND ngày 21-3-2019); mẫu tủ Pilar, tủ phân dây đối với các công trình hạ ngầm hệ thống đường dây nổi trên địa bàn Thành phố để thống nhất quản lý.

Bên cạnh đó, TP cũng xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình số 03-CTr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy về chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị TP Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025; trong đó, tăng cường chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị. Tiếp tục cải tạo, chỉnh trang hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu vực đô thị; chỉnh trang 180 tuyến phố sau khi hạ ngầm sắp xếp đường dây, cáp đi nổi. Chỉnh trang khu vực đô thị cũ (lập quy hoạch, thiết kế đô thị tại các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng.

Với hàng loạt mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và những giải pháp động bộ, căn cơ cùng với lộ trình triển khai cụ thể, gắn với trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương và sự quyết liệt, đúng đắn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của TP Hà Nội, chắc chắn Hà Nội sẽ phát triển nhanh, bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại.

Điều 8 Luật Thủ đô quy định về Quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô:

1. Việc xây dựng và phát triển Thủ đô phải được thực hiện theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, các quy định của pháp luật về xây dựng, về quy hoạch đô thị và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô phải bảo đảm xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường; bảo đảm quốc phòng, an ninh, kết nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của Thủ đô với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong Vùng Thủ đô và cả nước.

2. Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và việc điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sau khi có ý kiến của Quốc hội.

3. Quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và các quy hoạch khác của Thủ đô phải bảo đảm phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.

4. Quy hoạch ngành, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia liên quan trực tiếp đến Thủ đô phải được lấy ý kiến của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và bảo đảm phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.

5. Việc lập và thực hiện quy hoạch phải bảo đảm nguyên tắc công khai, đồng bộ, ổn định, lâu dài.

Minh Phong

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.