Người giúp "nối" duyên vợ chồng là hoà giải viên

Sự việc hai vợ chồng mâu thuẫn đến đỉnh điểm khi người chồng đánh vợ tím tái, dìm vào thùng nước, người vợ phải trèo cột điện trốn ra khỏi nhà và tổ hòa giải đã giúp hai vợ chồng vui vẻ, quay lại với nhau.
Người giúp
Người chồng do mâu thuẫn đã đánh vợ khiến chị này phải trèo cột điện chạy trốn. (Ảnh minh họa).

Trao đổi với PV, bà Đàm Thị Chân, SN 1959, thành viên tổ hòa giải, chi hội trưởng hội phụ nữ, trưởng xóm 3 thôn An Trai, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội cho biết, bà là một trong 2 địa chỉ tin cậy của cộng đồng trên địa bàn xã Vân Canh.

Chia sẻ về công tác hòa giải, bà Chân cho biết, bà tham gia công tác hòa giải ở địa phương từ rất lâu, từ ngày bà làm bên hội phụ nữ năm 1992 đã tham gia các buổi hòa giải mâu thuẫn trên địa bàn. Các vấn đề mâu thuẫn ở địa phương chủ yếu về hôn nhân gia đình, mâu thuẫn bố con, tranh chấp đất đai giữa anh em trong nhà, ranh giới với nhà hàng xóm, chia thừa kế,....

Công việc của hòa giải viên bất kể thời gian nào, khi người hòa giải viên biết có mâu thuẫn hoặc được người khác báo có mâu thuẫn ở gần khu vực mình sinh sống thì người hòa giải viên sẽ đến gia đình có mâu thuẫn đó, gặp gỡ, trò chuyện để tìm hiểu mâu thuẫn từ đâu, sự tình 2 bên mâu thuẫn thế nào. Sau khi nghe hai bên chia sẻ, người hòa giải viên sẽ động viên, chia sẻ với hai bên và phân tích cái đúng, cái sai, cái tình, lý với hai bên để họ hiểu ra, không tranh chấp, hóa giải mâu thuẫn.

Nếu thành viên tổ hòa giải chia sẻ với hai bên đều không thành công thì sẽ hướng dẫn người dân viết đơn gửi ra tổ hòa giải. Từ đó, tổ hòa giải sẽ sắp xếp công việc để đến nhà người dân mâu thuẫn gặp gỡ, trò chuyện, chia sẻ với hai gia đình. Sau đó, tổ hòa giải sẽ phân tích về tình làng nghĩa xóm, phân tích cái đúng, cái sai. Khi người dân hiểu ra và vui vẻ thì mọi người cùng vui, cũng có người hiểu ra nhưng vì không được lợi ích của họ nên họ cũng khó chịu, không hợp tác nhưng được tổ hòa giải vận động họ cũng nghe ra và vui vẻ.

Chia sẻ về câu chuyện hòa giải, bà Chân cho hay, câu chuyện bà nhớ nhất là chuyện mâu thuẫn vợ chồng, người chồng đánh vợ khiến người vợ phải chạy sang nhà bà cầu cứu.

Người giúp
Bà Chân cho rằng, những người làm công tác hòa giải ở địa phương đều là người nhiệt tình, nhiệt huyết với công việc và có uy tín trong cộng đồng dân cư.

Chuyện mâu thuẫn của gia đình này xuất phát từ việc vợ chồng nghe điện thoại của nhau rồi không hiểu nhau dẫn tới mâu thuẫn, đập điện thoại. Người chồng bực tức đã cuốn tóc vợ vào lan can cầu thang, đánh vợ tím tái, khóa cửa không cho người vợ ra ngoài, không cho ai vào nhà. Đỉnh điểm là người chồng này dìm vợ vào thùng nước nhưng người này vùng vẫy ra được.

Nhân lúc chồng sơ hở, người vợ này đã trèo qua lan can cửa nhảy ra ôm cột điện rồi trèo xuống dưới đất. Lúc này, người chồng phát hiện đã đổ nước vào cột điện nhưng người vợ may mắn thoát được, chạy sang nhà bà cầu cứu rồi người này về quê để lánh nạn.

Nhận được tin, tổ hòa giải đã vào cuộc, tiếp xúc với người chồng, bố mẹ chồng tìm hiểu nguyên nhân, cũng như phân tích đúng, sai như thế nào. Khi tiếp xúc với người chồng, tổ hòa giải phân tích về hành vi đánh vợ như anh là vi phạm pháp luật, nếu người vợ làm đơn tố cáo anh là sẽ bị công an bắt. Còn đối với bố mẹ chồng, khi thấy con cái mâu thuẫn, đánh nhau thì phải vào can ngăn, chia sẻ, động viên con cái, khuyên người chồng chấm dứt hành vi đánh vợ, vi phạm pháp luật.

Sau 1 tháng, tổ hòa giải can thiệp, cả hai bên thì người vợ cùng bố mẹ ở quê đã lên Hà Nội để gặp gỡ gia đình nhà chồng. Hai vợ chồng đã nói chuyện với nhau và mong muốn quay lại với nhau. Tổ hòa giải rất vui mừng vì vụ hòa giải thành nhưng tổ vẫn yêu cầu người chồng viết bản cam kết không đánh vợ, nếu đánh sẽ đưa sự việc ra pháp luật trừng trị. Hai vợ chồng sau sự việc đó đã về ở với nhau, vui vẻ, hạnh phúc, hòa thuận đến ngày nay.

Bên cạnh sự việc trên, còn một sự việc mâu thuẫn hiếm gặp trên địa bàn đó là một người phụ nữ 75 tuổi làm đơn ly dị chồng. Nguyên nhân của sự việc là người mẹ thương con gái, người con trai hợp với bố muốn dành phần đất của gia đình cho con trai nhưng người mẹ cũng muốn dành một phần nào đó cho con gái

Tổ hòa giải biết sự việc nên đã mời hội người cao tuổi, bí thư, trưởng thôn, ban công tác mặt trận,... đến gặp gỡ, chia sẻ với gia đình. Sau khi gặp gỡ hai bên, tổ đã hướng dẫn mọi người làm đơn ra xã và địa chính xã đã hỗ trợ tách đất giúp gia đình.

Qua nhiều năm công tác tại địa phương, bà Chân cho rằng, các mâu thuẫn ở địa phương thì tổ hòa giải hầu hết đều hoàn thành bởi những người trong tổ hòa giải đều là người thiệt tình, làm việc không kể ngày đêm và là người có uy tín trong địa bàn dân cư.

Mâu thuẫn không đóng tiền làm ngõ đi chung và cái kết bất ngờ Mâu thuẫn không đóng tiền làm ngõ đi chung và cái kết bất ngờ

Một hộ gia đình đã không đóng tiền làm ngõ đi chung và sau đó muốn mở đường đi ra ngõ này không được người ...

Công Phương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.