Vai trò của Thừa phát lại trong việc thu hồi nợ xấu ngân hàng

Ông Phạm Anh Dũng, Phó Trưởng văn phòng Thừa phát lại (TPL) Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết, TPL là một công cụ hữu hiệu trong việc thu hồi nợ xấu, thu hồi, xử lý tài sản bảo đảm khi có sự cộng tác chặt chẽ giữa ngân hàng với văn phòng TPL.
Ông Phạm Anh Dũng chia sẻ về vai trò của TPL trong việc thu hồi nợ xấu của ngân hàng
Ông Phạm Anh Dũng chia sẻ về vai trò của TPL trong việc thu hồi nợ xấu của ngân hàng

Trao đổi với PV, ông Phạm Anh Dũng, Phó Trưởng văn phòng TPL Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết, trong những năm vừa qua và do ảnh hưởng của dich Covid-19, nợ xấu ở ngân hàng có dấu hiệu tăng nhanh.

Các khó khăn gặp phải trong giải quyết nợ xấu như: hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh, thiếu đồng bộ; hoạt động tố tụng của các cơ quan nhà nước thường kéo dài, mất nhiều thời gian, hiệu quả không cao; việc thu hồi, bán tài sản bảo đảm và đăng ký quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất tại các cơ quan quản lý nhà nước còn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập do hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ.

Ngoài ra, việc không hợp tác của phía người vay, người mang tài sản để bảo đảm cho khoản vay tại ngân hàng cũng là những khó khăn thường gặp phải trong quá trình giải quyết tình trạng nợ xấu trong những năm vừa qua...

Việc công nhận và tổ chức triển khai chế định TPL đưa vào hoạt động chính thức trên địa bàn toàn quốc theo Nghị quyết số 107/2015/QH13 ngày 26-11-2015 của Quốc hội đã tạo ra một hướng đi mới, một công cụ pháp lý hữu ích giúp cho các ngân hàng chủ động hơn, tự tin hơn, chặt chẽ về pháp luật hơn trong việc thu hồi tài sản, giải quyết vấn đề nợ xấu của mình.

Trong 04 việc TPL được làm theo quy định pháp luật thì cả 04 việc đều liên quan trực tiếp và giúp ích cho các ngân hàng trong vấn đề giải quyết nợ xấu. Văn phòng TPL trực tiếp tư vấn và thực hiện việc giao văn bản, giấy tờ như: Thông báo nợ, thông báo thu hồi tài sản bảo đảm, giấy mời làm việc, quyết định thanh lý, bán đấu giá tài sản... của ngân hàng cho đối tượng nhận bảo đảm đúng các quy định của pháp luật; bảo đảm tuân thủ chặt chẽ các quy định của Bộ luật Dân sự, Luật hành chính, Luật Thương mại và các Quy trình tống đạt theo đúng như quy định của pháp luật về tố tụng mà phía đối tượng nhận văn bản không thể phản bác hoặc chối bỏ.

Bên cạnh đó, Trưởng Văn phòng TPL còn trực tiếp ra quyết định và tổ chức xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án theo hợp đồng ký với phía ngân hàng. Kết quả xác minh điều kiện thi hành án này là căn cứ pháp luật để Văn phòng TPL, hoặc Cơ quan Thi hành án Dân sự (THADS) ra Quyết định thi hành án trong trường hợp phía bên phải thi hành án có đủ điều kiện thi hành án hoặc đưa ra các quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm khác.

Theo quy định pháp luật, TPL của văn phòng có thẩm quyền như Chấp hành viên Chi cục THADS cấp quận, huyện; Trưởng văn phòng TPL được pháp luật giao có thẩm quyền như Chi cục trưởng - Chi cục THADS cấp quận, huyện. Chính vì vậy, Trưởng văn phòng TPL được toàn quyền, chủ động ký hợp đồng với ngân hàng và ra quyết định thi hành án đối với các bản án thuộc phạm vi quyền hạn của mình và tổ chức thi hành án theo đơn yêu cầu của phía ngân hàng.

Đồng thời, TPL còn có thẩm quyền lập vi bằng. Do đó, vi bằng là chứng cứ phục vụ việc điều tra, xét xử, giải quyết tranh chấp, giao kết hợp đồng, thỏa thuận, là chứng cứ để bảo vệ quyền lợi về kinh tế, chính trị, quyền nhân thân của người/tổ chức yêu cầu và người/tổ chức tham gia việc lập vi bằng.

Vi bằng chính là chứng cứ để bảo vệ phía ngân hàng trước pháp luật trong quá trình tổ chức việc thu hồi, xử lý tài sản bảo đảm theo đúng các quy định tại Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29-12-2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm; Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22-02-2012 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29-12-2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm; Thông tư liên tịch số 16/2014/TTLT-BTP-BTNMT-NHNN ngày 06-06-2014 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về Hướng dẫn một số vấn đề về xử lý tài sản bảo đảm.

Khi chưa có TPL, để thực hiện việc thu hồi nợ xấu trong lĩnh vực tín dụng phía ngân hàng đều phải trông chờ vào sự cộng tác của các cơ quan chuyên môn, UBND các phường, xã. TPL ra đời đã bổ sung cho phía ngân hàng một công cụ hữu hiệu trong việc thu hồi nợ xấu, thu hồi, xử lý tài sản bảo đảm khi có sự cộng tác chặt chẽ giữa ngân hàng với Văn phòng TPL.

Mặc dù tiềm năng phối hợp giữa phía ngân hàng và TPL là rất lớn nhưng giai đoạn vừa qua sự phối hợp này chưa thực sự gắn kết và chưa tương xứng với tiềm năng của hai bên bởi một số nguyên nhân.

Trong đó, các ngân hàng chưa thực sự hiểu công việc của TPL, phía TPL còn nhiều hạn chế trong nhận thức pháp luật về việc thu hồi nợ xấu, thu hồi tài sản bảo đảm và thiếu kinh nghiệm xử lý tình huống phát sinh trong quá trình thực hiện công việc này; ngân hàng chưa thực sự tin tưởng vào khả năng thực hiện công việc của TPL.

Mức thù lao phía ngân hàng đồng ý trả cho TPL thường rất thấp so với chi phí thực tế, phía ngân hàng thường lấy mức phí của công chứng viên để đối chiếu và áp giá với công việc của TPL, nhưng trong thực tế, công việc của TPL vất vả hơn rất nhiều...

Công Phương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.