“Gương vỡ lại lành” nhờ hòa giải viên cơ sở

Cuộc sống muôn màu, muôn vẻ và những người làm công tác hòa giải ở cơ sở là những người trải nghiệm nhiều nhất, chứng kiến nhiều câu chuyện khác nhau và có thêm nhiều kinh nghiệm trong hòa giải và đó cũng là niềm vui, động lực để những người hòa giải tiếp tục công việc của mình.
“Gương vỡ lại lành” nhờ hòa giải viên cơ sở
Cô Phương - một hoa giải viên được người dân nể trọng, uy tín với chính quyền địa phương

“Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, là một hòa giải viên, với những vụ việc mâu thuẫn tình cảm vợ chồng để lại cho cô nhiều cảm xúc khác nhau. Sau khoảng 6 năm làm công tác hoà giải, cô là người chắp nối cho nhiều gia đình tìm lại được hạnh phúc và chính cô cũng cảm thấy hạnh phúc vì mình những điều tốt đẹp mà mình đã làm được… Đó là chia sẻ của cô Nguyễn Thị Phương, tổ viên tổ hòa giải số 2, TDP Hà Trì 1, phường Hà Cầu, quận Hà Đông, Hà Nội.

Một vụ hòa giải đáng nhớ là chuyện của vợ chồng anh Đ và chị T, từng là một gia đình hạnh phúc, con cái đủ đầy. Đến năm 2020 thì tình cảm vợ chồng rạn nứt khi hai bên đều không tin tưởng nhau. Chồng nghi vợ cặp bồ và vợ cũng nghi chồng đi lăng nhăng bên ngoài. Dẫn đến mâu thuẫn, liên tục đánh chửi nhau và đòi ly hôn… Mọi người vào can ngăn đều bị anh Đ đuổi về vì cho rằng chuyện gia đình anh, đừng ai can dự vào.

Nếu chị T tham gia Hội Phụ nữ thì mỗi lần xảy ra chuyện, cô Phương sẽ dễ dàng tiếp cận với tư cách là Hội Phụ nữ. Do đó, cô Phương nhiều lần khuyên nhủ chị T tham gia vào Hội Phụ nữ vừa có nơi chia sẻ, vừa đảm bảo quyền lợi của phụ nữ nhưng chị T từ chối với lý do công việc bận rộn, đi công tác thường xuyên nên sẽ không có thời gian tham gia, họp hành…

Vì thế việc hòa giải cũng trở nên khó khăn hơn. Cho đến vào một buổi tối, cô Phương nhận được điện thoại của người dân trong ngõ về việc vợ chồng anh Đ đang đánh nhau rất căng thẳng. Cô Phương vội vàng đến nơi thì một số hàng xóm nói rằng họ vào đến khuyên can nhưng bị anh Đ đuổi ra.

Đứng ngoài nghe tiếng chửi bới, la hét, cô Phương sốt ruột nhỡ cứ để vậy lại xảy ra chuyện đáng tiếng nên cô đã liều đi vào nhà. “Lúc đó trong đầu cô nghĩ rằng cứ vào nói chuyện với hai vợ chồng, nếu không dừng lại thì sẽ gọi công an và tổ dân phố vào giải quyết, chứ để hai vợ chồng đánh nhau thế thì nguy”, cô Phương cho biết.

Sau đó, cô Phương đã đề nghị cả hai vợ chồng nên bình tĩnh để giải quyết, đã là vợ chồng cái quan trọng là nên tin tưởng nhau. Ai đi làm cũng đều có các mối quan hệ đồng nghiệp, quan hệ anh em, bạn bè. Không phải nam nữ đi với nhau là phải lòng nhau.

Với chị T, cô Phương khuyên rằng mình là phụ nữ nên nhịn để xem xét kỹ sự tình, nếu đúng là chồng mình có quan hệ sai trái như vậy thì báo cáo chính quyền giải quyết. Còn anh Đ, là đàn ông, không thể nào hơi tí là giơ tay đánh vợ. Mình đều là người có văn hóa, lại là vợ chồng sống với nhau bao nhiêu năm, có chuyện gì hãy ngồi lại với nhau giải quyết bằng lời nói.

“Gương vỡ lại lành” nhờ hòa giải viên cơ sở
Không chỉ làm tốt công tác hòa giải, cô Phương (ngoài cùng bên trái) còn làm tốt các công tác xã hội

Sau khi lựa lời phân tích, khuyên nhủ thì hai vợ chồng nguôi dần. Một tuần sau thấy hai vợ chồng vui vẻ trở lại, còn đèo nhau đi chơi, cười nói hạnh phúc. Tuy nhiên, chẳng được bao lâu hai vợ chồng lại tiếp tục mâu thuẫn, đánh chửi nhau loạn cả phố.

Lần này cô Phương cùng cán bộ tổ dân phố đi vào hòa giải, tiếp tục phân tích, con cái lớn rồi, vợ chồng cần phải đồng lòng vun vén nhà cửa. Đừng đánh chửi nhau ảnh hưởng đến tâm lý của các con và phiền hà đến bà con lối xóm…

Cô Phương chia sẻ với anh Đ rằng nếu khẳng định mình không bồ bịch thì “cây ngay không sợ chết đứng”, còn chị T tối đến nếu có việc gì cần ra ngoài thì nhẹ nhàng nhờ chồng “anh đèo em đi với” thì chồng chẳng có cớ gì để hoài nghi về mình.

“Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” gia đình nào cũng có những lúc “cơm không lành, canh chẳng ngọt” nhưng cái chính là biết cách giải quyết khúc mắc, chứ cứ đánh chửi nhau thì sẽ làm mọi chuyện tồi tệ hơn mà thôi… Thế rồi từ những lời phân tích, chia sẻ có lý, có tình của cô Phương và tổ dân phố, chợ chồng anh Đ và chị T dần hiểu ra mọi chuyện và hứa sẽ không để xảy ra sự việc không hay nữa.

Từ đó đến nay, hai vợ chồng anh Đ sống vui vẻ, hạnh phúc, cùng nhau chăm lo cho con cái, vun vén cho gia đình. Đó cũng là “quả ngọt” dành cho những người làm công tác hòa giải như cô Phương.

Cho Phương hạnh phúc chia sẻ rằng, sau khi vụ việc được hòa giải thành, khoảng 1 tuần sau hai vợ chồng anh Đ và chị T đèo nhau qua nhà cô chơi và nói lời cảm ơn “Chúng em cảm ơn chị, nếu chị không vào nhà em thì không ai chia sẻ, giải thích, phân tích để chúng em hiểu được nhau. Nhờ chị mà vợ chồng em đã nhận ra được những cái sai của mình và đã giải quyết được mâu thuẫn…”.

Cô Phương bộc bạch: “Mỗi lần hòa giải thành là cô lại cảm thấy vui và hạnh phúc vì tiếng nói của mình đã giúp họ xích lại gần nhau hơn… Cuộc sống muôn màu, muôn vẻ và những người làm công tác hòa giải ở cơ sở là những người trải nghiệm nhiều nhất, chứng kiến nhiều câu chuyện khác nhau và có thêm nhiều kinh nghiệm trong hòa giải và đó cũng là niềm vui, động lực để những người hòa giải tiếp tục công việc của mình”.

Bạch Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.