Nghị quyết 128 – doanh nghiệp vui mừng, người dân phấn khởi

Nghị quyết 128 do Chính phủ vừa ban hành về Quy định tạm thời về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid -19” là tin vui đối với các doanh nghiệp và người dân. Nghị quyết này giúp họ xác định được một cách rõ ràng hơn trạng thái hoạt động trong bối cảnh mới.
Nghị quyết 128 – doanh nghiệp vui mừng, người dân phấn khởi
Nghị quyết 128 sẽ là nền tảng tạo ra sự thống nhất ở tầm Trung ương đến địa phương trong hoạch định và thực thi chính sách

Tạo động lực đẩy nhanh quá trình bình thường mới

Nghị quyết 128 ban hành quy định một số lĩnh vực được phép hoạt động ở cả 4 cấp độ, trong đó có sản xuất, xây dựng, thi công công trình, hay vận chuyển hàng hóa liên tỉnh. DN cho rằng điều này sẽ giúp họ chủ động hơn trong khâu tổ chức sản xuất, nhất là với các ngành sản xuất có đơn hàng tăng cao vào cuối năm.

Theo đại diện Bộ Giao thông Vận tải, sau khi có Nghị quyết 128 phân chia các cấp độ dịch, từ đây các Bộ cần ban hành các tiêu chí mang tính thống nhất, đồng thời các địa phương không tạo ra những quy định riêng.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho biết, Bộ đã giao các đơn vị liên quan rà soát lại toàn bộ quy định, hướng dẫn về vận tải hành khách và hàng hóa theo Nghị quyết 128. Để lưu thông hàng hóa và hành khách thuận lợi rất cần bộ tiêu chí về phân vùng nguy cơ dịch bệnh của Bộ Y tế. Hiện nay, Bộ Y tế cũng ban hành nhiều văn bản quy định về bộ tiêu chí với những người đi từ các vùng có cấp độ dịch khác nhau. Do vậy, Bộ Y tế cần ban hành thống nhất 1 văn bản hướng dẫn về điều kiện người đi lại, lái xe, cách ly, theo dõi sức khỏe tại nơi đến... Làm sao đảm bảo quản lý chặt chẽ nhưng vẫn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại.

“Các quy định, hướng dẫn về y tế lâu nay cũng có, nhưng vì nhiều văn bản dẫn tới cách hiểu khác nhau, gây đứt gãy. Giờ có văn bản tổng hợp lại áp dụng cho cả nước sẽ đảm bảo hoạt động vận tải, đi lại thông suốt”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho hay.

Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp chia sẻ: “Đây là một cách nhìn nhận chính xác của Chính phủ về hoạt động của ngành xây dựng và như thế có thể cho phép ngành xây dựng lấy lại được thời gian mà chúng tôi đã bị mất vì giãn cách”.

Một số chuyên gia nhận định, Nghị quyết 128 sẽ là nền tảng tạo ra một sự thống nhất ở tầm Trung ương đến địa phương trong hoạch định và thực thi chính sách. Đồng thời, tạo ra khung chính sách chung nhưng vẫn có không gian để các địa phương chủ động, linh hoạt trong chọn lựa giải pháp thực hiện chính sách, tùy vào điều kiện nguồn lực và tạo động lực đẩy nhanh quá trình bình thường mới.

Đẩy mạnh tính liên kết

Theo các chuyên gia, khi đã xác định mở cửa nền kinh tế trở lại, cách quản lý của chính quyền địa phương cần theo hướng kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định đã được thống nhất, thay vì tư duy tạo ra các quy định riêng để cấp phép.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên cao cấp Trường Chính sách công và Quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam chia sẻ, vừa qua, để phòng chống dịch, các ngành các cấp phải đưa ra các biện pháp tình thế. Hiện tại, trong trạng thái thích ứng an toàn, mở cửa trở lại thì chúng ta phải loại bỏ các giấy phép con, tạo thông thoáng cho môi trường kinh doanh, kinh tế mới tăng trưởng được.

Theo TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý, sự phối hợp giữa các bộ ngành, cấp Trung ương là một yêu cầu đặc biệt quan trọng. Họ đóng vai trò xây dựng chính sách hướng dẫn các địa phương thực hiện Nghị quyết 128. Ví dụ, Bộ Y tế hướng dẫn các tiêu chí, phương pháp đánh giá và xác định cấp độ dịch; Bộ Công an kết nối cơ sở dữ liệu dân cư với dữ liệu xét nghiệm, tiêm chủng, điều trị; Bộ Giao thông vận tải xây dựng các hướng dẫn đi lại liên tỉnh…

Với địa phương cần phải có kế hoạch triển khai các chính sách cụ thể, phù hợp với điều kiện của mình trên cơ sở phải chủ động rà soát, nắm bắt tình hình nguồn lực và điều kiện của địa phương để có kế hoạch hành động phù hợp với hướng dẫn mà Nghị quyết đề ra. Ngoài ra, cũng như ở cấp bộ ngành, các tỉnh, TP cũng cần tạo ra cơ chế phối hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các sở ngành để thống nhất chính sách cấp cơ sở.

Với DN và người dân, Nghị quyết 128 đặt ra nhiều yêu cầu như: Các DN quá trình kinh doanh, sản xuất nếu xuất hiện các ca lây nhiễm, trong bối cảnh đó DN phải xây dựng kế hoạch, kịch bản để quản lý nhằm đảm bảo sự an toàn cho lao động và sản xuất kinh doanh. Còn về phía người dân, ngoài ý thức 5k, tiêm chủng thì họ phải chủ động bảo vệ bản thân trước dịch bệnh như nắm rõ quy trình sống chung với dịch bệnh… ông Vũ Thành Tự Anh nhấn mạnh.

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Nghị quyết quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid -19” của Chính phủ có nhiều nội dung mở rộng so với các chỉ thị trước đây, đề cao tinh thần sống chung, không e ngại, không sợ hãi trước dịch bệnh. Từ quy định chung của Chính phủ, dựa trên Nghị quyết này, các Bộ phải nhanh chóng có hướng dẫn cụ thể để các địa phương đưa ra giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid -19.

Nguyễn Đăng

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.