Thực hư clip tiền xăng “nhảy múa” dù nhân viên dừng bơm

Dù đã dừng bơm xăng cho khách, rút vòi bơm ra khỏi xe nhưng đồng hồ tính tiền trên cột cây xăng vẫn nhảy liên tục. Điều này đặt ra nghi vấn về việc có dấu hiệu mập mờ gian lận trong việc bán xăng của cửa hàng xăng dầu.
Cây xăng nơi xảy ra sự việc
Cây xăng nơi xảy ra sự việc

Mới đây, trên mạng xã hội Facebook đăng đoạn clip nói về việc đặt nghi vấn trong việc bơm xăng cho khách tại một cây xăng ở Hà Nội. Video clip được khách hàng ghi lại tại cây xăng số 136 đường Phạm Văn Đồng, Hà Nội và đăng tải lên mạng xã hội đã khiến nhiều người tiêu dùng bức xúc, đặt nghi vấn về việc có dấu hiệu mập mờ gian lận trong quy trình bán xăng của cửa hàng xăng dầu .

Trao đổi về vụ việc này, ông Nguyễn Duy Đắc, Quản lý Cty TNHH Xăng dầu và dịch vụ thương mại Đông Xuân thông tin rằng: Sau khi tìm hiểu nguyên nhân, vấn đề nhảy số tiền trên bảng điện tử là do bình hết xăng, trong khi đó xe xăng nhập của Cty đứng cạnh téc xăng chưa kịp nhập. Khi bơm cho khách được khoảng 120.000 đồng thì do hết xăng nên nó bị dừng lại. Lúc nhân viên nhấc cò bơm xăng ra khỏi bình xăng của ô tô thì cò vẫn nhảy thêm 300 đồng. Nếu để lâu thì số tiền sẽ không bị nhảy lên vì cái ống không thể phình ra, nó chỉ là khí nén vào thôi. Sự việc đó Cty đã nói chuyện và nhận lỗi, xin lỗi tới khách hàng.

Ông Đắc cho biết thêm, hiện tượng nhảy số chỉ xảy ra khi bình hết xăng, khi bán bình thường thì không xảy ra hiện tượng này. Cửa hàng xăng dầu của Cty vẫn được kiểm định thường xuyên để không xảy ra tình trạng thiếu xăng cho khách hàng. Cty đã quán triệt nhân viên phải nhập hàng kịp thời, không để đúng thời gian hết hàng mới nhập hàng như chuyện xảy ra vừa rồi. Đại diện cây xăng này khẳng định, không bao giờ có hiện tượng gian lận gì tại cửa hàng xăng dầu của Cty, sự việc chỉ là trục trặc về kỹ thuật.

Đồng hồ bơm xăng nhảy số từ 112.300 - 112.500 - 112.600 đồng
Đồng hồ bơm xăng nhảy số từ 112.300 - 112.500 - 112.600 đồng

Liên quan đến vụ việc trên, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, các hành vi gian lận như sửa chữa phương tiện đo xăng dầu, cân đo sai lệch, kinh doanh xăng dầu kém chất lượng có thể bị xử phạt hành chính vì vi phạm các quy định của Luật Đo lường năm 2011; Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007; Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật năm 2006 hoặc xử lý hình sự về “Tội lừa dối khách hàng” theo Điều 198, BLHS năm 2015 trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác.

Luật sư Thái cho biết, trong vụ việc trên cần xem xét kỹ sai phạm ở mức độ nào, phải xử lý hình sự hay chỉ đáng phạt hành chính. Nếu xử lý hình sự, cần phải có bằng chứng sát thực việc nhân viên cây xăng đã thu lợi bất chính bao nhiêu lần, với số tiền là bao nhiêu, có đủ yếu tố cấu thành tội phạm hay không. Việc xử lý hình sự một con người rất cần được xem xét thấu đáo, toàn diện, khách quan, kẻo làm oan.

Qua vụ việc trên, luật sư Thái cho rằng, để có những giải pháp nhằm tránh việc bị “móc túi”, thì cần tiếng nói và hành động từ nhiều phía. Về phía người tiêu dùng, phải chủ động giám sát để bảo vệ quyền lợi của mình, báo tin cho Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để Hội lên tiếng bảo vệ quyền lợi hội viên. Hội này cũng cần phối hợp với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để công bố danh sách cây xăng thường xuyên xảy ra chuyện ăn gian. Khi bị tẩy chay, bị mất doanh thu thì cửa hàng sẽ tự động chấn chỉnh lại. Đánh vào thương hiệu, đánh vào túi tiền là một giải pháp hiệu quả để cửa hàng thay đổi cung cách làm ăn...

Mặt khác, các cửa hàng xăng dầu phải luôn có camera giám sát, công khai đường dây nóng tiếp nhân thông tin phản ánh. Cửa hàng phải khuyến cáo người tiêu dùng khi đổ xăng phải chú ý kỹ lưỡng, không tạo điều kiện cho hành vi gian lận có cơ hội hoành hành. Cửa hàng phải có cơ chế tuyển dụng và đãi ngộ nhân viên cho phù hợp, bồi dưỡng đạo đức kinh doanh... Nếu khách phát hiện gian lận, gọi đường dây nóng báo tin hoặc phản ánh trực tiếp thì phải giải quyết ngay và luôn.

Căn cứ Điều 8, Luật Bảo vệ người tiêu dùng, khi bị gian lận khi đổ xăng dầu, khách hàng có thể bảo vệ quyền lợi của mình thông qua những cách sau: Khiếu nại trực tiếp với nhân viên bán xăng, người quản lý, chủ đại lý phân phối xăng và yêu cầu bồi thường thiệt hại số lượng xăng bị thiếu; Khiếu nại, tố cáo hành vi gian lận; Kiện đại lý bán xăng gian lận để bảo vệ quyền lợi của mình; Tố cáo hành vi gian lận của nhân viên bán xăng, người quản lý, chủ đại lý phân phối xăng trong trường hợp bị thiệt hại nghiêm trọng.

Thái An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.