Vi phạm về nồng độ cồn - Mức phạt còn nhẹ, dễ “nhờn thuốc”

Các chuyên gia cho rằng cần tiếp tục tăng nặng các hình thức xử phạt người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu bia.
CSGT kiểm tra nồng độ cồn đối với tài xế xe máy
CSGT kiểm tra nồng độ cồn đối với tài xế xe máy

Nhiều vi phạm bị xử phạt

Sau khi Hà Nội nới lỏng giãn cách xã hội, lực lượng CSGT CATP Hà Nội đã tăng cường tuần tra kiểm soát các phương tiện giao thông. Đặc biệt, nhiều trường hợp người vi phạm sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông đã bị các lực lượng chức năng kịp thời xử phạt, qua đó góp phần phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn Thủ đô.

Đơn cử như trường hợp ông Nguyễn Minh Ng, SN 1964, ở xã Dương Hà, huyện Gia Lâm, Hà Nội khi bị tổ công tác Đội CSGT số 5, Phòng CSGT CATP Hà Nội đo nồng độ cồn vào chiều ngày 4-10, kết quả kiểm tra cho thấy ông Ng có kết quả đo nồng độ cồn vi phạm mức 0,081 miligam/1 lít khí thở. Ông Ng trình bày có uống một chén rượu thuốc, đang trên đường từ cơ quan ở khu vực phố cổ về nhà thì bị CSGT kiểm tra, xử lý.

Đại uý Phùng Duy Phúc, cán bộ Tổ công tác cho biết, đối với vi phạm nồng độ cồn của ông Nguyễn Minh Ng. sẽ bị phạt tiền 2,5 triệu đồng, ngoài ra còn áp dụng hình thức xử lý bổ sung tước GPLX 11 tháng và tạm giữ xe máy đến 7 ngày theo qui định.

Trước đó, vào khoảng 16g ngày 28-9, tổ công tác đặc biệt Y10/141 CATP Hà Nội làm nhiệm vụ trên đường Khuất Duy Tiến hướng đi Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân đã tiến hành dừng xe, kiểm tra đối với người đàn ông điều khiển xe máy mang BKS 29V7-222.30, không đội mũ bảo hiểm. Người này không xuất trình được bất kỳ giấy tờ gì liên quan đến người, phương tiện và có biểu hiện sử dụng rượu bia.

Tổ công tác yêu cầu người này chấp hành kiểm tra đo nồng độ cồn, đồng thời giải thích nhiều lần nhưng người này không chấp hành việc kiểm tra đo nồng độ cồn và cho biết tên là N.B.X, SN 1974, trú tại xã Văn Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa.

Tổ công tác đã lập biên bản đối với trường hợp này về các lỗi không đội mũ bảo hiểm, xe không có gương chiếu hậu, không có giấy phép lái xe, không có đăng ký xe và không chấp hành kiểm tra đo nồng độ cồn… Tổ công tác đã tạm giữ phương tiện 7 ngày. Tổng các lỗi trên, ông N.B.X sẽ bị phạt tiền gần 10 triệu đồng theo quy định.

Trên đây chỉ là 2 trong rất nhiều vụ việc các lái xe vi phạm về nồng độ cồn bị lực lượng CSGT xử phạt hàng ngày trên phạm vi cả nước. Nếu không được xử lý và ngăn chặn kịp thời, không ai có thể chắc chắn rằng, các lái xe vi phạm nồng độ cồn trên đây sẽ điều khiển xe an toàn suốt cả quá trình di chuyển khi mang trong mình hơi men như vậy. Nếu có vụ việc về giao thông xảy ra, chắc chắn hậu quả là khôn lường.

Tăng nặng mức xử phạt để người phạm ghi nhớ

Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho biết, Nghị định 100 với mức phạt 30 đến 40 triệu đồng cho hành vi vi phạm nồng độ cồn lớn hơn 80 mg/10ml máu (lớn hơn 0.4 mg/l khí thở) nghe có vẻ nhiều nhưng hoàn toàn chưa tương xứng với mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm đặc biệt nghiêm trọng về nồng độ cồn khi lái xe.

“Đối với nhận định này, đem so sánh ở nhiều nước trên thế giới, vượt qua ngưỡng 240 mg/100ml máu (gấp 3 lần mức 3 của Việt Nam hiện nay) là bị xử lý rất nặng về hình sự, đây là ngưỡng mà Việt Nam có thể tham khảo. Đồng thời cần tiếp tục có những những mức cao hơn tương ứng với mức độ vi phạm về nồng độ cồn, ví dụ 60 đến 80 triệu cho mức 80-180 mg/100 ml máu. Và 80 đến 100 triệu cho mức từ 180-240 mg/100 ml máu”, ông Nguyễn Xuân Thuỷ kiến nghị.

Thực tế tại một số quốc gia, họ có chế tài rất nghiêm khắc với lái xe uống rượu, bia. Ví dụ như ở Anh, lái xe bị kết tội khi nồng độ cồn vượt quá quy định 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0.35mg/1 lít khí thở. Còn ở New Zealand, nếu nồng độ cồn trong hơi thở hơn 0.4mg hoặc nồng độ cồn trong máu hơn 80 mg, người lái xe có thể bị truy tố ra tòa và nếu bị kết án, có thể bị tù 3 tháng hoặc bị phạt tới 4.500 USD, tước bằng lái ít nhất 6 tháng.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, chế tài xử lý đối với người lái xe sau khi uống rượu, bia (vi phạm nồng độ cồn) ở nước ta hiện nay còn quá nhẹ. Người vi phạm chưa cảm nhận được lời cảnh báo chế tài xử lý và mức độ nguy hiểm khi uống rượu, bia tham gia giao thông.

“Chúng ta cần ứng xử với những vi phạm đúng với bản chất nguy hiểm của nó trong xã hội. Uống 1 lon bia, xác suất va chạm giao thông tăng lên 3 lần, uống 5 lon sẽ tăng lên 27 lần. Mức phạt cần tăng lên để người vi phạm nhớ”, luật sư Thái nhận định.

Và để ngăn chặn tình trạng người điều khiển phương tiện giao thông lái xe sau khi uống rượu, bia, luật sư kiến nghị cần tăng nặng các hình thức xử phạt đối với tài xế say xỉn. Cần quy định nồng độ cồn trong máu từ 30 mg/100ml máu, thay vì mức 50mg như quy định hiện hành. Các cơ quan cần nghiên cứu, tăng nặng các hình thức xử phạt và cưỡng chế thực thi nghiêm khắc. Chẳng hạn áp dụng hình thức phạt tù là điều cần thiết, đồng thời phạt nặng hành vi tái phạm.

“Chúng ta mới chỉ xử lý người lái xe vi phạm nồng độ cồn và tước bằng lái cao nhất đến 2 năm sau đó trả lại mà chưa có quy định phạt tù hoặc tịch thu phương tiện đối với hành vi điều khiển trong trạng thái cơ thể có nồng độ cồn trên 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/100ml khí thở”, luật sư Thái nói và cho biết, hành vi vi phạm nồng độ cồn ở mức cao dù chưa gây ra hậu quả vẫn phải bị xử lý một cách kịp thời, thích đáng và phù hợp với mức độ nguy hiểm.

BOX: Nghị định 100 đã tăng mức xử phạt tối đa đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn. Đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất (mức 3), Nghị định phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX 22 - 24 tháng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/l khí thở. Nghị định 46/2016 trước đây quy định xử phạt từ 16 - 18 triệu đồng và tước GPLX 4 - 6 tháng.

Thái An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.