Giải pháp nào duy trì chất lượng không khí tốt ở Hà Nội?

Thời điểm giãn cách xã hội, trên nhiều bản đồ quan trắc, chất lượng không khí ngoài trời trên cả nước, đặc biệt tại Hà Nội và TP HCM được cải thiện, phổ biến thể hiện màu xanh (tốt cho sức khoẻ) do hoạt động giao thông, sản xuất và xây dựng đều giảm mạnh. Ở Hà Nội, chất lượng không khí thời gian qua là vấn đề nhận được rất nhiều ý kiến quan tâm. Khi dịch bệnh được kiểm soát, những công việc của sản xuất bình thường trở lại vậy Hà Nội cần những giải pháp nào để duy trì chất lượng không khí tốt?
Giải pháp nào duy trì chất lượng không khí tốt ở Hà Nội?
Thời gian qua, chất lượng không khí của Hà Nội đã tốt hơn đáng kể.

Chất lượng không khí tốt hơn, làm sao để duy trì?

Trong giai đoạn giãn cách xã hội vào cuối tháng 8, đầu tháng 9- 2021, chất lượng không khí Thủ đô có sự cải thiện tốt hơn. Theo đó, chỉ số AQI ở mức trung bình giảm, mức tốt tăng lên và không xuất hiện mức kém. Chỉ số AQI tại các trạm quan trắc dao động từ 12 - 68.

Tại các trạm quan trắc không khí nền đô thị như Chi cục Bảo vệ môi trường, Kim Liên, Tân Mai, Mỹ Đình và Tây Mỗ có chất lượng không khí tốt hơn so với tuần trước, không có chỉ số AQI ở mức kém. Trong đó, trạm Chi cục Bảo vệ môi trường có 1 ngày chất lượng không khí ở mức trung bình chiếm 14.29%, còn lại đều ở mức tốt. Với các trạm Kim Liên, Tân Mai, Mỹ Đình, Tây Mỗ, tất cả các ngày trong tuần đều ở mức tốt.

Dưới áp lực phát triển và dân số tăng nhanh, thời gian qua, môi trường và chất lượng không khí của Hà Nội vẫn còn là một thách thức lớn. Nhưng những kết quả của sự gia tăng các biện pháp quản lý chất lượng không khí thời gian qua cũng có nhiều khả quan.

Theo bà Đỗ Vân Nguyệt, đại diện tổ chức Sống và học tập vì môi trường và cộng đồng (Live and Learn): Vấn đề quản lý chất lượng không khí của Hà Nội còn gặp khó khăn do: Nhận thức của người dân còn hạn chế; một số địa phương thiếu các giải pháp trước mắt và lâu dài để bảo vệ sức khỏe và môi trường; Thiếu sự phối hợp, hợp tác giữa các bên liên quan.

Thời gian tới, theo PGĐ Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái, để cải thiện chất lượng không khí, các cơ quan chức năng của TP cần tăng cường kiểm tra, giám sát các nguồn thải, đặc biệt là các nguồn thải lớn.

TP đã có các hoạt động hợp tác với Ngân hàng thế giới (WB) tiến hành lấy mẫu, phân tích thành phần hóa học của bụi PM2.5 nhằm xác định thành phần ô nhiễm không khí; hợp tác với Tổ chức phi Chính phủ C40 triển khai các hoạt động nhằm nghiên cứu, rà soát và tham vấn nhằm hỗ trợ TP Hà Nội cập nhật tình hình liên quan đến chất lượng không khí.

Ngoài ra, các Sở, ngành, địa phương cần tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí do các hoạt động công nghiệp; giám sát và xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường; đồng thời đẩy nhanh việc xây dựng các nhà máy đốt rác, xử lý rác tiên tiến và thúc đẩy trồng cây phủ xanh đô thị.

Giảm nhiều gánh nặng nếu chất lượng không khí tốt

Bên cạnh thực trạng về gánh nặng bệnh tật, báo cáo nêu rõ những lợi ích sức khỏe nếu nồng độ bụi PM2,5 trên địa bàn Hà Nội năm 2019 được kiểm soát. Cụ thể, nếu nồng độ bụi PM2,5 trung bình năm 2019 tại Hà Nội được kiểm soát ở mức 25 µg/m3 (QCVN 2013), số ca tử sớm do ô nhiễm đã tránh được là 2.575 ca; Hà Nội tránh được tổng số 71.613 năm sống bị mất và kỳ vọng sống đã có thể tăng lên 812 ngày, tức là khoảng 2,22 năm tuổi.

Khi thời điểm bình thường mới trở lại, các hoạt động sản xuất kinh doanh, lưu lượng xe trên đường trở lại “nhịp” sống cũ thì bài toán duy trì chất lượng không khí tốt là điều Hà Nội phải tính đến.

Các chuyên gia cảnh báo rằng việc giảm phát thải quan sát được, không khí đang tốt lên có thể chỉ là tạm thời và khi các TP, quốc gia và nền kinh tế phục hồi trở lại sẽ tiếp tục phát thải, trừ khi từ những bài học trong đại dịch, con người sẽ có những thay đổi lớn trong xã hội.

Nhóm chuyên gia của trường ĐH Y tế Công cộng, trường ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội và Trung tâm Sống và học tập vì môi trường và cộng đồng (Live&Learn) đã đề xuất một vài giải pháp để chất lượng không khí được cải thiện hơn khi thời kỳ bình thường mới trở lại. Mở rộng, xây dựng mạng lưới quan trắc không khí và chia sẻ dữ liệu mở; xây dựng các bản đồ phân bổ nồng độ các chất ô nhiễm không khí; nghiên cứu đánh giá tác động dài hạn của ô nhiễm không khí tới sức khỏe, lập và thực hiện các kế hoạch liên ngành liên quan đến ô nhiễm không khí, trong đó có các biện pháp hướng dẫn y tế, sức khỏe; Truyền thông, nâng cao nhận thức về hiện trạng chất lượng không khí và tác động sức khỏe tới người dân…

Ở cấp độ quản lý TP, giảm thiểu các nguồn phát thải rất quan trọng trong đó có việc chuẩn bị thực hiện Kế hoạch đo kiểm khí thải cho khoảng từ 3.000 - 5.000 xe mô tô, gắn máy; kiểm tra, xử lý, hỗ trợ người dân từ bỏ thói quen đốt rơm rạ sau khi thu hoạch; thay thế bếp than tổ ong bằng các loại bếp thân thiện môi trường và gia tăng việc phủ cây xanh trong lòng TP...

Thế Vinh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.