Tổ chức tiêm vắc xin sớm và an toàn cho học sinh

Tại buổi làm việc với một số Bộ, ngành về tình hình thực hiện kế hoạch năm học 2021-2022, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GD&ĐT rà soát kỹ các quy định bảo đảm an toàn học đường. Đồng thời, tổ chức tiêm vắc xin sớm và thật an toàn cho học sinh trong độ tuổi theo quy định của Bộ Y tế.
Tổ chức tiêm vắc xin sớm và an toàn cho học sinh
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc làm việc. (Ảnh: TTXVN)

Linh hoạt trong việc kết thúc năm học, bù đắp kiến thức cho học sinh

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, năm học 2020-2021, dù trong điều kiện dịch bệnh nhưng ngành Giáo dục đã hoàn thành kế hoạch năm học, kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng cơ bản đạt yêu cầu đề ra. Trong khó khăn đã xuất hiện nhiều cách làm mới đáng khích lệ; tinh thần tự học của học sinh, đổi mới phương pháp dạy học của giáo viên được thúc đẩy thêm một bước…

Nhận định năm học 2021-2022 sẽ nhiều khó khăn hơn, Phó Thủ tướng chia sẻ, đến thời điểm này nhiều địa phương chưa thể học trực tiếp, nhiều nơi trong vùng dịch rất khó khăn. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực để đáp ứng một phần yêu cầu, song dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình chỉ là hình thức bổ trợ và không tránh khỏi những tác động không mong muốn.

Phó Thủ tướng cho rằng cần có các giải pháp rất nhanh cho năm học này, đồng thời yêu cầu phải có kế hoạch, giải pháp rất chủ động để hoàn thành kế hoạch năm học; cùng với đó là chủ động có kế hoạch bù đắp kiến thức cho học sinh bằng các hình thức phù hợp, trong ngắn hạn cũng như trong một vài năm tới.

Trao đổi về giải pháp bù đắp kiến thức cho học sinh khi quay trở lại trường học, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: Giải pháp đầu tiên được Bộ tính đến là chỉ đạo các địa phương linh hoạt trong việc kết thúc năm học, trong đó chấp nhận việc phải kéo dài thời gian để bù đắp kiến thức cho học sinh. Việc này sẽ tùy thuộc vào tình hình từng địa phương để có xử lý cho phù hợp.

Tổ chức tiêm vắc xin sớm và an toàn cho học sinh
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc

Giải pháp thứ hai là khi học sinh quay trở lại học trực tiếp thì việc học trực tuyến, qua truyền hình vẫn sẽ tiếp tục là công cụ duy trì trong việc bù đắp, củng cố kiến thức cho học sinh. Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng các bài giảng qua truyền hình cho nhiều khối lớp, đặc biệt là lớp 1, lớp 2. Hệ thống bài giảng này sẽ là nguồn học liệu mở được sử dụng để hỗ trợ, bổ sung kiến thức cho học sinh khi các em quay trở lại trường học trực tiếp. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT ban hành chương trình dạy học cốt lõi để sử dụng trong cả điều kiện học sinh học trực tuyến và khi đã trở lại trường học.

Cùng với đó, thời gian qua, nhiều hoạt động đã được thực hiện nhằm hướng dẫn cho học sinh năng lực tự học. Đây vừa là cơ hội thúc đẩy chuyển đổi số, vừa để thay đổi phương pháp dạy và học, nâng cao khả năng tự học, nghiên cứu tài liệu của học sinh. Bộ GD&ĐT sẽ có những điều chỉnh trong kiểm tra, đánh giá theo hướng phù hợp với tinh thần cốt lõi và khuyến khích tinh thần tự học của học sinh.Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, trong việc củng cố kiến thức cho học sinh, vai trò của phụ huynh, gia đình, người thân, xã hội, các tổ chức hỗ trợ đóng vai trò rất quan trọng. Vì vậy, để thực hiện được cần phải tính đến các giải pháp tổng hợp.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, củng cố kiến thức cho học sinh không chỉ được ngành Giáo dục thực hiện trong năm học 2021-2022 mà sẽ còn được tiếp tục ở những năm tiếp theo. Nhằm hỗ trợ giáo viên thực hiện nhiệm vụ này, Bộ GD&ĐT sẽ biên soạn các tài liệu nhằm lưu ý về một số kỹ năng cho giáo viên khi dạy củng cố kiến thức cho học sinh.

Tiêm 2 mũi vắc xin cho trẻ em từ 12-17 tuổi trong quý IV năm 2021

Về đảm bảo an toàn trường học, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu, Bộ GD&ĐT rà soát kỹ các quy định bảo đảm an toàn học đường. Đồng thời, phải tổ chức tiêm vắc xin sớm và thật an toàn cho học sinh trong độ tuổi theo quy định của Bộ Y tế. Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế phối hợp với Bộ GD&ĐT, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngay việc đăng ký tiêm vắc xin cho trẻ em từ 12-17 tuổi, để sẵn sàng khi có vắc xin sẽ tổ chức tiêm nhanh và an toàn nhất cho các cháu.

Chia sẻ các giải pháp bảo đảm an toàn cho học sinh đến trường, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ Y tế đã lựa chọn được loại vắc xin phù hợp và đang chuẩn bị đủ nguồn vắc xin để sẵn sàng tiêm cho trẻ em từ 12-17 tuổi.

Theo rà soát của Bộ Y tế, cả nước hiện có trên 8 triệu trẻ em từ 12-17 tuổi, số lượng vắc xin cần để tiêm hai mũi là khoảng 16 triệu liều. Bộ Y tế phấn đấu trong quý IV năm 2021 sẽ tiêm đủ 2 mũi cho trên 95% trẻ em thuộc đối tượng này.

Đối với trẻ em từ 3-11 tuổi (khoảng trên 14 triệu trẻ em), Bộ Y tế đang tiếp cận nguồn vắc xin phù hợp, đồng thời tham khảo kinh nghiệm thế giới và các chuyên gia, nhà khoa học trong nước để khi đảm bảo điều kiện sẽ sẵn sàng tiêm cho trẻ em lứa tuổi này.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh/thành phố chỉ đạo Sở GD&ĐT chủ trì cùng Sở Y tế rà soát lại các văn bản hướng dẫn về đảm bảo an toàn trường học đã được Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT ban hành, qua đó đánh giá, củng cố và hoàn thiện công tác phòng chống dịch tại cơ sở giáo dục, sẵn sàng mở lại trường học đón học sinh đến trường.

Với tinh thần đến trường phải an toàn, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT rà soát lại, chuẩn bị hệ thống giám sát y tế học đường, đảm bảo tất cả học sinh đến trường học đều có đầu mối cụ thể theo dõi sức khỏe. Ngoài an toàn về sức khỏe, Phó Thủ tướng cũng lưu ý việc chăm sóc, giáo dục học sinh toàn diện; đặc biệt là vấn đề tâm lý học đường.

Duy Linh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.