Hà Nội: Chủ động ứng phó với mọi diễn biến của cơn bão số 8

Tối 12-10, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố Hà Nội ban hành Công điện số 05/CĐ-BCH về việc ứng phó với cơn bão số 8.
Hà Nội: Chủ động ứng phó với mọi diễn biến của cơn bão số 8
Hà Nội chủ động ứng phó với mọi diễn biến của cơn bão số 8

Để chủ động ứng phó với mưa lớn có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến thành phố Hà Nội trong bối cảnh đang có dịch Covid-19, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1337/CĐ-TTg hồi 12g00 ngày 12-10-2021 về tập trung ứng phó với bão số 8 và mưa lũ sau bão và Công điện số 1323/CĐ-TTg ngày 10-10-2021 về chủ động ứng phó với bão, mưa lũ; Tổng cục Thủy lợi tại Công điện số 1840/CĐ-TCTL-QLCT hồi 10g00 ngày 8-10-2021, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố yêu cầu các cấp, các ngành, các đơn vị trên địa bàn Thành phố tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão số 8 và tình hình mưa trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông tin, cảnh báo kịp thời đến người dân để chủ động phòng tránh;

Thường xuyên kiểm tra các trọng điểm xung yếu, các công trình (đặc biệt các công trình đang thi công), chủ động đối phó kịp thời với mọi diễn biến của cơn bão số 8, đảm bảo an toàn công trình, tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân ở những vùng trũng thấp có khả năng ngập úng, vùng có nguy cơ sạt lở, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lớn gây ra.

Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các quận, huyện, thị xã tập trung theo dõi chặt chẽ tình hình của cơn bão số 8, mưa, lũ, úng ngập, sự cố thiên tại trên địa bàn; tăng cường kiểm tra hệ thống đê, kè, cống, hồ, đập, công trình thủy lợi, các công trình xây dựng, các khu nhà ở, kịp thời phát hiện, xử lý ngay những hư hỏng, sự cố đảm bảo an toàn công trình; tập trung thực hiện đồng bộ các biện pháp tiêu úng bảo vệ phục hồi sản xuất.

Chuẩn bị lực lượng phương tiện, trang thiết bị nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ” để chủ động ứng phó, nhất là những khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, sạt lở, các sự cố công trình; Rà soát, khoanh vùng nguy cơ ngập lụt, úng để có phương án phù hợp; chủ động vận hành hợp lý các công trình thủy lợi, đặc biệt cho diện tích lúa Mùa còn lại đang thu hoạch, đảm bảo giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do ngập, úng; ưu tiên tích nước hồ để phục vụ chống hạn vụ Đông Xuân 2021-2022 (các hồ chứa nước hiện đang có dung tích thấp hơn so với thiết kế gồm: Hồ Đồng Mô, hồ Suối Hai...).

Rà soát, sẵn sàng triển khai phương án ứng phó bão, mưa lũ, sạt lở, chủ động tổ chức sơ tán nhân dân ở những vùng ven sông, vùng trũng thấp có khả năng ngập úng, vùng có nguy cơ sạt lở đất, các khu vực nhà xuống cấp, nguy hiểm đến nơi an toàn (đặc biệt cần lưu ý đối với các huyện đang có sạt lở khu vực bờ, bãi sông như Ba Vì, Sơn Tây, Quốc Oai); thường xuyên thông tin, cảnh báo nguy hiểm, tránh đuối nước, điện giật; bảo vệ tài sản của nhà nước và nhân dân; chủ động dự trữ lương thực, thuốc men, hàng hóa, vật tư thiết yếu, sẵn sàng hỗ trợ đảm bảo đời sống nhân dân, phục hồi sản xuất, vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả khi bão, mưa, lũ, úng ngập, sự cố thiên tai xây ra.

Các huyện chịu ảnh hưởng của lũ rừng ngang (Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức) tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống, ứng phó lũ rừng ngang, rà soát, kiểm tra các điểm xung yếu, dễ có nguy cơ sự cố, nhất là đê điều, công trình thủy lợi, bảo đảm an toàn về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân; kịp thời bảo vệ, khắc phục hậu quả, phục hồi sản xuất sau bão, mưa, lũ.

Phối hợp các đơn vị quản lý nhà, chủ đầu tư các công trình xây dựng kiểm tra, chằng chống các công trình xây dựng, nhà ở, cơ sở sản xuất, cần cẩu, cần trục, biển quảng cáo, mái tôn, trạm thu phát sóng không đảm bảo an toàn.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Thành phố cũng đề nghị các chủ đầu tư chỉ đạo các đơn vị thi công kiểm tra, rà soát các công trình đang thi công, thiết bị thi công (câu tháp, máy móc thi công...) đảm bảo an toàn cho công trình, người và phương tiện. Các Công ty Thủy lợi kiểm tra, rà soát, xử lý sự cố, đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi, hồ đập. Chủ động vận hành các công trình tiêu, bảo vệ các diện tích lúa Đông Xuân đã cấy, sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ tiêu khu vực nội thành khi có yêu cầu.

Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội triển khai các biện pháp tiêu thoát nước, chống úng ngập khu vực nội thành; tập trung xử lý kịp thời tiêu thoát nước tại các điểm úng ngập cục bộ.

Công ty Công viên cây xanh Hà Nội rà soát phương án tổ chức ứng trực kịp thời giải tỏa cây để không để ùn tắc giao thông khi có mưa to, gió lớn.

Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội chỉ đạo các đơn vị liên quan chủ động rà soát, sẵn sàng triển khai phương án cấp điện phục vụ phục vụ tiêu úng chống ngập và sản xuất, sinh hoạt của nhân dân; đảm bảo chiếu sáng công cộng, không để sự cố dẫn đến mất tín hiệu đèn giao thông.

Ban chỉ huy PCTT&TKCN các sở, ban, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động kiểm tra, nắm chắc tình hình cơ sở, chỉ đạo phòng chống cơn bão số 8 theo quy định, báo cáo kịp thời tình hình về Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Thành phố.

Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp, chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và Thành phố thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình mưa, bão, tăng cường thời lượng phát sóng, truyền tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân chủ động phòng tránh.

T.Quang

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.