Đoàn y tế hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống dịch: Bịn rịn ngày trở về!

Lúc mới vào tâm dịch TP Hồ Chí Minh, cảm xúc mạnh mẽ nhất với họ là sốc, thậm chí stress do tiếp nhận số lượng rất lớn bệnh nhân nặng, tử vong nhanh. Nhưng sự động viên, chia sẻ của tình đồng đội đã giúp họ nỗ lực vượt qua...
Đoàn y tế hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống dịch: Lưu luyến ngày trở về!
Những nhân viên y tế trong đoàn y tế của BV Bạch Mai hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống dịch luôn quyết tâm, đoàn kết vì mục tiêu chung là cứu sống bệnh nhân Covid-19 nặng

Sốc khi chứng kiến nhiều bệnh nhân nặng, tử vong

Chia sẻ về thời gian đầu đặt chân đến mảnh đất phương Nam, Điều dưỡng Trương Anh Điệp, Trung tâm thận tiết niệu và lọc máu, BV Bạch Mai cho biết: gần 2 tháng trước khi em cùng đoàn công tác vào hỗ trợ TP Hồ Chí Minh đúng thời gian cao điểm với nhiều bệnh nhân nặng. Mọi người đều xác định tư tưởng sẽ vất vả nên không lăn tăn, suy nghĩ gì về cường độ công việc dù khá căng thẳng.

Thế nhưng, Điệp và một số đồng nghiệp trong đoàn cảm thấy sốc và chịu nhiều áp lực khi số lượng bệnh nhân nặng nhiều, diễn biến tử vong nhanh. Công việc của Điều dưỡng Điệp là chăm sóc bệnh nhân ở tất cả các khâu, từ ăn uống tắm giặt đến thay rửa, vệ sinh và cho đến phút cuối bệnh nhân tử vong phải tháo máy móc, lau sạch sẽ gọn gàng… Vì thế dù xác định trước tư tưởng nhưng Điệp vẫn sốc.

“Chúng em không nghĩ là có nhiều bệnh nhân nặng và tình huống nhiều như vậy. Những ngày đầu em rất sợ cảm giác đối diện với tình trạng bệnh nhân nặng vì diễn biến rất nhanh, ranh giới sống-chết rất gần. Em rất sốc khi chứng kiến số lượng bệnh nhân tử vong mỗi ngày quá lớn. Cao điểm có ngày tại Trung tâm ghi nhận 20-30 người tử vong. Đã có lúc không có động lực để làm nhưng cứ ngày qua ngày chúng em nghĩ phải cố gắng tự động viên bản thân”, Điều dưỡng Điệp nói.

Ấn tượng về quãng thời gian đầu mới đến Trung tâm hồi sức tích cực bệnh nhân Covid 19 tại TP Hồ Chí Minh do bệnh viện Bạch Mai phụ trách của BS. Nguyễn Trung Kiên, Phó trưởng khoa Nhi-BV Bạch Mai thì là sự căng thẳng trước cường độ công việc cao và nhất là chứng kiến nhiều bệnh nhân nặng không qua khỏi.

“Những ngày đầu nhiều người trong số chúng tôi đã stress vì khối lượng công việc nhiều, môi trường làm việc với đồ bảo hộ rất khó chịu. Đặc biệt, Trung tâm với quy mô 350 giường bệnh có nhiều bệnh nhân nặng không qua khỏi. Khi chứng kiến bệnh nhân nặng và tử vong thật sự là rất khó cho chúng tôi có thể “quen” được với điều đó.

Mọi người mang tâm trạng trĩu nặng và nhiều lúc cảm giác bất lực dù nhiều người trong chúng tôi đã làm trong môi trường hồi sức nhiều năm. Chúng tôi luôn động viên nhau để cùng có tinh thần vững vàng cũng như sức khỏe tốt để vượt qua khó khăn”, BS. Kiên tâm sự.

Cuộc sống xoay vần vào ca kíp”, quên đi ý niệm về ngày, tháng

Với BS. Đỗ Tuấn Anh, khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai thì quãng thời gian 50 ngày trôi qua thật nhanh. Ở trong tâm dịch, anh cùng đồng nghiệp đã quên đi ý niệm về ngày, tháng. “Cuộc sống xoay vần vào ca kíp nên vào trong này không có khái niệm về thời gian. Không có khái niệm ngày, thứ. Mọi người chỉ biết hôm nay làm ca 1, ngày mai làm ca 2, ngày kia làm ca 3. Vì thế thời gian cũng trôi rất nhanh, ngoảnh đi ngoảnh lại đã gần 2 tháng trôi qua”.

Nhớ lại thời gian đầu mới đến nhận nhiệm vụ tại Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân Covid-19 của BV Bạch Mai, BS. Đỗ Anh cho biết: Mặc dù không đến mức ám ảnh hay stress sốc vì bản thân anh làm ở đơn vị điều trị tích cực, làm hồi sức sơ sinh nên nhiều trẻ nặng, anh đã chứng kiến nhiều ca tử vong. Tuy nhiên, cũng không tránh khỏi có những tác động mạnh mẽ đến cảm xúc.

“Trước khi đi thì tôi cũng nghĩ sẽ khốc liệt nhưng khi vào thực tế, chứng kiến bệnh nhân chuyển nặng nhanh nên cũng để lại những cảm giác mạnh. Chứng kiến bệnh nhân ra đi mà không làm được gì hơn thì xúc cảm mạnh mẽ, hằn sâu trong ký ức về quãng thời gian đó”, BS. Đỗ Anh bày tỏ.

Cảm xúc mạnh mẽ là thế nhưng anh cùng đồng nghiệp không bi quan, mỗi người luôn nỗ lực làm hết sức bằng cái tâm, chuyên môn của mình để mang đến điều tốt nhất cho người bệnh.

BS. Đỗ Anh kể lại: “Vào trong đó mọi người làm việc với cường độ rất cao, mệt mỏi. Khi mặc quần áo blouse hay bộ đồ hồi sức màu xanh khiến chúng tôi mệt mỏi về tâm trí, sức lực nhưng khi mặc bộ đồ bảo hộ cấp 3, cấp 4 dành cho tiếp xúc với bệnh nhân nặng đã tiêu tốn sức lực của nhân viên y tế đến 200%.

Mặc đồ bảo hộ đó vào làm việc trong môi trường phòng bệnh được cải tạo từ một khu xưởng sửa chữa, đóng tàu rất nóng. Đặc biệt với những người làm ca 2 từ 14g-17g sáng thì thời tiết rất nóng, mặc bộ đồ bảo hộ ấy thì ướt sũng bên trong. Như tôi chịu đựng được đến 4 tiếng là quá tải.

Sau mỗi ca, khi cởi bộ đồ ra mọi người ngay lập phải tìm nước uống, tu liền một mạch phải đến 2 lít nước mới tỉnh người. Hoặc khi làm ca đêm thì mặc liên tục từ 9g đến 4g sáng là đã quá mệt mỏi, sau đó lại nghỉ ngơi rồi chiến đấu tiếp đến khi bàn giao cho ca sau”.

Khi đã chấp nhận mẫu số chung về tỉ lệ tử vong ở bệnh nhân Covid-19 nặng, những chiến sỹ áo trắng đã vượt qua mệt mỏi để miệt mài làm việc bằng tất cả tâm trí, sức lực với mong muốn cứu sống, chăm sóc tốt nhất cho các bệnh nhân nặng. “Khi làm việc thì tất cả như một cỗ máy định với các guồng quay định sẵn. Ai đến cũng nhanh nhanh chóng chóng bàn giao ca trực để cho ca trước được nghỉ ngơi. Với bộ đồ bảo hộ đó, chỉ cần tháo tấm chắn ra đã có sự thay đổi rõ rệt; sau đó cởi bộ bảo hộ ra thì bản thân cảm thấy như trút bỏ được nhiều mệt mỏi. Vì thế, ai cũng muốn nhanh chóng đổi ca cho người khác để giải tỏa được áp lực mệt mỏi ấy”, Điều dưỡng Trương Anh Điệp giãi bày.

Cứ như vậy, công việc, cuộc sống của họ cứ xoay quanh ca trực, kíp trực, tất cả đề vì một mục tiêu chung. Mọi người cứ tự động tham gia vào quá trình vận hành đầy thuần thục, hăng say… Cứ như vậy, cho đến những ngày họ bỗng nhiên nhận ra sự thay đổi khi bóng bệnh nhân dần vắng, lượng bệnh nhân nặng nhập viện giảm dần và bỗng thấy bâng khuâng. Ngày trở về đã đến thật gần, lúc này, họ đã quen với guồng công việc, cuộc sống mới nên “về Hà Nội lại phải vất vả để tái hòa nhập cộng đồng”, điều dưỡng Điệp nói vui.

Đoàn y tế hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống dịch: Lưu luyến ngày trở về!
BS. Đỗ Tuấn Anh, khoa Nhi-Bệnh viện Bạch Mai: Dù ban đầu cảm xúc mạnh mẽ khi chứng kiến bệnh nhân tử vong nhưng không bị quan mà luôn nỗ lực làm hết sức bằng cái tâm, chuyên môn của mình để mang đến điều tốt nhất cho người bệnh

Ngày về chiến thắng

Đền đáp lại những nỗ lực của nhân viên y tế, dần dần tỉ lệ bệnh nhân nặng tại Trung tâm hồi sức tích cực bệnh nhân Covid-19 của BV Bạch Mai đã giảm đi. Bệnh nhân được rút ống thở, ra viện, chuyển viện nhiều lên khiến họ thấy được động viên, an ủi.

“Bệnh nhân được hồi sinh thì chúng em làm việc thấy vui vẻ, thoải mái hơn nhiều. Không phải đối mặt với bệnh nhân nặng mà thay vào đó là sự đông đúc của nhân viên y tế, bệnh nhân giảm dần, bệnh viện dần vắng bóng. Cảm giác buồn bã những ngày đầu không còn nhưng giờ lại có chút bâng khuâng vì sắp đến giờ phút chia tay, các đoàn dần trở về Hà Nội”, điều dưỡng Điệp tâm sự.

Từ những tình cảm gắn kết ấy, những ngày vừa qua khi một số phòng tại trung tâm đóng cửa do bệnh nhân giảm, từng đoàn công tác của BV Bạch Mai rút về Hà Nội, dù mỗi chuyến cách nhau vài ngày nhưng ai cũng lưu luyến, bịn rịn, bâng khuâng.

Là người trong đoàn công tác trở về Hà Nội, BS. Đỗ Tuấn Anh tâm sự: Trước khi lên đường vào tâm dịch, mọi người đều không có mốc thời gian 2 hay 3 tháng thì về. Khoảng 3 tuần trở lại đây, lượng bệnh nhân đã giảm, bệnh nhân nặng cũng giảm dần, một số phòng đóng cửa, chúng tôi rất vui vì điều đó chứng tỏ TP Hồ Chí Minh kiểm soát được dịch và đang dần khỏe mạnh trở lại. Và chúng tôi vui vì đã biết được ngày về.

Thế nhưng, bên cạnh tâm trạng phấn khởi vì ngày về chiến thắng lại đan xen sự nhớ nhung. “Lúc chưa được về thì muốn về nhưng khi đến ngày về, cầm vé máy bay thì tâm trạng lại có nhiều lưu luyến bởi nơi đây gần 2 tháng qua đã để lại nhiều kỷ niệm với tôi”, BS. Đỗ Anh nói.

Với chị Điệp, khoảng thời gian gần 2 tháng mọi người kề vai sát cánh bên nhau chiến đấu giành giật sự sống cho bệnh nhân dù có khốc liệt nhưng đổi lại, anh em đồng nghiệp thêm đoàn kết, gắn bó, yêu thương nhau hơn vì tất cả đều hướng đến mục tiêu chung. “Ở ngoài Hà Nội ai cũng đối mặt với cơm áo gạo tiền, gia đình nhưng vào đây chỉ có công việc, chỉ có anh em với nhau nên tình cảm anh em đồng nghiệp dâng lên rất nhiều.

Mọi người giúp đỡ, chia sẻ với nhau từ gói mì tôm, từ chút gia vị như quả chanh, quả ớt; hay ai về sớm thì lấy cơm cho nhau; chia nhau từng chút nước rửa bát, dầu gội đầu hay xà phòng… Ai không có gì thì đều sản sẻ cho nhau yêu lắm, vui lắm. Có lẽ trong cuộc đời không bao giờ có lần thứ 2 như thế này. Đó là những điều tích cực mà đại dịch mang đến cho chúng em”.

Có lẽ, cảm xúc ấy cũng là những cảm nhận chung của các thành viên trong đoàn công tác. Như BS. Nguyễn Trung Kiên chia sẻ: Trong này như một cuộc chiến và tất cả chúng tôi là đồng đội, luôn yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, tạo ra một không khí như gia đình, ấm áp để cùng vượt qua thử thách.

Dưới đây là một số hình ảnh ghi lại những kỷ niệm của những bác sỹ, điều dưỡng trong quá trình chống dịch tại TP Hồ Chí Minh. Với họ, mỗi hình ảnh đều chứa một câu chuyện, một kỷ niệm mà có lẽ không có được lần thứ 2 trong đời:

Đoàn y tế hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống dịch: Lưu luyến ngày trở về!
Điều dưỡng Điệp đã vượt qua những ngày đầu đầy khắc nghiệt để giữ vững tâm trí, hết lòng chăm sóc bệnh nhân
Đoàn y tế hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống dịch: Lưu luyến ngày trở về!
Với BS. Nguyễn Trung Kiên (ở giữa), quãng thời gian 2 tháng đã khiến cho suy nghĩ của anh có nhiều thay đổi...
Đoàn y tế hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống dịch: Lưu luyến ngày trở về!
Từ chỗ khó quen được với việc bệnh nhân nặng và tử vong, anh cùng đồng nghiệp đã động viên nhau với niềm tin vượt qua đại dịch
Đoàn y tế hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống dịch: Lưu luyến ngày trở về!
Cứ như vậy, họ đã cùng kề vai, sát cánh để chăm sóc bệnh nhân, giảm dần số tử vong, tăng số ca chuyển viện
Đoàn y tế hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống dịch: Lưu luyến ngày trở về!
Những ngày làm việc xoay vần theo ca kíp ấy, không chỉ tăng tình đồng nghiệp mà họ cũng có nhiều kỷ niệm ấm áp khi nhận được nhiều món quà đặc biệt từ hậu phương gửi tặng
Đoàn y tế hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống dịch: Lưu luyến ngày trở về!
Để giải tỏa căng thẳng, họ cũng ươm mầm sự sống để "đếm ngược" ngày về
Đoàn y tế hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống dịch: Lưu luyến ngày trở về!
Với họ, việc ươm mầm xanh đơn giản chỉ để được nhìn sự sống lớn dần lên và là cách để giải tỏa căng thẳng. Tuy nhiên, nhìn hình ảnh này trong ngày họ trở về ta lại cảm nhận được sự hồi sinh đang trở lại đối với thành phố mang tên Bác

Phong Châu

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.