Giải đáp pháp luật

Bản chính trích lục hộ tịch có giá trị như bản gốc

Việc ủy quyền phải được lập thành văn bản, được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật; phạm vi uỷ quyền có thể gồm toàn bộ công việc theo trình tự, thủ tục đăng ký hộ tịch từ khi nộp hồ sơ đến khi nhận kết quả đăng ký hộ tịch.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hỏi: Xin quý báo cho biết quy định về giấy ủy quyền làm giấy tờ hộ tịch giữa những người thân không cần chứng thực? Bản chính trích lục hộ tịch có giá trị như thế nào?

(Phạm Nam Anh, trú tại huyện Đông Anh, Hà Nội)

Trả lời:

Về câu hỏi của bạn, xin trả lời như sau: Theo quy định tại Điều 2 Thông tư số 15/2015/TT-BTP ngày 16-11-2015 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị đị̣nh số 123/2015/NĐ-CP ngày 15-11-2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch thì người yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch, yêu cầu đăng ký các việc hộ tịch theo quy định của Luật Hộ tịch được uỷ quyền cho người khác thực hiện thay, trừ trường hợp đăng ký kết hôn, đăng ký lại việc kết hôn, đăng ký nhận cha, mẹ, con.

Việc ủy quyền phải được lập thành văn bản, được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật; phạm vi uỷ quyền có thể gồm toàn bộ công việc theo trình tự, thủ tục đăng ký hộ tịch từ khi nộp hồ sơ đến khi nhận kết quả đăng ký hộ tịch. Trường hợp người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền th văn bản ủy quyền không phải công chứng, chứng thực, nhưng phải có giấy tờ chứng minh mối quan hệ với người uỷ quyền.

Đối với trường hợp đăng ký kết hôn, đăng ký lại việc kết hôn, đăng ký nhận cha, mẹ, con, khi nộp hồ sơ, một bên có yêu cầu có thể trực tiếp nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền mà không cần có văn bản ủy quyền của bên còn lại.

Về trích lục hộ tịch thay thế hầu hết các loại giấy tờ hộ tịch khác, Giấy khai sinh và giấy chứng nhận kết hôn là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân về việc khai sinh và kết hôn sẽ vẫn được duy trì như trước đây. Với các loại giấy tờ khác, sau khi đăng ký hộ tịch, người yêu cầu đăng ký hộ tịch sẽ được cấp 01 bản chính trích lục hộ tịch tương ứng với nội dung đăng ký hộ tịch.

Bản chính trích lục hộ tịch có giá trị như bản gốc. Công dân có thể chứng thực bản sao từ bản chính trích lục hộ tịch này tại UBND cấp xã hoặc tại các Phòng Công chứng, Văn phòng Công chứng. Ngoài ra, khi công dân có yêu cầu, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ cấp bản sao trích lục hộ tịch từ Cơ sở dữ liệu hộ tịch.

Theo quy định tại khoản 2, Điều 16 Luật Hộ tịch và Điều 14 Nghị định 137/2015/NĐ-CP ngày 31-12-2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân thì việc cấp số định danh cá nhân cho trẻ được thực hiện như sau:

Công chức tư pháp – hộ tịch ghi nội dung khai sinh của trẻ vào Sổ hộ tịch sau đó cập nhật các thông tin đó vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy số định danh cá nhân cho trẻ thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Sau khi hoàn tất việc đăng ký khai sinh, người đi đăng ký khai sinh cho trẻ sẽ nhận được Giấy khai sinh và Số định danh cá nhân của trẻ. Đối với những người đã có CMND 12 chữ số hoặc Căn cước công dân thì số trên CMND/Căn cước công dân chính là Số định danh cá nhân của người đó.

Đỗ Phương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.