Sân khấu sáng đèn, nghệ sĩ vẫn “khóc”

Các vở diễn được “lên sóng” truyền hình cũng là lúc nghệ sĩ sân khấu không còn nỗi lo thất nghiệp sau chuỗi ngày dịch bệnh kéo dài. Tuy nhiên, việc bắt đầu khởi động ghi hình phát sóng trên kênh truyền hình online chỉ là “cách lấy ngắn nuôi dài”, bởi thù lao dành cho các vở diễn khá thấp.
Sân khấu sáng đèn, nghệ sĩ vẫn “khóc”
Nghệ sĩ trẻ Tuấn Hiệp trong vai vua Minh Mạng vở Tuồng "Trung thần"

Hướng đi khác biệt của nghệ thuật Tuồng

Nhà hát Tuồng Việt Nam là đơn vị đầu tiên được lựa chọn để triển khai biểu diễn hình thức Nhà hát truyền hình trong Kế hoạch tổ chức các chương trình nghệ thuật cổ vũ, nâng cao sức mạnh tinh thần nhân dân vượt qua đại dịch do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH,TT&DL) tổ chức.

Giữa tháng 9-2021, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã ghi hình hai tác phẩm “Trung thần”, “Võ Tam Tư trảm Cáo” và hiện đang tập vở “Triệu Đình Long cứu chúa”...

Khi nghệ thuật Tuồng được “lên sóng” cũng là lúc những nghệ sĩ Tuồng không còn nỗi lo thất nghiệp sau chuỗi ngày dịch bệnh kéo dài và khán giả sẽ có cơ hội để thưởng thức những tác phẩm xuất sắc nhất của loại hình nghệ thuật đặc sắc này.

Trong trang phục đảm nhận vai diễn vua Minh Mạng trong vở tuồng “Trung thần”, nghệ sĩ trẻ Tuấn Hiệp bày tỏ niềm vui khi được trở lại ánh đèn sân khấu sau nhiều tháng nghỉ dịch vì quy định “giãn cách xã hội”.

Trước không khí sàn tập, ánh đèn rực rỡ nhưng do nghỉ dịch lâu nên sau mấy ngày tập luyện, Tuấn Hiệp mới tìm lại được cảm giác trên sân khấu.

Trở lại sân khấu không khán giả, diễn đối diện với máy quay là những trải nghiệm khó khăn đối với những nghệ sĩ vốn quen diễn trên thánh đường nghệ thuật cùng tiếng vỗ tay của khán giả.

Đối với Tuấn Hiệp, khi diễn truyền hình, các nghệ sĩ phải quay đi quay lại nhiều lần để bắt đúng góc máy, phù hợp với thời lượng phát sóng của nhà Đài. Nhiều lúc đang diễn nhập tâm thì bị ngắt quãng bởi tiếng hô “cắt” của đạo diễn vì căn chỉnh lại góc máy, tiếp cận ánh sáng, âm thanh hay trục trặc kỹ thuật khác. Trung bình, mỗi vở diễn kéo dài hơn 2 tiếng, đòi hỏi tinh thần cống hiến tận tâm, tận lực của các nghệ sĩ.

Trước đây, mỗi vở diễn lên sóng truyền hình từ lúc tập luyện đến ngày ghi hình, sau phát sóng người nghệ sĩ đảm nhận vai diễn nhận thù lao là hơn 1 triệu đồng. Còn các vở Tuồng “Trung thần”, “Võ Tam Tư trảm Cáo” và “Triệu Đình Long cứu chúa” là các chương trình hỗ trợ của Cục Nghệ thuật biểu diễn nên thù lao cho các vai diễn chưa có con số cụ thể.

Dẫu vậy, các nghệ sĩ Tuồng đều động viên được lên sân khấu là niềm hạnh phúc không hơn của người nghệ sĩ sau nhiều ngày “ăn chực nằm chờ”. Các nghệ sĩ mong muốn Nhà hát Tuồng Việt Nam sẽ tổ chức thêm nhiều chương trình, vở diễn chiếu online để tiếp cận với khán giả.

Trước yêu cầu của thời cuộc, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã lên ý tưởng các chương trình, dự án ngay trong kế hoạch công tác 6 tháng cuối năm. Vào tối ngày 11-10, chương trình Nghệ thuật Tuồng với khán giả trẻ, vở diễn báo cáo lãnh đạo Bộ VH,TT&DL được tổ chức.

Chương trình nhằm tiếp cận khán giả trẻ để khán giả hiểu và cảm nhận cái hay, giá trị của nghệ thuật Tuồng. Vở diễn dự tính sẽ đăng tải trên kênh youtube để tăng tính tương tác, gắn với mục tiêu đào tạo khán giả trẻ.

Sân khấu sáng đèn, nghệ sĩ vẫn “khóc”
Nghệ sĩ xiếc vẫn tích cực tập luyện chờ ngày ra rạp

Các nhà hát “rục rịch” sáng đèn

Thời gian này, tại Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng đã hoàn thiện các chương trình Xiếc phát sóng online trên truyền hình với 2 chương trình ghi hình “Chương trình xiếc truyền thống” và “Biệt đội siêu anh hùng”. Hiện, các nghệ sĩ đang tập luyện vở diễn nghệ thuật “Thượng thiên Thánh Mẫu”. Đây là dự án Liên đoàn Xiếc Việt Nam kết hợp với Nhà hát Cải lương Việt Nam trong dự án “Huyền sử Việt”.

Do bối cảnh hạn chế tập trung đông người nên mỗi Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên Đoàn Xiếc Việt Nam tập riêng từng cảnh, hạng mục. Dự kiến, đầu tháng 11, vở diễn nghệ thuật “Thượng thiên Thánh Mẫu” sẽ được hợp ghép tại sân khấu vuông của Nhà hát Cải lương Việt Nam. Sau đó, vở diễn ra mắt báo cáo chính thức tại Nhà hát Âu Cơ.

Ghi nhận không khí tập luyện tại Nhà hát Tuổi Trẻ, thời gian này đơn vị đã thực hiện ghi hình các tác phẩm phát sóng truyền hình như: Thanh xuân 21, Cuộc chiến vô cực.

Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam dự định quay hình tiết mục múa ballet Hồ Thiên Nga và nhạc kịch “Những người khốn khổ”.

Mới đây, Nhà hát Kịch Việt Nam dựng vở diễn mới “Chén thuốc độc”, tác phẩm lựa chọn diễn trong chương trình nghệ thuật kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu Kịch nói Việt Nam (1921- 2021).

Tuy sân khấu rục rịch mở cửa trở lại song chỉ giới hạn các tác phẩm được các đơn vị nghệ thuật chọn lọc phát sóng trên kênh truyền hình online.

Nhiều ý kiến e ngại cho rằng, việc biểu diễn online hoặc mang nghệ thuật sân khấu lên truyền hình là giải pháp tạm thời để sân khấu không bị đóng băng quá lâu. Các nghệ sĩ cũng giữ được tinh thần tích cực để sống với đam mê.

Nếu xét về đặc thù, sân khấu vẫn là nơi phải có khán giả ở đó. Trước bối cảnh dịch bệnh phức tạp hiện nay, các nghệ sĩ không thể ngồi im và chờ đợi. Nghệ thuật phải đón đầu xu hướng để tiếp cận khán giả qua công nghệ 4.0.

Nắm bắt nhu cầu của khán giả, các đơn vị nghệ thuật đã “bật đèn” cho các chương trình nghệ thuật. Dự kiến cuối năm 2021 đầu năm 2022, khi dịch bệnh được kiểm soát tốt sân khấu mới mở cửa bán vé, liệu khán giả đã sẵn sàng đến rạp hay chưa còn là một ẩn số.

Mộc Miên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.