Cần có sự đào tạo chuyên biệt luật sư tranh tụng trong vụ án hình sự

Bộ luật hình sự đổi mới góp phần nâng cao vai trò và trách nhiệm của luật sư, cùng với đó thực trạng tranh tụng của luật sư trong vụ án hình sự, công tác đào tạo giảng dạy luật sư để có một luật sư đủ bản lĩnh, trí tuệ tham gia phiên tòa hình sự vẫn còn nhiều điều phải bàn. Xung quanh chủ đề này, nhân Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam 10-10, chúng tôi đã có buổi trò chuyện với Thạc sĩ, luật sư Hoàng Văn Hướng, Trưởng văn phòng luật Hoàng Hưng.
Luật sư Hoàng Văn Hướng. Ảnh: K.H.
Luật sư Hoàng Văn Hướng. Ảnh: K.H.

Thưa luật sư, Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi 2017 và Bộ luật tố tụng hình sự 2015 chính thức có hiệu lực từ 0g00 ngày 1-1-2018. Ông đánh giá ra sao về sự thay đổi này?

Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi 2017 và Bộ luật tố tụng hình sự 2015 chính thức có hiệu lực từ 0g00 ngày 1-1-2018 đang thể hiện tốt vai trò bảo vệ công lý và bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Điều này phù hợp với bối cảnh Việt Nam đã tham gia hầu hết các Công ước quốc tế cơ bản về quyền con người, cụ thể: Công ước về các Quyền Dân sự và Chính trị 1966 (ICCPR), Công ước về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa 1966, gia nhập ngày 24-9-1982… Những quyền công dân đặc thù đã được Hiến định trong 5 Bản Hiến pháp 1946;1959; 1980; 1992 và đặc biệt cụ thể chi tiết là Hiến pháp 2013.

Một trong nhiều biện pháp của hệ thống pháp luật hình sự mới chính là các quy định bổ sung vào mô hình tố tụng, từ mô hình thẩm vấn buộc tội, sang mô hình tố tụng kết hợp giữa thẩm vấn và tranh tụng. Điển hình nhất là Điều 26 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về tranh tụng trong xét xử được bảo đảm.

Ông nhìn nhận như thế nào về thực trạng hoạt động tranh tụng của luật sư hiện nay trong lĩnh vực hình sự?

Luật sư H.V.H: Theo góc nhìn của cá nhân tôi, không ít luật sư chưa đạt được theo như mong muốn, kỳ vọng của xã hội, cũng như các mục tiêu về cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước. Hiện nay, dù tỷ lệ các phiên tòa có luật sư và người bào chữa tham gia trong các vụ án hình sự đã được tăng lên đáng kể nhưng về chất lượng của hoạt động bào chữa, bảo vệ trong quá trình tố tụng vụ án hình sự chưa cao.

Ông có thể giải thích rõ hơn?

Có thể thấy các quy định về tiêu chuẩn và điều kiện hành nghề luật sư và đào tạo và bồi dưỡng luật sư cần được nhìn nhận lại sao cho sát với thực tế.

Các quy định về tiêu chuẩn và điều kiện hành nghề luật sư nhiều chỗ không còn phù hợp với yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng của đội ngũ luật sư trong thời gian hiện nay và yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luât và cải cách tư pháp. Ví dụ như các quy định về điều kiện được miễn đào tạo hoặc miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề đã tạo ra một khoảng trống về nhận thức nghề, đặc biệt những đặc thù của nghề nghiệp luật sư, những nội dung quy định bắt buộc về quy tắc đạo đức của luật sư, phạm vi khách thể nghề trong dịch vụ pháp lý thực hiện. Đây là một vấn đề lớn của Nhà nước và giới luật sư, cần được khảo sát từ phía các cơ quan quản lý nhà nước về luật sư để tổng hợp, đánh giá và tiến hành sửa đổi Luật Luật sư cho phù hợp với yêu cầu thực tế.

Về đào tạo và bồi dưỡng luật sư. Hiện nay, Học viện Tư pháp là cơ sở duy nhất đào tạo nghề luật sư nhằm đáp ứng cả về số lượng và yêu cầu của nhiệm vụ cải cách tư pháp pháp. Mặc dù đã được Nhà nước quan tâm lớn về cơ sở vật chất, chương trình và các điều kiện giảng dạy, nhưng thực tế mới chỉ đào tạo đại trà về phương pháp tiếp cận kỹ năng chung của luật sư mà chưa đào tạo theo những lĩnh vực chuyên sâu, trong đó đặc biệt là kỹ năng tranh tụng của luật sư trong vụ án hình sự. Điều này có nghĩa là chúng ta có đào tạo nghề luật sư nhưng chưa đào tạo chuyên ngành, chuyên sâu kỹ năng luật sư tranh tụng hình sự. Chưa có tổ chức, cơ quan hay đơn vị nào thực hiện việc tổ chức đào tạo bồi dưỡng chuyên sâu kỹ năng tranh tụng nói chung và kỹ năng tranh tụng hình sự nói riêng.

Thực tế cho thấy, bất kể một luật sư nào sau khi được cấp Thẻ luật sư cũng có thể đăng ký tham gia tranh tụng trong một vụ án hình sự.

Có số ít luật sư tham gia vào các vụ án hình sự chưa đào sâu suy nghĩ để tìm ra phương pháp, định hướng tốt để thực hiện hoạt động tranh tụng. Đặc biệt, có số ít luật sư đến tòa có thái độ thiếu chuẩn mực với các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, kể cả đồng nghiệp và những người tham gia tố tụng khác, vi phạm đạo đức ứng xử nghề luật sư.

Số ít luật sư thể hiện kỹ năng tranh tụng rất hạn chế như: kỹ năng nói, trình bày, tranh luận, cử chỉ, biểu đạt với các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng gây bức xúc cho những người tiến hành và tham gia tố tụng, ảnh hưởng chung đến phiên tòa.

Ông vừa đề cập tới kỹ năng tranh tụng. Vậy đâu là giải pháp để luật sư, nhất là những luật sư mới vào nghề nâng cao hơn kỹ năng này?

Kỹ năng tranh tụng và tham gia phiên tòa đã và sẽ là một yêu cầu cấp bách cho việc bồi dưỡng và đào tạo luật sư tranh tụng hình sự. Để phát huy tốt nhất các hoạt động tranh tụng của luật sư trong các phiên tòa hình sự, thực hành quyền tư pháp hình sự của Nhà nước cần phải tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng với các chủ đề chuyên sâu về kỹ năng tranh tụng các vụ án hình sự… Liên đoàn luật sư Việt Nam hoặc các Đoàn luật sư có đủ điều kiện, cần xúc tiến thành lập Câu lạc bộ luật sư tranh tụng hình sự để qua đó có điều kiện thu hút và tập hợp các luật sư trong lĩnh vực tranh tụng hình sự, học tập trao đổi kinh nghiệp và nâng cao nhận thức, kỹ năng tranh tụng hình sự.

Cần tăng cường thực hiện quản lý Nhà nước và hoạt động tự quản của luật sư, trong đó đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát của các quan quản lý Nhà nước theo địa hạt và hoạt động tự quản của các Đoàn luật sư trong nhiệm vụ quản lý luật sư và hành nghề luật sư. Qua đó, kịp thời phát hiện, uốn nắn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật luật sư, chưa đúng, chưa chuẩn mức với quy định của Quy tắc đạo đức nghề luật sư…

Với tư cách là các tổ chức xã hội nghề nghiệp, với chức năng đại diện cho luật sư, Liên đoàn luật sư Việt Nam và Đoàn luật sư các tỉnh, thành phố cần kịp thời kiến nghị đến các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sớm hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động tranh tụng của luật sư theo tinh thần của hiến pháp và pháp luật về hình sự.

Xin cảm ơn ông!

Khắc Hạnh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.