Sự phục hồi của thị trường bất động sản có tín hiệu lạc quan

Rất nhiều chuyên gia bất động sản cùng một số đại diện cơ quan quản lý đều nhận định về tín hiệu lạc quan để phục hồi thị trường bất động sản sau thời gian được cho là “đóng băng” do giãn cách xã hội.
Dù nguồn cung rao bán và nhu cầu giảm mạnh, song giá bất động sản  tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội không có dấu hiệu giảm theo, thậm chí còn tăng mạnh so với cùng kỳ
Dù nguồn cung rao bán và nhu cầu giảm mạnh, song giá bất động sản tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội không có dấu hiệu giảm theo, thậm chí còn tăng mạnh so với cùng kỳ

Thị trường có thực sự đóng băng?!

Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho biết dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng lĩnh vực bất động sản vẫn có những tín hiệu tích cực, đặc biệt trong 6 tháng đầu năm 2021 có tới 55 ngàn giao dịch bất động sản, trong khi đó cả năm 2020 chỉ có 43 ngàn giao dịch. Thị trường bất động sản cho thấy những tín hiệu lạc quan thời gian qua và khi dịch Covid-19 được kiểm soát, dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ. Hiện, lĩnh vực này vẫn còn gặp một số bất cập trong pháp lý, cần phải cải thiện trong thời gian tới. Bộ Xây dựng hiện đang trong quá xây dựng, hoàn thiện một số Nghị định về lĩnh vực bất động sản để trình Chính phủ. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đang đề xuất sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản nhằm hoàn thiện pháp luật, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động kinh doanh bất động sản.

Còn theo TS Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Na, trong năm 2020, 3 lần bùng dịch, sau khi dịch được kiểm soát thì thị trường bất động sản lại bật tăng. Việc thị trường bất động sản bật tăng trong năm 2020 còn kéo dài sang đến những tháng đầu năm 2021. Minh chứng là ở nhiều địa phương thời điểm đó xảy ra các cơn “sốt đất”. Sau mỗi đợt bùng dịch, khi dịch được kiểm soát, thì thị trường bật tăng rất nhanh, trở nên sôi động hơn. Trong bối cảnh dịch bệnh, thị trường bất động sản có bị ảnh hưởng, nhưng không có tình trạng đóng băng, thị trường bất động sản không "chết" hay dừng lại. Điều đó cho thấy sức khỏe, nội lực của thị trường bất động rất tốt.

Theo một báo cáo mới đây của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, vẫn có hàng vạn giao dịch bất động sản diễn ra. Dù trong quý 3-2021, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hôi theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch Covid-19. Lĩnh vực bất động sản đã thích ứng với dịch bệnh, ứng dụng công nghệ để giới thiệu hàng, xem hàng và giao dịch với khách. Tuy nhu cầu tiêu dùng có giảm nhưng nhu cầu của nhà đầu tư không giảm bởi đây là đối tượng cần đi trước.

TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam nhận định về những yếu tố có thể giúp thị trường bất động sản tăng tốc trở lại sau đợt dịch lần thứ 4 này, kinh nghiệm từ lịch sử cho thấy, sau mỗi lần nền kinh tế gặp khó khăn, thì thị trường bất động sản đều phục hồi rõ rệt và đi đầu trong quá trình phục hồi đó. Cùng với đó thị trường bất động sản thế giới đang phục hồi tích cực, sẽ mang lại những tín hiệu khả quan cho thị trường trong nước. Số lượng giao dịch thực ở quý cuối năm nay đang có dấu hiệu tăng. Không chỉ các nhà phát triển chọn thời điểm tung hàng cuối năm mà người mua cũng tự tin hơn khi xuống tiền.

Dòng tiền chuyển hướng

Báo cáo thị trường bất động sản quý 3-2021, do Batdongsan.com.vn công bố vào 6-10 cho thấy, thị trường bất động sản chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh, khiến bức tranh chung khá ảm đạm. Tuy nhiên, vẫn có điểm sáng đến từ một số khu vực và loại hình, đặc biệt, giá bất động sản tiếp tục xu hướng tăng. Sự chuyển động của thị trường được thể hiện rõ nét qua dữ liệu tin đăng (đại diện cho nguồn cung) và lượt quan tâm (đại diện cho nguồn cầu) ở từng loại hình bất động sản cũng như từng khu vực trên cả nước.

Nguồn cung và nhu cầu trên thị trường giảm khá mạnh trong tháng 7 và tháng 8. Cụ thể: lượng tin đăng và mức độ quan tâm đến bất động sản toàn trang giảm lần lượt 22% và 12% trong tháng 7. Tháng 8 tiếp tục có mức giảm sâu hơn, lần lượt là 58% và 27% so với tháng liền trước.

Mặc dù bức tranh chung mang nhiều màu xám, nhưng thị trường bất động sản vẫn chứng minh sức hút và tiềm năng khi thể hiện sự phát triển ổn định ở một số khu vực kiểm soát tốt dịch bệnh.

Đáng chú ý, dù nguồn cung rao bán và nhu cầu giảm mạnh, song giá bất động sản tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội không có dấu hiệu giảm theo, thậm chí còn tăng mạnh so với cùng kỳ. Cụ thể, giá chào bán chung cư tại TP. Hồ Chí Minh trong tháng 8 có xu hướng đi ngang so với tháng 7 nhưng lại tăng gần 9% so với cùng kỳ năm 2020. Hà Nội tiếp tục ghi nhận giá rao bán căn hộ chung cư tăng 8% so với cùng kỳ.

Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng GĐ Batdongsan.com.vn – cho biết, nguồn cung khan hiếm cộng với dòng vốn đổ vào bất động sản tương đối dồi dào là những nguyên nhân chính. Hiện nay, một lượng lớn tiền rút từ các lĩnh vực khác đang có xu hướng đổ vào bất động sản tìm cơ hội đầu tư cũng tạo áp lực tăng giá. Dù kinh tế khó khăn do dịch Covid-19 thì nhu cầu nhà ở vẫn luôn cao. Càng trong dịch bệnh, người dân càng mong muốn sở hữu một ngôi nhà riêng an toàn.

Trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, UBND TP Hà Nội xác định, đến năm 2025, xây dựng, phát triển Thủ đô nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, TP thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực. UBND TP cũng sẽ xây dựng, trình phê duyệt Quy hoạch Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đề xuất các nội dung để tích hợp vào Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch phát triển vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hoàn thành việc rà soát, tổng hợp quy hoạch để trình cấp thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô song song với việc rà soát, đánh giá các quy hoạch chung xây dựng huyện được phê duyệt trong giai đoạn trước, tổ chức lập 14 quy hoạch vùng huyện, quy hoạch các khu chức năng. Đề xuất chủ trương và xây dựng quy hoạch vùng huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh thành TP.

Ngô Sơn

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.