Dữ liệu chưa đồng bộ khiến người lao động khó tra cứu mức hỗ trợ từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp

Việc các cơ quan, đơn vị sáp nhập dẫn đến phải Chuyển đổi đơn vị thu Bảo hiểm xã hội nhưng dữ liệu thông tin chưa được đồng bộ hóa trên hệ thống điện tử khiến không ít người lao động khó tra cứu, đăng ký thông tin cá nhân để làm thủ tục nhận hỗ trợ của Bảo hiểm xã hội theo quy định.
Dữ liệu chưa đồng bộ khiến người lao động khó tra cứu mức hỗ trợ từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp
Theo ước tính, khoảng 13 triệu lao động tham gia Bảo hiểm thất nghiệp sẽ nhận hỗ trợ người lao động từ 1,8 đến 3,3 triệu đồng trên cơ sở thời gian đóng, nhưng chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp từ ngày 1-10-2021

Ngày 17-3-2021, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Trần Đình Liệu chủ trì cuộc họp về việc giao chỉ tiêu thực hiện đăng ký tài khoản giao dịch điện tử và cài đặt, sử dụng ứng dụng "VssID- Bảo hiểm xã hội số".

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu nhấn mạnh, việc triển khai ứng dụng VssID là bước đi cần thiết, nhằm hiện thực hóa các giải pháp đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng CNTT, hướng đến xây dựng và hoàn thiện "hệ sinh thái Bảo hiểm xã hội 4.0", đáp ứng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Trong đó, mục tiêu hướng đến là thiết lập kênh giao tiếp, tạo điều kiện cho người tham gia Bảo hiểm xã hội , BHYT tiếp cận thông tin, thực hiện các dịch vụ công một cách tiện lợi, dễ dàng, nhanh chóng, từng bước thực hiện việc thay thế sổ Bảo hiểm xã hội , thẻ BHYT giấy như hiện nay. Cũng theo Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu, bước đầu triển khai đã thấy được hiệu quả mà ứng dụng VssID mang lại cho người dân.

Tại một đơn vị ở Hà Nội, dù việc sáp nhập cơ quan đã xong từ đầu năm 2021, sau đó, người lao động cũng được hướng dẫn cài đặt ứng dụng VssID để tra cứu thông tin về quá trình tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, đã nhiều tháng trôi qua, thông tin về quá trình tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động từ trước thời điểm sáp nhập đều chưa được thể hiện trên hệ thống.

Khi được hỏi, cơ quan bảo hiểm có trả lời rằng, do chuyển từ bảo hiểm xã hội quận này sang quận khác nên dữ liệu chưa được đồng bộ hóa. Vì thế, người lao động cứ chờ, sau khi đồng bộ hóa, dữ liệu trên VssID sẽ hiển thị đầy đủ.

Chờ gần 1 năm, đến đầu tháng 10-2021, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có công văn hướng dẫn về đối tượng, mức hỗ trợ, thời gian hỗ trợ, quy trình giảm đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, chi trả hỗ trợ cho người lao động và trách nhiệm của các đơn vị.

Theo ước tính, khoảng 13 triệu lao động tham gia Bảo hiểm thất nghiệp sẽ nhận hỗ trợ người lao động từ 1,8 đến 3,3 triệu đồng trên cơ sở thời gian đóng, nhưng chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp từ ngày 1-10-2021.

Bên cạnh đó, khoảng 386.000 người sử dụng lao động được giảm mức đóng từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của lao động tham gia Bảo hiểm thất nghiệp trong 12 tháng từ 1-10-2021 đến 30-9-2022.

Người lao động muốn nhận hỗ trợ phải đang đóng Bảo hiểm thất nghiệp tại mốc ngày 30-9-2021, sẽ được Bảo hiểm xã hội gửi tới nơi làm việc để đối chiếu, bổ sung thông tin và cung cấp số tài khoản ngân hàng để nhận hỗ trợ.

Dữ liệu chưa đồng bộ khiến người lao động khó tra cứu mức hỗ trợ từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp
Việc dữ liệu chưa được đồng bộ hóa trên ứng dụng VssID của BHXH Việt Nam khiến người lao động không thể tra cứu được thông tin, làm thủ tục nhận trợ cấp

Trong thời hạn 5 ngày làm việc từ khi nhận danh sách hỗ trợ, cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả hỗ trợ cho người lao động trong 10 ngày làm việc.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng hướng dẫn người lao động dừng tham gia Bảo hiểm thất nghiệp do chấm dứt hợp đồng lao động, hoặc hợp đồng làm việc từ ngày 1-1-2020 đến ngày 30-9-2021 có thời gian đóng Bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu, không gồm người hưởng lương hưu hằng tháng.

Những người này khai báo thông tin đề nghị hỗ trợ theo mẫu, gửi cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh, cấp huyện, chậm nhất hết ngày 20-12-2021. Cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả cho người lao động trong 5 ngày làm việc.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam khuyến nghị, người lao động nhận tiền hỗ trợ qua tài khoản ngân hàng để đảm bảo thuận tiện, chính xác và an toàn nhất.

Với doanh nghiệp, cơ quan Bảo hiểm xã hội căn cứ dữ liệu trên hệ thống để điều chỉnh ngay mức đóng từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của người lao động tham gia Bảo hiểm thất nghiệp. Hằng tháng từ ngày 1-10-2021 đến 30-9-2022, cơ quan Bảo hiểm xã hội giảm đóng theo quy định. Đơn vị công lập thuộc đối tượng giảm đóng thì gửi cơ quan Bảo hiểm xã hội nơi đang tham gia Bảo hiểm thất nghiệp một bản sao văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc đơn vị được tự chủ tài chính.

Để thuận tiện, Bảo hiểm xã hội nhấn mạnh việc người lao động đăng ký qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công của cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam; các tổ chức cung cấp dịch vụ I-VAN, ứng dụng Bảo hiểm xã hội số VssID hoặc trực tiếp tại bưu điện, Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh, huyện.

Ngoài ra, người lao động tự tra cứu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp qua ứng dụng Bảo hiểm xã hội số VssID, sổ Bảo hiểm xã hội hoặc Cổng thông tin điện tử Bảo hiểm xã hội Việt Nam tại địa chỉ truy cập: https://baohiemxahoi.gov.vn/tracuu/Pages/tra-cuu-dong-bao-hiem.aspx

Với những hướng dẫn chi tiết, cụ thể, tận dụng công nghệ 4.0 như trên những tưởng người lao động sẽ dễ dàng tra cứu thông tin của mình. Nhưng với những trường hợp các cơ quan, đơn vị sáp nhập như đã đề cập ở trên, dữ liệu chưa được đồng bộ hóa. Dĩ nhiên người lao động sẽ không thể tra cứu được trên ứng dụng VssID để làm thủ tục nhận trợ cấp. Còn khi vào trang https://baohiemxahoi.gov.vn/tracuu/Pages/tra-cuu-dong-bao-hiem.aspx để tra cứu, cũng rất nhiều người gặp khó khăn để có thể truy cập. Bản thân phóng viên khi viết bài này cũng đã thử đăng nhập nhiều lần vào trang nêu trên nhưng đều thất bại.

Còn một cách duy nhất là người lao động dùng sổ Bảo hiểm bằng giấy của mình tra cứu rồi gọi điện lên tổng đài của Bảo hiểm xã hội nếu có thông tin gì cần cập nhật và sửa chữa. Tuy nhiên, điều này cũng bất khả thi vì sổ bảo hiểm giấy đã được trả lại cho người lao động giữ từ đầu năm 2021, BHXH đã lưu hết thông tin trên hệ thống điện tử. Tức là sau thời điểm trả sở Bảo hiểm cho người lao động, thông tin không còn được cập nhập nữa. Vậy là muôn vàn khó cho người lao động khi thực hiện việc tự tra cứu, tự đối chiếu thông tin để làm thủ tục nhận trợ cấp từ gói hỗ trợ của quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Xuân Thanh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.