Du khách quốc tế đang có nhu cầu rất lớn về du lịch sau thời gian dài giãn cách

Thông tin từ các đại sứ, đại diện cơ ngoại giao của nước ta ở nước ngoài cho thấy, người dân ở những nước này đang có nhu cầu rất lớn về đi du lịch quốc tế sau thời gian dài phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh...

Thời gian qua, nhiều quốc gia đã bị đứt gãy thông tin về du lịch ở Việt Nam

Trước đó, Bộ VH,TT&DL cũng đã ban hành Kế hoạch về việc triển khai các chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành. Kế hoạch tập trung vào 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó có việc tăng cường truyền thông, quảng bá đối với thị trường quốc tế trọng điểm.

Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, đại dịch Covid-19 đã đẩy ngành du lịch toàn cầu vào khủng hoảng chưa từng có. Tuy nhiên, hoạt động truyền thông, giới thiệu du lịch Việt Nam hướng tới thị trường quốc tế vẫn được duy trì, chuyển sang hình thức trực tuyến nhằm kết nối với khách hàng và nhấn mạnh Việt Nam luôn là điểm đến hấp dẫn, sẵn sàng chào đón du khách quốc tế khi dịch được kiểm soát.

Du khách quốc tế đang có nhu cầu rất lớn về du lịch sau thời gian dài giãn cách
Đối với thị trường quốc tế, kế hoạch của Bộ VH,TT&DL chia làm 3 giai đoạn, đó là thí điểm tại Phú Quốc, mở rộng mô hình tại một số địa phương và tiến tới mở cửa hoàn toàn. Giai đoạn thí điểm tại Phú Quốc sắp triển khai rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại các nước. Ảnh: Khánh Huy

Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Đoàn Văn Việt cho biết, trong suốt thời gian qua, Bộ VH,TT&DL và Bộ Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới. Công tác truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch có sự đóng góp không nhỏ của các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài. Quy mô và chất lượng các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch liên tục được cải thiện, đặc biệt ở các thị trường khách du lịch quốc tế trọng điểm của Việt Nam.

Nhằm chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi hoạt động du lịch trong bối cảnh mới, Bộ VH,TT&DL đã ban hành Kế hoạch về việc triển khai các chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành. Kế hoạch tập trung vào 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó có việc tăng cường truyền thông, quảng bá đối với thị trường quốc tế trọng điểm gồm: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, trong đó có Bộ Ngoại giao, xây dựng phương án đón khách du lịch quốc tế theo từng giai đoạn phù hợp với diễn biến tình hình và kết quả phòng, chống dịch của Việt Nam, cũng như của các nước; Bộ cũng đã ban hành Kế hoạch xúc tiến, quảng bá, kích cầu phục hồi du lịch đến năm 2022 với mục tiêu nâng cao hiệu quả chương trình mở cửa đón khách quốc tế và kích cầu du lịch nội địa.

Đối với thị trường quốc tế, kế hoạch chia làm 3 giai đoạn, đó là thí điểm tại Phú Quốc, mở rộng mô hình tại một số địa phương và tiến tới mở cửa hoàn toàn. Giai đoạn thí điểm tại Phú Quốc sắp triển khai rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại các nước.

Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết, ngành du lịch mong muốn phối hợp với ngành ngoại giao triển khai rộng rãi chương trình truyền thông “Roam Phu Quoc”; mở đầu cho Chiến dịch xúc tiến, quảng bá phục hồi du lịch Việt Nam năm 2021-2022 với tên gọi “Live Fully in Viet Nam”. Mục tiêu là quảng bá chương trình thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc, chính sách du lịch hộ chiếu vaccine; các quy định, biện pháp bảo đảm du lịch an toàn; nhân rộng mô hình ra các điểm đến, địa phương an toàn trong cả nước. Bộ VH,TT&DL đề nghị Bộ Ngoại giao tiếp tục hỗ trợ du lịch Việt Nam trong các hoạt động thời gian tới để mở lại thị trường quốc tế hiệu quả, an toàn. Phối hợp để triển khai thành công Kế hoạch thí điểm mở cửa Phú Quốc đón khách quốc tế.

Bộ Ngoại giao là đầu mối trao đổi thừa nhận lẫn nhau giữa các quốc gia về hộ chiếu vaccine; thống nhất với ngành du lịch lựa chọn các quốc gia là thị trường trọng điểm để mở cửa Phú Quốc; hỗ trợ tuyên truyền thông tin về kế hoạch mở cửa của du lịch Việt Nam, các chính sách đảm bảo an toàn cho du khách tới nhân dân nước sở tại.

Bộ Ngoại giao thông tin về cách thức, quy trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến doanh nghiệp, khách du lịch, cơ quan báo chí nước ngoài; thông tin về tình hình du lịch tại các thị trường, nhu cầu của khách, doanh nghiệp, đối tác quốc tế, cũng như yêu cầu về hộ chiếu vaccine cho khách du lịch; tổ chức kết nối giữa doanh nghiệp du lịch Việt Nam với các đối tác quốc tế; phối hợp, hỗ trợ tổ chức các chương trình xúc tiến quảng bá cho du lịch Việt Nam, như tham gia hội chợ quốc tế, đón đoàn khảo sát, tổ chức chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam…

Tại hội nghị, các vị đại sứ, đại diện cơ quan ngoại giao Việt Nam ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Hoa Kỳ, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Nga, Trung Quốc, Malaysia... đã chia sẻ nhiều thông tin hữu ích về nhu cầu đi du lịch của người dân các nước; tình hình tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cũng như khuyến nghị về sản phẩm, hoạt động cần thiết để đón dòng khách quốc tế trở lại.

Thông tin từ các đại sứ, đại diện cơ ngoại giao của nước ta ở nước ngoài cho thấy, người dân ở những nước này đang có nhu cầu rất lớn về đi du lịch quốc tế sau thời gian dài phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Họ có nhu cầu đến các địa điểm du lịch an toàn, thân thiện, thuận tiện về các thủ tục xuất nhập cảnh, cách ly y tế... đối với những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine.

Người dân ở các nước này hầu hết đều đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 đạt tỷ lệ cao. Do đó, việc cần thiết là phải có biện pháp kết nối, trao đổi để thống nhất việc công nhận giấy chứng nhận vaccine giữa Việt Nam với các nước. Ngoài ra, các đại sứ, đại diện cơ quan ngoại giao Việt Nam cho rằng, thời gian qua, nhiều quốc gia đã bị đứt gãy thông tin về du lịch ở Việt Nam. Vì vậy, Bộ VH,TT&DL cần nhanh chóng thực hiện trở lại các hoạt động quảng bá, xúc tiến ở nước ngoài. Tổng cục Du lịch sớm cung cấp thông tin về thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc để có hoạt động quảng bá, thu hút khách, nhất là khi ngày càng có nhiều nước trên thế giới tiếp tục nới lỏng hoạt động xuất nhập cảnh, cho phép người dân đi du lịch nước ngoài từ tháng 10-2021...

Cần công bố quy trình thủ tục đón khách quốc tế nhất quán

Các đại sứ, đại diện cơ ngoại giao của nước ta ở nước ngoài cũng cho rằng, Việt Nam cần nhanh chóng công bố các quy trình, thủ tục đón khách quốc tế một cách nhất quán, đảm bảo an toàn cho du khách và người dân trong bối cảnh sống chung với dịch bệnh.

Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch tại, từ đầu năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 đã tác động nặng nề đến du lịch thế giới nói chung và Du lịch Việt Nam nói riêng. Dịch Covid-19 đã chấm dứt chuỗi tăng trưởng trung bình gần 23%/năm về lượng khách quốc tế của giai đoạn 2015-2019. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cả nước chỉ đón được 3,7 triệu lượt khách quốc tế, giảm 80% so với năm 2019; 56 triệu lượt khách nội địa, giảm 34,1% và tổng thu du lịch giảm khoảng 58,7%. Trong 9 tháng đầu năm 2021, khách du lịch nội địa tiếp tục giảm 16% so với cùng kỳ 2020, đạt 31,5 triệu lượt khách; tổng thu từ khách du lịch giảm 41%. Các doanh nghiệp du lịch gặp vô vàn khó khăn, hoạt động kinh doanh ngưng trệ, lao động rời bỏ ngành.

Du khách quốc tế đang có nhu cầu rất lớn về du lịch sau thời gian dài giãn cách
Các đại sứ, đại diện cơ ngoại giao của nước ta ở nước ngoài cũng cho rằng, Việt Nam cần nhanh chóng công bố các quy trình, thủ tục đón khách quốc tế một cách nhất quán, đảm bảo an toàn cho du khách và người dân trong bối cảnh sống chung với dịch bệnh. Ảnh: Khánh Huy

Thống kê về tình hình tiêm chủng vaccine Covid-19 tại Việt Nam cho hay, tổng số liều vaccine Covid-19 đã được tiêm là 44.637.911 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 34.155.519 liều, tiêm mũi 2 là 10.482.392 liều (số liệu tính đến ngày 3-10-2021).

Theo chủ trương chung sống với dịch bệnh, cùng với đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh, du lịch cũng cần từng bước phục hồi, kích hoạt trở lại cả du lịch nội địa và quốc tế. Cần có sự chung tay, nỗ lực chung của các doanh nghiệp, điểm đến, địa phương và cùng với khởi xướng, định hướng của Bộ VH,TT&DL trong việc: đảm bảo an toàn dịch bệnh, hỗ trợ doanh nghiệp và tái khởi động du lịch.

Được biết, tới thời điểm này, Bộ VH,TT&DL đã ban hành các văn bản triển khai đánh giá an toàn dịch bệnh của các cơ sở lưu trú du lịch trên toàn quốc; Hướng dẫn các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch triển khai đảm bảo du lịch an toàn; hướng dẫn, phổ biến các quy định về phòng chống dịch cho các doanh nghiệp lữ hành, khu, điểm, cơ sở lưu trú du lịch và dịch vụ kinh doanh du lịch, hướng dẫn viên; Xây dựng Hệ thống đăng ký và đánh giá an toàn COVID-19 https://safe.tourism.com.vn và ứng dụng "Du lịch Việt Nam an toàn" để phục vụ khách du lịch; có thể kết nối liên thông dữ liệu trên ứng dụng về tình hình dịch bệnh ở các địa phương, bản đồ số du lịch an toàn, tờ khai y tế...

Theo lộ trình, việc tái khởi động du lịch nội địa, trong tháng 10-2021, các địa phương tổ chức tập huấn các quy định, biện pháp bảo đảm an toàn phòng chống dịch Covid-19, quy trình đón và phục vụ khách du lịch, tiêu chí dịch vụ du lịch an toàn. Chuẩn bị phương án, nguồn lực dự phòng cho các sự cố, rủi ro.... Xác định điểm đến an toàn; kết nối các điểm đến an toàn và triển khai các hoạt động thông tin, truyền thông.

Từ tháng 11-2021, triển khai đón khách nội địa từ các địa phương đã kiểm soát được dịch Covid-19 gắn với quy trình phòng chống dịch an toàn, bảo đảm sự linh hoạt, thuận lợi cho khách du lịch - Điểm đến an toàn (các yêu cầu liên quan về tiêm vắc-xin, xét nghiệm RT-PCR/test nhanh, thực hiện nghiêm thông điệp 5K, khai báo y tế, quét mã QR, ứng dụng PC-COVID).

Về việc thí điểm mở cửa Phú Quốc đón khách quốc tế, thông tin tại hội nghị cho hay, trên cơ sở đề xuất của Bộ VHTTDL, Chính phủ đã có chỉ đạo giao UBND tỉnh Kiên Giang chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai Kế hoạch thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc, từng bước mở rộng ra một số địa phương và tiến tới mở cửa hoàn toàn đón khách quốc tế. Giai đoạn thí điểm tại Phú Quốc (tháng 11-2021 đến 3-2022).

Đến nay, người dân trên 18 tuổi ở Phú Quốc đã tiêm ngừa vaccine Covid-19 100% mũi 1, tiêm mũi 2 được trên 10%. Đến hết tháng 10 thì sẽ hoàn thành tiêm đủ 100% người trên 18 tuổi ở Phú Quốc. Bộ VH,TT&DL sẽ cùng tỉnh Kiên Giang làm việc với các bộ ngành để tập trung triển khai, trên cơ sở đó sẽ triển khai rộng hơn đối với các địa phương đã đề nghị như Khánh Hòa...

Thái Phương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.