Sớm mở đường bay nội địa để kết nối kinh tế tại các địa phương

Sau thời gian giãn cách xã hội kéo dài, việc nối lại hoạt động vận tải hàng không được cho là cần thiết. Bộ Giao thông Vận tải mong muốn sớm nối lại các đường bay nội địa vì đây không chỉ là nhu cầu vận tải hành khách mà còn là câu chuyện kết nối kinh tế tại các địa phương.

Sự cần thiết cho việc phát triển kinh tế

Đến chiều 5 - 10, đã có 11 địa phương phản hồi về kế hoạch khôi phục hàng không nội địa. Trong đó, 8 địa phương gồm Khánh Hoà, Bình Định, Phú Yên, Điện Biên, Nghệ An, Thanh Hoá, Đăk Lăk và TP Hồ Chí Minh đã thống nhất hoặc đồng ý một phần kế hoạch bay nội địa và ủng hộ việc nối lại các chuyến bay. 2 địa phương đề nghị tạm thời chưa khai thác và riêng TP Hà Nội đề nghị làm rõ thêm nhiều vấn đề liên quan đến công tác đảm bảo an toàn phòng chống dịch trước khi đưa ra quyết định.

Theo đó, TP Hà Nội đề nghị Cục Hàng không Việt Nam báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về kế hoạch khai thác các đường bay nội địa thường lệ đi/ đến Hà Nội trong giai đoạn dịch bệnh để lấy ý kiến UBND TP Hà Nội và các tỉnh, TP lân cận theo đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ.

Hà Nội đề nghị Cục Hàng không Việt Nam làm rõ tiêu chí với hành khách đi tàu bay, cụ thể là phải thuộc các vùng xanh. Hành khách thuộc các vùng có mức độ dịch ở cấp 3, cấp 4 cần được sự cho phép của chính quyền nơi đi và sự tiếp nhận của chính quyền nơi đến.

TP Hồ Chí Minh cơ bản thống nhất tần suất khai thác như kế hoạch Cục HKVN đề ra. Trong đó, với đường bay TP Hồ Chí Minh - Hà Nội, UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị tổ chức một số chuyến bay khứ hồi trong tuần, để giải quyết một phần nhu cầu đi lại cấp thiết giữa vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.

Sớm mở đường bay nội địa để kết nối kinh tế tại các địa phương

Theo Cục Hàng không, các điều kiện đảm bảo chống dịch của ngành hàng không đã sẵn sàng

Hai địa phương là Hải Phòng, Gia Lai đề nghị tạm thời chưa khai thác đường bay đến Hải Phòng. Trong đó, Gia Lai đề nghị tạm thời chưa khai thác đường bay chở khách đi, đến Gia Lai cho đến sau ngày 15 - 10 - 2021.

Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải chia sẻ: "Mở sớm hoạt động vận tải ngày nào thì chúng ta sớm phục hồi kinh tế ngày đó và sớm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân bởi chúng tôi rất biết người dân sau thời kỳ giãn cách thì rất mong mỏi được dịch chuyển và đi lại”.

Hơn nữa. việc thực hiện các biện pháp y tế và phòng chống dịch là bắt buộc, nhưng việc đưa ra quyết định, cho bay hay không cho bay tại mỗi địa phương khác nhau như hiện nay, đang là rào cản không chỉ đối với riêng ngành hàng không mà cả các loại hình vận tải khác để có thể nối lại các hoạt động đi lại và vận chuyển hành khách trong tình hình mới.

Sau thời gian giãn cách xã hội kéo dài, việc nối lại hoạt động vận tải hàng không được cho là cần thiết để góp phần tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh thích ứng, linh hoạt và an toàn với dịch bệnh.

Cần giải pháp thống nhất

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Đinh Việt Thắng khẳng định, cần có quan điểm thống nhất trên cả nước. Mỗi địa phương áp dụng một kiểu sẽ khó bay nội địa trở lại. Quý III - 2021, trong khi sản lượng điều hành bay đi, đến của Việt Nam giảm mạnh tới 78%, thì điều hành bay quá cảnh tăng 27,9% so với cùng kỳ 2020. Điều này đồng nghĩa với việc hoạt động vận tải hàng không của các nước đã hồi phục và tăng trưởng trở lại.

Việc nối lại hoạt động bay, kể cả dựa trên 4 giai đoạn mở lại hiện vẫn phải căn cứ vào thực tế tình hình dịch bệnh tại các địa phương và cần có sự đồng thuận từ các địa phương này, từ đó, Cục Hàng không sẽ quyết định điều chỉnh tần suất khai thác.

“Khôi phục vận tải là vấn đề sống còn, không chỉ là với hàng không. Đề nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Chính phủ có quan điểm thống nhất trên cả nước, cứ để mỗi địa phương áp dụng một kiểu sẽ rất khó bay nội địa trở lại”, ông Đinh Việt Thắng chia sẻ.

Theo TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, hiện nay, nếu để mỗi địa phương làm một kiểu, một phương án, một kế hoạch, thì nước ta sẽ là “63 nền kinh tế”. Như vậy câu chuyện liên quan đến liên kết vùng, liên kết hợp lực để phòng chống dịch và phát triển kinh tế sẽ không đạt được hiệu quả.

Theo một số chuyên gia hàng không, các địa phương cần tạo sự đồng thuận, nhất là trong bối cảnh thích ứng an toàn với tình hình mới, vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế. Việc mở lại các cảng hàng không, sân bay, đường bay nội địa hiện nay cần sự chỉ đạo thống nhất từ Chính phủ. Vì vậy, các địa phương cần có sự thống nhất theo các chủ trương, định hướng, chỉ đạo thích ứng an toàn của Chính phủ.

Ngày 4 - 10, đại diện Vietnam Airlines cho biết đội tàu bay của hãng hàng không này đang hoàn tất quá trình bảo dưỡng để trở lại bầu trời, sẵn sàng cho việc nối lại nhiều đường bay nội địa vào đầu tháng 10. Theo ông Hà Minh Quang, Phó ban Truyền thông của Vietnam Airlines, các máy bay của Vietnam Airlines đều được kiểm tra kỹ thuật và bảo dưỡng kỹ lưỡng trước khi cất cánh. Đây là công tác đặc biệt quan trọng nhằm bảo đảm an toàn bay, qua đó hành khách có thể hoàn toàn yên tâm khi bay trở lại.

Nguyễn Đăng

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.