Giải đáp chính sách

Hiệu lực và thời hạn của thoả ước lao động tập thể

Ngày có hiệu lực của thoả ước lao động tập thể do các bên thỏa thuận và được ghi trong thoả ước lao động tập thể. Trường hợp các bên không thỏa thuận ngày có hiệu lực thì thoả ước lao động tập thể có hiệu lực kể từ ngày ký kết.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hỏi:

Xin quý báo cho biết, pháp luật quy định như thế nào về hiệu lực và thời hạn của thoả ước lao động tập thể (TƯLĐTT)? Khi TƯLĐTT hết hạn, các bên giải quyết như thế nào?

(Nguyễn Minh An, trú tại huyện Thanh Trì, Hà Nội)

Trả lời: Về câu hỏi của bạn, xin trả lời như sau:

Thứ nhất, hiệu lực:

- Ngày có hiệu lực của TƯLĐTT do các bên thỏa thuận và được ghi trong TƯLĐTT. Trường hợp các bên không thỏa thuận ngày có hiệu lực thì TƯLĐTT có hiệu lực kể từ ngày ký kết.

- Trường hợp TƯLĐTT không ghi ngày có hiệu lực thì có hiệu lực kể từ ngày các bên ký kết.

- TƯLĐTT DN có hiệu lực áp dụng đối với NSDLĐ và toàn bộ người lao động (NLĐ) của DN.

Thứ 2, thời hạn:

- TƯLĐTT có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm.

- Thời hạn cụ thể do các bên thỏa thuận và ghi trong TƯLĐTT.

- Các bên có quyền thỏa thuận thời hạn khác nhau đối với các nội dung của TƯLĐTT.

Người sử dụng lao động (NSDLĐ), NLĐ, bao gồm cả NLĐ vào làm việc sau ngày TƯLĐTT có hiệu lực, có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ TƯLĐTT đang có hiệu lực. Trường hợp quyền, nghĩa vụ và lợi ích của các bên trong HĐLĐ đã giao kết trước ngày TƯLĐTT có hiệu lực thấp hơn quy định tương ứng của TƯLĐTT thì phải thực hiện theo TƯLĐTT.

Quy định của NSDLĐ chưa phù hợp với TƯLĐTT thì phải được sửa đổi cho phù hợp; trong thời gian chưa sửa đổi thì thực hiện theo nội dung tương ứng của TƯLĐTT. Khi một bên cho rằng bên kia thực hiện không đầy đủ hoặc vi phạm TƯLĐTT thì có quyền yêu cầu thi hành đúng TƯLĐTT và các bên có trách nhiệm cùng xem xét giải quyết; nếu không giải quyết được, mỗi bên đều có quyền yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể theo quy định của pháp luật.

Trường hợp chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình DN; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của DN thì NSDLĐ kế tiếp và CĐCS có quyền thương lượng căn cứ vào phương án sử dụng lao động để xem xét lựa chọn việc tiếp tục thực hiện, sửa đổi, bổ sung TƯLĐTT cũ hoặc thương lượng để ký kết TƯLĐTT mới.

Trường hợp TƯLĐTT hết hiệu lực do NSDLĐ chấm dứt hoạt động thì quyền lợi của NLĐ được giải quyết theo quy định của pháp luật.

TƯLĐTT hết hạn, các bên giải quyết như sau:

- Khi TƯLĐTT chuẩn bị hết hạn (trong thời hạn 90 ngày trước ngày TƯLĐTT hết hạn), các bên có thể lựa chọn một trong hai hình thức sau: Thương lượng để kéo dài thời hạn của TƯLĐTT đang có hiệu lực và có thể ký kết bằng phụ lục; Ký kết TƯLĐTT mới. Trường hợp các bên thỏa thuận kéo dài thời hạn của TƯLĐTT thì CĐCS hoặc tổ chức của NLĐ tại DN phải lấy ý kiến và được trên 50% NLĐ của DN biểu quyết tán thành kéo dài thời hạn của TƯLĐTT.

- Khi TƯLĐTT đã hết hạn: Nếu các bên đang không trong quá trình TLTT để kéo dài thời hạn của TƯLĐTT đã hết hạn thì đương nhiên TƯLĐTT hết hiệu lực; Nếu các bên đang tiếp tục thương lượng thì TƯLĐTT cũ vẫn được tiếp tục thực hiện trong thời hạn không quá 90 ngày kể từ ngày TƯLĐTT hết hạn, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

TƯLĐTT ngành hoặc TƯLĐTT có nhiều DN có phạm vi áp dụng chiếm trên 75% NLĐ hoặc trên 75% DN cùng ngành, nghề, lĩnh vực trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao thì NSDLĐ hoặc tổ chức đại diện NLĐ tại đó đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định mở rộng phạm vi áp dụng một phần hoặc toàn bộ thỏa ước đó đối với các DN cùng ngành, nghề, lĩnh vực trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao (Điều 84 Bộ Luật lao động 2019).

Đỗ Phương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.