Triển khai Luật Thủ đô vào phát triển GD&ĐT - Những bước tiến và kiến nghị sửa đổi:

Kỳ 1: Hệ thống trường lớp đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập đa dạng của học sinh

Hơn 10 năm thực hiện chủ trương của Đảng và các chính sách của Nhà nước về đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), gần 10 năm thực hiện Luật Thủ đô với những chính sách đặc thù riêng, trong đó có phát triển GD&ĐT, Hà Nội đã củng cố vững chắc vị thế đi đầu cả nước về giáo dục. Quy mô, chất lượng giáo dục Thủ đô ngày càng lớn mạnh. Trên chặng đường phát triển, những gì TP đã và đang làm được cần được nhân lên, còn những điểm mới cho phù hợp với tình hình cũng cần có những quy định linh hoạt, phù hợp với đặc trưng của Thủ đô.

Quan điểm phát triển giáo dục theo Luật Thủ đô

Luật Thủ đô được thông qua ngày 21-11-2012, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XIII, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2013, với các cơ chế đặc thù đã góp phần tích cực xây dựng và phát triển Thủ đô. Trong đó, đối với giáo dục, một trong những mục tiêu ưu tiên của Thủ đô là phát triển đồng bộ hệ thống giáo dục và đào tạo để trở thành trung tâm hàng đầu của cả nước, có uy tín ở khu vực và quốc tế trong tương lai. Muốn đạt được mục tiêu này thì trước hết phải thực hiện phổ cập và phát triển giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông đạt chuẩn quốc gia; xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng nghề trên địa bàn Thủ đô theo hướng tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô và đất nước.

Kỳ 1: Hệ thống trường lớp đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập đa dạng của học sinh

Hệ thống trường lớp của Hà Nội ngày càng mở rộng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của học sinh. Ảnh: Khánh Huy

Bên cạnh đó, việc xây dựng các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông chất lượng cao cũng có tầm quan trọng đặc biệt vì đây là cấp học tạo nguồn cho các trường đại học, cao đẳng chất lượng cao. Thời điểm ban hành Luật, Hà Nội chưa có trường phổ thông nào đạt chuẩn khu vực và quốc tế. Các trường chuyên như Hà Nội - Amsterdam, Nguyễn Huệ… đào tạo chất lượng cao, nhưng chương trình đào tạo và sách giáo khoa vẫn theo chương trình chung áp dụng trong cả nước. Đối với chương trình đào tạo chất lượng cao để bắt nhịp cùng với nền giáo dục tiên tiến của các nước trong khu vực và quốc tế thì chưa có quy định riêng để triển khai.

Cho đến nay, gần 10 năm triển khai thi hành Luật Thủ đô, cùng với các chương trình phát triển chung về giáo dục, Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân TP… quan điểm đầu tư và xựng giáo dục Thủ đô vẫn nhất quán. Đó là quy mô phải đáp ứng được tốt hơn yêu cầu học tập của học sinh, chất lượng giáo dục phải nâng cao ở cả giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn.

Quy mô trường lớp mở rộng, việc kéo giãn sĩ số lớp học có kết quả khả quan

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, năm học 2020-2021, quy mô giáo dục Hà Nội tiếp tục phát triển nhanh, mạng lưới trường, lớp được mở rộng, cơ sở vật chất được tăng cường đầu tư xây dựng, theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa và hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân Thủ đô và yêu cầu đào tạo nhân lực trong thời kỳ mới.

Năm học 2021-2022, trên địa bàn TP có 2.792 trường mầm non, phổ thông và 1 trường TCCN với 159.400 cán bộ, giáo viên, nhân viên; 63.290 lớp, hơn 2,112 triệu học sinh (tăng 44 trường, tăng 2.859 lớp, nhóm lớp; 69.925 học sinh so với cùng kỳ năm học 2019-2020)…

Kỳ 1: Hệ thống trường lớp đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập đa dạng của học sinh
Nhờ chỉ đạo quyết liệt, cho đến thời điểm này, các dự án xây dựng trường mầm non, tiểu học tại các quận Hai Bà Trưng và Ðống Ða - địa bàn thiếu không gian xây trường đã được triển khai

Ngay từ đầu năm học, Sở GD&ĐT đã triển khai thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản. Trong đó, triển khai tích cực công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia và trường chất lượng cao, coi đây là giải pháp nâng cao chất lượng cũng như phát triển toàn diện các trường học. Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được TP đặc biệt quan tâm, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia hiện đạt 76,9% và phấn đấu đến năm 2025 đạt từ 80-85% theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII. Toàn TP có 22 trường chất lượng cao, trong đó, có 16 trường công lập. (So với năm 2013, TP có 768 trường học được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 32,1% - PV).

Nhờ chỉ đạo quyết liệt, cho đến thời điểm này, các dự án xây dựng trường mầm non, tiểu học tại các quận Hai Bà Trưng và Ðống Ða –địa bàn thiếu không gian xây trường đã được triển khai. Các địa bàn dân số cơ học, sĩ số học sinh tăng nhanh như: Hoàng Mai, Hà Đông, Long Biên…, nhiều trường lớp mới được xây dựng, nhất là ở những khu chung cư mới, các công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, trường mới, lớp mới, đội ngũ giáo viên được bố trí hợp lý để đảm bảo chỗ học cho con, em Nhân dân trên địa bàn Thủ đô. Vì thế, sĩ số các lớp học ở các địa bàn cao điểm đông dân cư khối giáo dục công đã có những cải thiện đáng kể.

Vẫn cần những sửa đổi cho phù hợp tình hình

Mới đây, các quận, huyện tiếp tục báo cáo TP đề xuất thu hồi hàng chục khu đất của các tổ chức, đơn vị sử dụng không hiệu quả để xây trường công lập, trong đó có nhiều khu đất "vàng" ngay giữa lòng Thủ đô, đảm bảo đủ trường lớp. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn chịu những áp lực sĩ số, nhiều năm nay vẫn đang dần dần khắc phục. Mà vấn đề thi hành, quản lý đôi lúc bị vướng bởi một số quy định.

Bà Phạm Thị Lệ Hằng - Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông cho biết: Hằng năm, lượng học sinh trong quận tăng từ 5.000 - 6.000 học các cấp. Để giảm quá tải lớp học, hạ sĩ số hạ sĩ số trên lớp, bên cạnh việc điều chỉnh tuyến tuyển sinh, 5 năm trở lại đây, quận đầu tư xây mới 25 trường học các cấp. Bình quân mỗi năm xây mới 3 - 7 trường.

Nhưng đó là câu chuyện của các quận, huyện còn quỹ đất. Ở những địa bàn nội đô dân cư san sát, dành được quỹ đất xây trường mới rất khó khăn. Các trường học được xây dựng theo quy chuẩn cũ với chiều cao từ 2 - 3 tầng đã không đáp ứng được số học sinh tăng cao nữa.

Nhà giáo Nguyễn Cao Cường – nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh, quận Đống Đa, cho biết: “Trong khi quỹ đất không thay đổi, theo quy chuẩn cũ thì có những quy định là chỉ được xây 3 tầng. Vậy nếu xây theo kiến trúc mới thì cần có những thiết kế phù hợp với thực tế và theo kịp sự phát triển của xã hội”.

Hà Nội cũng đã kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành cho phép TP được thực hiện cơ chế đặc thù các dự án trường học tại các quận nội thành không còn quỹ đất được tăng mật độ xây dựng, tầng cao, tầng hầm phù hợp với từng địa bàn, tính chất theo từng dự án. Trong trường hợp có những điều chỉnh mới, yêu cầu của Luật Thủ đô với những lĩnh vực riêng cũng cần bổ sung những quy định cho phù hợp tình hình hơn.

(Còn nữa)

Hà An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.