Trái phiếu doanh nghiệp: Người mua đang chịu rủi ro lớn

Chứng kiến việc đi “đòi” gốc và lãi của một số người dân khi mua trái phiếu DN, chắc hẳn không ít người phải giật mình.
Chú thích ảnh: Nhà đầu tư cần hết sức lưu ý là lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao, do đó phải hết sức thận trọng đánh giá kỹ về các rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu
Nhà đầu tư cần hết sức lưu ý là lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao, do đó phải hết sức thận trọng đánh giá kỹ về các rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu

Thứ tự ưu tiên thanh toán gần bét bảng

Mua trái phiếu của một DN khá lớn ở Hà Nội với trị giá 200 triệu đồng hơn 1 năm nay. Đến tháng 7-2021, anh Cao Quang Minh liên hệ để thanh toán gốc và lãi trái phiếu, tuy nhiên, anh bị khất nhiều lần với lí do vì giãn cách, Covid nên DN đang cạn tiền mặt?!

Thời gian vừa qua, nhiều DN đã thành công trong việc huy động vốn qua kênh phát hành trái phiếu, đặc biệt là kênh phát hành riêng lẻ. Cùng với những DN đầu ngành, sức khỏe tốt, uy tín cao, thì cũng có nhiều DN phát hành mà không có tài sản bảo đảm, hoặc kết quả sản xuất kinh doanh dưới mức trung bình.

Theo phân tích của chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, thời gian gần đây có rất nhiều trái phiếu được phát hành là của các Cty bất động sản và không có tài sản đảm bảo. Vấn đề đặt ra là làm sao các nhà đầu tư có thể kiểm soát được các nhà phát hành sử dụng vốn đúng mục đích. Các nhà đầu tư có nhiều nhà đầu tư cá nhân. Họ ít có khả năng để có thể phân tích các chỉ tiêu tài chính đảm bảo nhà phát hành có khả năng trả nợ. Rất ít nhà đầu tư cá nhân có báo cáo tài chính thường xuyên để theo dõi tình hình tài chính của các nhà phát hành. Chính vì thế rủi ro rất cao, đặc biệt là trái phiếu của các Cty bất động sản.

Trong trường hợp nhà phát hành bị vỡ nợ, không có khả năng thanh toán, thì tài sản của DN đó sẽ bị thanh lý và số tiền từ thanh lý sẽ được trả cho các nhà đầu tư theo thứ tự ưu tiên. Đầu tiên là đóng thuế, thứ hai là trả lương cho người lao động, thứ ba là thanh toán cho các nhà cung cấp nguyên vật liệu, thứ tư là nợ ngân hàng, thứ năm mới đến các nhà đầu tư trái phiếu và cuối cùng là cổ đông. Như vậy nhìn ở góc độ rủi ro, trái phiếu có lẽ tốt hơn cổ phiếu một chút, nhưng rủi ro cũng vô cùng cao khi thứ tự ưu tiên bồi thường cho các nhà đầu tư trái phiếu cũng là gần cuối cùng.

Rủi ro mà nhà đầu tư cần đặc biệt quan tâm đó là rủi ro thanh khoản. Cụ thể là, nhà đầu tư không thể ngay lập tức bán được trái phiếu khi có nhu cầu tiền mặt, hoặc không bán được trái phiếu với mức giá kỳ vọng, hoặc phải chi trả nhiều chi phí để bán được trái phiếu. Mặt khác, nhà đầu tư cũng cần lưu ý tới rủi ro định giá lãi suất, hay nói cách khác là việc định giá lãi suất điều chỉnh với rủi ro chưa hợp lý. Điều này có thể dẫn tới việc nhà đầu tư mua trái phiếu với lãi suất cao nhưng rủi ro cũng rất cao và không tương xứng với lãi suất có thể đem lại.

Cảnh báo của cơ quan chức năng

Theo Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính), thời gian vừa qua thị trường trái phiếu DN trái phiếu DN có tốc độ tăng trưởng nhanh. Khối lượng phát hành trái phiếu DN riêng lẻ 7 tháng đầu năm 2021 tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020.

Quy định hiện hành tại Luật Chứng khoán và nghị định số 153/2020, DN huy động vốn trái phiếu riêng lẻ theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm, cơ quan quản lý nhà nước không cấp phép phát hành. Tuy nhiên, trong số DN phát hành trái phiếu vẫn có DN có quy mô nhỏ nhưng huy động vốn với khối lượng lớn, lãi suất cao, DN phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo hoặc chất lượng tài sản đảm bảo kém.

Đối với những trường hợp DN có tình hình tài chính yếu kém, khi huy động vốn trái phiếu với khối lượng lớn, lãi suất cao, chính các DN phát hành sẽ gặp rủi ro nếu hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn và sẽ không trả được nợ gốc, lãi trái phiếu cho nhà đầu tư.

Nhà đầu tư cần hết sức lưu ý là lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao, do đó phải hết sức thận trọng đánh giá kỹ về các rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu. Nhà đầu tư không nên mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ như công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của DN phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu.

Trái phiếu cần được đánh giá, phân tích trên các khía cạnh về lĩnh vực hoạt động, DN phát hành, tình hình tài chính, mục đích sử dụng vốn, chất lượng tài sản đảm bảo cũng như các điều kiện, điều khoản của trái phiếu.

Trong trường hợp lách quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp bằng hình thức mua trái phiếu thông qua các hợp đồng đầu tư với Cty chứng khoán, nhà đầu tư sẽ không phải là chủ sở hữu trái phiếu và không được bảo đảm các quyền lợi đối với trái phiếu theo các cam kết của DN phát hành. Vì vậy, tuân thủ pháp luật và nắm rõ thông tin về trái phiếu trước khi đầu tư là cách duy nhất để hạn chế rủi ro cho các nhà đầu tư cá nhân khi tham gia thị trường trái phiếu DN.

Nhà đầu tư cần lưu ý việc các tổ chức tín dụng, Cty chứng khoán chỉ là DN cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ DN phát hành mà không chịu trách nhiệm về việc DN có hoàn trả gốc và lãi trái phiếu khi đến hạn hay không. Rủi ro của trái phiếu vẫn là rủi ro của DN phát hành.

Ngô Sơn

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.