Những yếu tố có tính quyết định để kiểm soát dịch Covid-19

Để chuyển trạng thái sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, chính quyền nới lỏng nhằm tạo điều kiện, thì các cấp, ngành, doanh nghiệp và mỗi cá nhân càng cần phải nâng cao hơn ý thức tự thân để bảo vệ sức khỏe, tính mạng.
TP Hà Nội đã dự trù cho phương án xã hội hoạt động bình thường trở lại											Ảnh: Khánh Huy
TP Hà Nội đã dự trù cho phương án xã hội hoạt động bình thường trở lại. Ảnh: Khánh Huy

Hà Nội sẽ đi từng bước chắc chắn…

Ngày 29-9 vừa qua, trao đổi với báo chí về lộ trình nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã cho biết, trong đợt dịch lần thứ 4, TP. Hà Nội phải thực hiện 5 lần giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, hiện TP đang bước đầu kiểm soát tốt dịch bệnh.

Giải thích về việc dịch bệnh đang được kiểm soát, nhưng Hà Nội vẫn thận trọng trong nới lỏng giãn cách, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, biến chủng Delta khó lường và tốc độ lây lan nhanh chóng khó kiểm soát.

Vì vậy, TP phải luôn có sự đánh giá dựa trên cơ sở khoa học và đúc kết kinh nghiệm thực tiễn để cho phép phạm vi và loại hình dịch vụ hoạt động, nhưng trên tinh thần “thận trọng, từng bước; tránh sự ồ ạt, nóng vội, nếu để dịch tái phát sẽ rất khó trở tay”.

Đặc biệt là khi TP chưa phủ rộng tiêm vắc-xin mũi 2 cho toàn dân, nếu có tư tưởng chủ quan, cộng thêm sự thiếu ý thức, lơ là, xem nhẹ công tác phòng, chống dịch bệnh sẽ dễ dẫn đến hậu quả rất khó lường. Liên quan đến vấn đề phục hồi và phát triển kinh tế khi mở cửa, Bí thư Đinh Tiến Dũng cho biết, Thường trực Thành ủy đã giao cho Ban Cán sự Đảng UBND TP tới đây sẽ tập trung gặp gỡ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp trên địa bàn.

TP cũng chú trọng và thông thoáng thủ tục để thu hút đầu tư; khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin, rà soát cắt giảm các thủ tục hành chính, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà doanh nghiệp. Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, khẳng định: “Hà Nội sẽ đi từng bước chắc chắn để thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển kinh tế”.

Trong đó, TP sẽ chú trọng ba giải pháp lớn để thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt. Theo đó, tiếp tục nâng cao ý thức phòng, chống dịch của người dân, doanh nghiệp, trong đó người dân phải thực hiện biện pháp “5K”, tuân thủ khai báo y tế, quét mã QR, đưa việc này trở thành thói quen, nếp sống hằng ngày.

Tiếp tục nâng cao năng lực của hệ thống y tế từ TP xuống cơ sở, tập trung nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay tại tuyến y tế cơ sở, nâng cao khả năng dự báo và đáp ứng phòng chống dịch của hệ thống y tế dự phòng, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho các BV, trọng tâm là chuẩn bị các kịch bản ứng phó với dịch bệnh. Tiếp tục kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế tạo điều kiện phân vắc-xin để trong tháng 10-2021, TP cơ bản tiêm phủ mũi 2 cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên.

Ý thức người dân là yếu tố quyết định

Những ngày này, TP. HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và nhiều địa phương trên cả nước đã đưa ra những thông tin chính thức về việc tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, từng bước nới lỏng giãn cách xã hội theo lộ trình tương ứng với diễn biến tình hình dịch bệnh và kết quả đánh giá mức độ an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế sau ngày 30-9.

Đây là những bước đi đầu tiên theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ nhằm từng bước đưa đất nước chuyển trạng thái từ mục tiêu “không có Covid” sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 để thực hiện vừa phòng chống dịch có hiệu quả, vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Ở góc độ nào đó nhịp sống thường nhật sẽ khởi động trở lại. Phố phường lại đông đúc xe cộ, người người tấp nập chen lấn trong những sự kiện lớn nhỏ, những quán “tủ” lại nhộn nhịp khách ăn. Quán cắt tóc, gội đầu lại nối dài khách quen chờ đợi... Cuộc sống dường như lại trở về với nhịp sống vốn có. Đối với không ít người thì hết giãn cách chẳng khác nào mọi chuyện đã qua đi.

Không còn “vùng đỏ”, “vùng xanh” nữa là ra đường không cần xuất trình giấy đi đường, chẳng còn gì phải lo lắng. Thậm chí còn phải ăn gì, chơi gì để bù đắp cho những ngày muốn chơi cũng không được, tiền có trong túi mua gì còn đợi phát phiếu ra đường…

Tới đây, hộ chiếu vắc-xin, hộ chiếu Covid-19, giấy thông hành y tế, thẻ xanh, App xanh… sẽ được triển khai phổ biến trên cả nước lại khiến một số người ảo tưởng rằng đó là những tấm “bình phong” mà virus SARS-CoV-2 không thể đụng tới.

Nhưng suy cho cùng, tất cả đều chỉ là tên gọi khác nhau của sự xác nhận đã tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19, hoặc xác nhận các trường hợp đã khỏi bệnh, hoặc âm tính với virus SARS-CoV-2. Chuyển chiến lược từ “Không Covid” sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19”, thì người tiêm đầy đủ vắc-xin sẽ có cơ hội thoát khỏi nguy cơ bệnh nặng và tử vong.

Điều này tiếp tục khẳng định vắc-xin là điều kiện cần, mở đường cho các nhiệm vụ, giải pháp khác “giáp công” phòng, chống dịch. Vắc-xin cũng còn là “chìa khóa” mở lại các hoạt động kinh tế.

Sau những giai đoạn bị hạn chế, “mở cửa” giờ đây thực sự đã trở thành nhu cầu cấp bách của mỗi người và mỗi nền kinh tế. Tuy nhiên, vắc-xin quan trọng nhưng không phải là vũ khí toàn năng chống Covid-19, đặc biệt là khi xuất hiện biến thể Delta và nhiều biến thể khác không lường trước được…

Xét theo dự thảo lộ trình 4 bước để trở lại trạng thái bình thường mới của Bộ Y tế, hầu hết các địa phương vẫn chỉ đang trong tiến trình cố gắng để quay trở lại trang thái “bình thường mới”. Đó chính là thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, để có thể tồn tại và phát triển trong một thế giới đã hoàn toàn đổi thay.

Phương châm phòng chống dịch “5K + vắc-xin + thuốc + công nghệ + ý thức người dân” đã được cả hệ thống chính trị qua nhiều giai đoạn thực tiễn chống dịch của đất nước đúc kết ra. Ngắn gọn vậy nhưng đằng sau đó đã chứa đựng biết bao sự hi sinh, có sự hi sinh về đời sống cá nhân, mất mát về tinh thần, thiệt hại về kinh tế và cả sự trả giá thương đau khi hàng nghìn đồng bào bị cướp đi tính mạng.

Thông điệp hàm chứa nhiều điều kiện cần để đem lại sự sống an toàn cho cộng đồng. Nhưng suy cho cùng ý thức của mỗi người lại là điều kiện cần, bao trùm và có tính quyết định nhất để kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19.

Khánh Phong

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.