Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 8 nhóm giải pháp phục hồi kinh tế

Sáng 1-10, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức hội nghị tham vấn về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế gắn với nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ của nền kinh tế giai đoạn 2022-2023.

Không “lỡ nhịp” khi bước vào trạng thái bình thường mới

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá, từ đầu năm 2020 đến nay, dịch bệnh đã ảnh hưởng nặng nề, kéo dài và toàn diện đến kinh tế xã hội các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nhất là khi đợt dịch thứ 4 bùng phát vào tháng 7 - 2020, kinh tế tăng trưởng chậm lại, quý III âm 6,17%, luỹ kế 9 tháng năm 2021 chỉ đạt 1,42%.

Dịch bệnh tác động nghiêm trọng không chỉ đối với kinh tế và hệ thống y tế mà còn đối với cả văn hóa, xã hội, sức khỏe, tinh thần người dân, người lao động, tạo ra những thay đổi không chỉ trong ngắn hạn mà cả trung và dài hạn trên hầu hết các quốc gia.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ ra các thực tại khó khăn của nền kinh tế như: “Hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa, các chuỗi cung ứng, tiêu dùng bị gián đoạn, đứt gãy; chi phí sản xuất tăng cao; năng lực nội tại, sức chống chịu của nền kinh tế ngày càng giảm sút; nguồn lực của cộng đồng DN ngày càng bị bào mòn”.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 8 nhóm giải pháp phục hồi kinh tế

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, dịch bệnh mang đến nhiều khó khăn, thách thức, nhưng cũng mang đến cả bài học, cơ hội và tương lai mới cho các quốc gia, trong đó có Việt Nam

Trước những khó khăn trên, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ DN. Cụ thể như:

Chính sách hỗ trợ chủ yếu bao gồm cả chính sách tài khóa và tiền tệ về thuế, phí, lệ phí, khoanh nợ, giãn nợ, gia hạn và giảm lãi suất các khoản vay, chi ngân sách Nhà nước với quy mô khoảng 6,7 tỷ USD.

Nếu tính cả các khoản hỗ trợ qua các kênh khác như Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, các khoản miễn, giảm cước viễn thông, điện, nước, học phí, quy mô các gói hỗ trợ năm 2021 là khoảng 10,45 tỷ USD, tương đương 2,84% GDP.

Tuy nhiên, thời gian qua chính sách hỗ trợ của Việt Nam vẫn chủ yếu nhằm giải quyết khó khăn ngắn hạn về tài chính của DN, người dân, chủ yếu tác động về phía cung của nền kinh tế…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, thực tế, Việt Nam đã bắt đầu thay đổi cách tiếp cận với dịch Covid-19 theo hướng “thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19” để thực hiện vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Vì vậy, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế là rất cần thiết để có được những chính sách đúng đắn, tập trung các nguồn lực kịp thời, hiệu quả để kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ người dân, người lao động, nền kinh tế vượt qua khó khăn…

Các giải pháp phục hồi kinh tế

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, Việt Nam cần rút ra bài học kinh nghiệm trong phòng chống dịch để giữ ổn định và tái khởi động nền kinh tế; từng bước lấy lại sức tăng trưởng.

Đặc biệt, cần lựa chọn những lĩnh vực có tiềm năng như công nghiệp chế biến, logistics, du lịch…để tập trung hỗ trợ, tạo bứt phá. Hơn nữa, nên kết hợp giữa mục tiêu ngắn và dài hạn, chú trọng nâng cao năng lao động nhằm tạo chuyển biến về chất, tập trung hỗ trợ DN có trọng tâm và trọng điểm.

Để nhanh chóng phục hồi kinh tế, chủ động cải thiện tốc độ tăng trưởng, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đưa ra 8 nhóm giải pháp, cụ thể:

Kiểm soát dịch bệnh, nâng cao năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng; Duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát; Hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, trong đó cần quyết liệt cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu lực hiệu quả bộ máy chính quyền, hành chính các cấp;

Phục hồi và phát triển ngành du lịch, kích cầu tiêu dùng trong nước; Hỗ trợ phục hồi DN trong một số ngành lĩnh vực ưu tiên bằng giải pháp hỗ trợ tín dụng, tài chính, sản xuất, phát triển chuỗi cung ứng bền vững; Phục hồi, huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho DN FDI;

Phát triển vùng, đô thị, tháo gỡ thể chế để phát triển các đô thị lớn của cả nước; Phát triển thị trường lao động và lực lượng lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu.

Nguyễn Đăng

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.