Dự thảo Quy chế tổ chức phiên tòa, phiên họp trực tuyến

Kỳ cuối: Để hiện thực hóa phương thức xét xử trực tuyến

Vừa qua, tại Phiên họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ quốc hội đã cho ý kiến về đề xuất việc giao TAND TC chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng và ban hành quy chế tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Một phiên tòa vừa được TAND cấp cao xét xử sau khi Hà Nội nới lỏng giãn cách
Một phiên tòa vừa được TAND cấp cao xét xử sau khi Hà Nội nới lỏng giãn cách

Người tham gia ở các điểm cầu phải tự nguyện

Theo tờ trình của TAND TC, phạm vi áp dụng phiên tòa trực tuyến là xét xử sơ thẩm, phúc thẩm các vụ án hình sự, hành chính, dân sự. Trước mắt là các vụ án không phức tạp về chứng cứ và nghĩa vụ chứng minh, có sự đồng thuận của các chủ thể tham gia.

Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh nói, dự kiến phạm vi xét xử trực tuyến rất rộng. Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, nếu xử đúng, “không có vấn đề gì” thì quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân được đảm bảo. Nhưng nếu không may xảy ra bất cứ chuyện gì làm mất hoặc hạn chế các quyền của cá nhân, tổ chức sẽ rất dễ bị đặt vấn đề xử trực tuyến có đảm bảo không.

“Tôi nghĩ cần thận trọng. Có thể chúng ta áp dụng xử sơ thẩm trước và riêng án hình sự áp dụng chậm hơn. Quyền con người không được sai số. Chúng ta làm thế nào để xử xong thì bị cáo phải tâm phục, khẩu phục, những người tham gia tố tụng được bảo đảm tất cả mọi quyền…” – lời ông Thịnh. Ông cũng dẫn ra một số khuyến cáo của Liên đoàn Luật sư Đức xung quanh việc xét xử trực tuyến.

Về quan điểm này, Chánh án TAND TC Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, luật sư Thịnh nêu khuyến cáo của Liên đoàn Luật sư Đức, ông tìm lại khuyến cáo đó thì thấy Đức thực hiện xét xử trực tuyến lâu rồi. “Còn họ khuyến cáo về việc bảo đảm quyền con người, bị cáo tâm phục, khẩu phục thì xét xử trực tuyến hay trực tiếp đều phải bảo đảm. Trực tiếp hay trực tuyến đều phải làm cho đúng chứ không phải anh ngồi ở đây thì được phép làm sai” - Chánh án TAND TC bày tỏ.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường tỏ ra băn khoăn về điều kiện mở phiên tòa trực tuyến “phải có sự đồng thuận của các chủ thể tham gia”. Ông đặt vấn đề, nếu một bên không đồng ý thì không thể mở được phiên tòa và dẫn chứng về tranh chấp dân sự giữa bên cho vay và bên vay nợ, nếu bên giật nợ không đồng ý sẽ không mở phiên tòa trực tuyến. Ông Cường nêu, nếu phải có sự đồng thuận của hai bên sẽ khó mở phiên tòa trực tuyến xử vụ án dân sự.

Về ý kiến này, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho hay, trước mắt sẽ chỉ xử trực tuyến đối với những vụ án không phức tạp về chứng cứ và nghĩa vụ chứng minh. Tức là gần như rõ hết rồi, vụ án không nghiêm trọng, bắt quả tang, nghĩa vụ chứng minh rất đơn giản. Cũng theo chánh án TAND TC, nguyên tắc đồng thuận trong tham gia phiên tòa trực tuyến là nguyên tắc phổ quát ở tất cả quốc gia. Người tham gia ở các điểm cầu phải tự nguyện, đồng ý, nếu không thì họ có mặt tại phòng xử.

Có những quy định riêng, phù hợp?

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy cho hay, Thường trực Ủy ban này đánh giá việc tổ chức phiên tòa trực tuyến là hoàn toàn phù hợp - không chỉ do diễn biến của tình hình dịch bệnh Covid-19 mà đây là một xu hướng thế giới đã áp dụng. Theo bà Thủy, tháng 6-2021, TAND TC Trung Quốc đã ban hành quy tắc tranh tụng trực tuyến cho TAND, áp dụng trước cho ngành tòa án. Trước đó, Trung Quốc đã áp dụng xét xử trực tuyến nhưng chỉ áp dụng thử nghiệm, thí điểm ở 3 tòa án nhỏ và chỉ áp dụng đối với các vụ án liên quan đến Internet. Bà Thủy chia sẻ, TAND TC đang xây dựng dự thảo quy chế xét xử trực tuyến, trong đó dự liệu rất cụ thể các trường hợp như khi đường truyền mất kết nối thì phải dừng phiên tòa...

“Việc xét xử liên quan đến quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức… nên cần rất thận trọng” - Phó Viện trưởng VKSND TC Nguyễn Huy Tiến nêu quan điểm. Ông Tiến đồng tình với nhiều ý kiến cho rằng án dân sự, kinh doanh, thương mại, hành chính có thể áp dụng rộng rãi. Với án hình sự cần thận trọng vì liên quan đến quyền con người. “Tôi mới tham gia phiên tòa trực tuyến với Singapore về vụ Phan Sào Nam để quyết định số tiền 5,3 triệu USD. Nếu không có phiên tòa trực tuyến thì vừa rồi phải sang bên đó, chi phí rất tốn kém” - ông Tiến cho dẫn chứng.

Để phương thức này trở thành hiện thực, TS Luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà, cho rằng:

Một là, phải có những quy định riêng, phù hợp với từng phương thức xét xử “trực tiếp” và “trực tuyến” về nguyên tắc cơ bản trong tố tụng dân sự; trình tự, thủ tục giải quyết các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, các việc về yêu cầu dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động tại tòa án; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, của cá nhân, của cơ quan Nhà nước, đơn vị vũ trang Nhân dân, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp có liên quan nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc dân sự được nhanh chóng, chính xác, công minh và đúng pháp luật.

Hai là, phải có những quy định riêng, phù hợp với từng phương thức xét xử “trực tiếp” và “trực tuyến” về nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hành chính; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; trình tự, thủ tục giải quyết vụ án hành chính.

Ba là, phải có những quy định riêng, phù hợp với từng phương thức xét xử “trực tiếp” và “trực tuyến” về nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự; trình tự, thủ tục xét xử; nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ giữa các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Bốn là, phải có những quy định cụ thể hoặc dẫn chiếu đến các luật chuyên ngành như Luật Công nghệ thông tin năm 2006, Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, Luật An ninh mạng năm 2018... để bảo đảm thực hiện phương thức xét xử trực tuyến.

Theo Báo cáo của TAND TC, năm 2021, các tòa án đã thụ lý 510.928 vụ việc, đã giải quyết 363.527 vụ việc (đạt 71,15% trong tổng số vụ án đã thụ lý); so với cùng kỳ năm trước, thụ lý giảm 39.902 vụ việc, giải quyết giảm 45.381 vụ việc. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của tòa án là 0,65% (giảm 0,45% so với cùng kỳ năm 2020), đáp ứng yêu cầu Quốc hội đề ra.
Kỳ 3: Kỳ vọng sớm ban hành và có hướng dẫn cụ thể… Kỳ 3: Kỳ vọng sớm ban hành và có hướng dẫn cụ thể…

Hoa Đỗ

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.