Dự thảo Quy chế tổ chức phiên tòa, phiên họp trực tuyến

Kỳ 2: Cơ hội trong thách thức…

Như lời luật sư Nguyễn Minh Long, thế giới đã triển khai mô hình xét xử trực tuyến, cũng tương tự như việc tổ chức các hội nghị cấp cao trực tuyến, họp trực tuyến. Phiên tòa trực tuyến mang lại thuận lợi nhưng để thực hiện cũng nhiều thách thức.
Luật sư Nguyễn Minh Long bày tỏ quan điểm về dự thảo Quy chế
Luật sư Nguyễn Minh Long bày tỏ quan điểm về dự thảo Quy chế

Bảo mật của quá trình tranh tụng

Về Dự thảo Quy chế tổ chức phiên tòa, phiên họp trực tuyến (Quy chế), luật sư Nguyễn Minh Long, Cty Luật TNHH Dragon, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, bày tỏ, TAND TC đang hoàn thiện Dự thảo Quy chế tổ chức phiên tòa, phiên họp trực tuyến trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Trước tiên cần hiểu rõ hơn về việc triển khai xét xử trực tuyến.

Theo nội dung dự thảo, phiên tòa được mở tại tòa án với thành phần tham gia là Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, luật sư... đảm bảo điều kiện giãn cách. Riêng các bị cáo sẽ không phải dẫn giải đến tòa, mà được ngồi tại phòng xét xử tại cơ sở giam giữ và việc xét xử tuân theo các thủ tục tố tụng bình thường.

Như vậy, đối với các vụ án hình sự, các bị cáo bị truy tố ra tòa ở khung tội danh đặc biệt nghiêm trọng thì sẽ không xét xử trực tuyến. Với án hình sự phúc thẩm thì không xét xử trực tuyến các bị cáo kháng cáo kêu oan hoặc kháng cáo đề nghị xem xét trả hồ sơ vụ án, đề nghị làm rõ các tình tiết chưa được làm rõ trong phiên tòa sơ thẩm. Còn đối với các vụ án dân sự, hành chính, hôn nhân gia đình thì sẽ xét xử những vụ án có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, tài liệu chứng cứ đầy đủ… Dự thảo cũng nêu ra những yêu cầu về điều kiện cơ sở vật chất đối với hoạt động xét xử trực tuyến, quy định về tố tụng trong việc đưa vụ án ra xét xử trực tuyến.

Được biết, trên thế giới, hệ thống tòa án của một số quốc gia đã tiến hành và thành công trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của mình như: hệ thống Tòa án của Úc, Singapore, Malaysia… và gần đây tại Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc đã tổ chức nhiều phiên tòa xét xử trực tuyến để tránh lây nhiễm Covid-19. Nó mang lại nhiều thuận lợi, cụ thể: Giải quyết án tồn đọng trong mùa dịch kéo dài; góp phần phòng chống dịch bệnh, phù hợp với tình hình dãn cách xã hội, hạn chế giao thông đi lại; tiết kiệm ngân sách quốc gia (tiết kiệm chi phí xe cộ, nhân sự, thời gian trong việc trích xuất, dẫn giải các bị cáo đến tòa).

Mô hình này phù hợp với xu thế chung toàn cầu trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 diễn ra như vũ bão trên toàn cầu, cũng như làm việc online, giáo dục online, xét xử online sẽ đặt nền móng cho việc đưa công nghệ thông tin vào hỗ trợ cho việc tổ chức xét xử trong tương lai trên cơ sở vẫn đảm bảo đúng quy trình tố tụng theo quy định pháp luật, góp phần đẩy mạnh hiệu quả công tác xét xử, giảm số lượng án tồn…

Tuy nhiên, song song đó tồn tại những khó khăn cần khắc phục để phát huy tối đa hiệu quả nếu xét xử trực tuyến. Đó là việc xây dựng cơ sở vật chất, điều kiện để áp dụng xét xử trực tuyến cũng có những khó khăn đối với các cơ sở giam giữ và thi hành án. Cần bảo đảm được hạ tầng kỹ thuật an toàn, hiệu quả, bảo mật của quá trình tranh tụng của phiên tòa trực tuyến.

Triển khai không dễ

Cùng quan điểm, luật sư Phạm Đắc Hải, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nêu, nếu có thể xét xử trực tuyến, vụ án sẽ được đông đảo người dân quan tâm, theo dõi mà không bị giới hạn số lượng người theo dõi bởi không gian của phòng xử; thuận tiện cho những đương sự ở khu vực xa, giảm bớt đi lại. Tuy nhiên, điều băn khoăn, xét xử trực truyến là phương thức mới, pháp luật hiện hành chưa có quy định. Trong khi đó, để xét xử một vụ án thường liên quan đến nhiều quy định pháp luật tố tụng hiện hành, tác động đến quyền và nghĩa vụ hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Việc xét xử trực tuyến ngoài việc phải đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật còn đòi hỏi các đối tượng, đương sự phải hợp tác, trong khi thời gian giãn cách xã hội có nhiều thẩm phán ở trong khu vực cách ly y tế, phong tỏa, không nghiên cứu được hồ sơ vụ án thì cũng không thể xét xử được. Do đó, việc triển khai xét xử trực tuyến cũng không dễ.

Theo Chánh án TAND TC Nguyễn Hòa Bình, xét xử trực tuyến khác với các hội nghị trực tuyến, học trực tuyến. Theo đó, xét xử trực tuyến, về bản chất là xét xử trực tiếp, diễn ra ở phòng xét xử theo quy định hiện hành nhưng một số chủ thể do điều kiện khách quan không đến dự được phiên tòa, có thể tham gia từ các điểm cầu phụ, đảm bảo yêu cầu quy định. Phiên tòa vẫn phải bảo đảm trực tiếp, công khai, minh bạch, có sự giám sát của các bên.

(Còn nữa)

Kỳ 1: Sẽ có phiên tòa xét xử trực tuyến? Kỳ 1: Sẽ có phiên tòa xét xử trực tuyến?

Hoa Đỗ

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.