Có nên cấp visa “luồng xanh” cho phim dự Liên hoan phim quốc tế?

Gần đây khi nhà sản xuất Đồng Thị Phương Thảo của phim “Vị” tuyên bố từ bỏ quyền sở hữu, đồng thời tiết lộ đạo diễn Lê Bảo cũng từ chối quyền tác giả trên phim. Bộ phim “Vị” sẽ được gắn mác là phim của người đồng đạo diễn Singapore. Được biết, phim “Vị” là phim hợp tác của các nước Việt Nam, Singapore, Pháp, Đức. Bối cảnh quay chính tại TP.HCM (Việt Nam).
Một cảnh phim “Vị”. (Ảnh từ Đoàn làm phim)
Một cảnh phim “Vị”. (Ảnh từ Đoàn làm phim)

Lý giải về quyết định này, nhà sản xuất Đồng Thị Phương Thảo cho biết, cô chấp nhận từ bỏ quyền sở hữu để “cứu” đứa con tinh thần khỏi án phạt cấm phổ biến phim tại Việt Nam và phát hành trên thế giới. Vào tháng 3-2021, phim “Vị” nhận giải thưởng đặc biệt của Ban giám khảo tại Liên hoan phim Berlin (Đức) lần thứ 71. Đến tháng 5-2021, Cục Điện ảnh đã ra quyết định xử phạt hành chính Cty Le Bien Pictures 35 triệu đồng khi gửi bộ phim “Vị” dự thi quốc tế khi chưa có giấy phép phổ biến của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền. Tháng 7-2021, Cục Điện Ảnh ký quyết định cấm phổ biến phim “Vị” của đạo diễn Lê Bảo vì vi phạm Luật Điện ảnh bởi phim có thời lượng 97 phút nhưng có trường đoạn khỏa thân kéo dài 30 phút trên phim, quay trực diện, không phù hợp với văn hóa người Việt Nam.

Liên quan đến vụ việc nhà sản xuất Đồng Thị Phương Thảo và đạo diễn Lê Bảo từ bỏ quyền sở hữu tác phẩm, đại diện Cục Điện ảnh đã lên tiếng cho rằng, đây là một tiền lệ chưa từng có tại Việt Nam. Sau khi nhận được thông tin, Cục Điện ảnh và Thanh tra Bộ VH,TT&DL đã đề nghị Cty Lê Biên có báo cáo giải trình và các văn bản đã ký kết thỏa thuận, từ quá trình sản xuất phim đến việc xin rút quyền sở hữu đối với phim. Nếu phim “Vị” là phim hợp tác sản xuất với nước ngoài thì bộ phim vi phạm Luật Điện ảnh bởi ngay từ đầu không trình kịch bản để thẩm định.

Từ những bất cập của phim “Vị” cho thấy, Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) cần quy định cụ thể hơn về thời lượng được cho phép của cảnh nude trên màn ảnh để người làm phim không còn gặp khó. Vấn đề khác của phim “Vị” là kẽ hở cho phim hợp tác nước ngoài, cần được quy định rõ trong Luật Điện ảnh (sửa đổi) tránh tạo tiền lệ xấu là phim cấm chiếu ở Việt Nam nhưng lại được “đổi quốc tịch” lách luật trong phổ biến và phát hành phim.

Để Điện ảnh Việt Nam hội nhập với thế giới, trở thành ngành công nghiệp văn hóa, Ban soạn thảo Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) cân nhắc, tính toán đưa vào Luật nội dung về một cơ chế riêng như visa “luồng xanh” là thành lập một Hội đồng chuyên biệt để thẩm định các phim tham gia Liên hoan phim quốc tế. Đương nhiên, việc cấp giấy phép cho phim đi dự LHP quốc tế khác với giấy phép thẩm định của Hội đồng duyệt phim quốc gia khi bộ phim đó quay lại và muốn phát hành trong nước.

Trí Đức

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.