Việc hỗ trợ doanh nghiệp từ các ngân hàng chưa được như kỳ vọng

Có hiệu lực từ ngày 7-9-2021, Thông tư 14/2021 sửa đổi Thông tư 01/2020 của Ngân hàng Nhà nước cho kéo dài thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được kỳ vọng là chiếc phao cứu sinh kịp thời hỗ trợ DN. Tuy nhiên việc hỗ trợ này vẫn chưa được như kỳ vọng.
Nhiều DN vẫn kiến nghị hạ thêm lãi suất và các loại phí, giảm áp lực về tài chính trong bối cảnh khó khăn vì Covid-19
Nhiều DN vẫn kiến nghị hạ thêm lãi suất và các loại phí, giảm áp lực về tài chính trong bối cảnh khó khăn vì Covid-19

Khó khăn vì không đủ điều kiện xin tăng hạn mức tín dụng

Gần 1 tháng trôi qua, anh Đặng Trung, chủ một DN nhỏ tại Hà Nội cho biết, mặc dù khá mừng khi được mở cửa trở lại kinh doanh tuy nhiên doanh thu bán hàng qua online rất ít, lãi không đủ bù tiền thuê mặt bằng. Thêm vào đó, DN đang vay nợ tại ngân hàng vài tỉ đồng để kinh doanh. Anh được ngân hàng cho hay sẽ giảm lãi suất 1%/năm hoặc được hoãn trả tiền lãi 6 tháng, và số lãi này được chia đều ra trả trong vòng 1 năm sau đó. Tuy nhiên, với tình hình doanh thu như hiện nay, thật sự không đủ trang trải các chi phí nên việc giảm lãi suất 1%/năm vẫn ngoài khả năng trả nợ của DN.

Một DN khác có một khoản vay có thế chấp tại ngân hàng với dư nợ hơn 20 tỉ đồng. Thời gian qua do giãn cách nên các cửa hàng đại lý hầu như đóng cửa và không bán được hàng do đó, doanh thu hầu như không có. DN đã làm đơn xin ngân hàng hỗ trợ giảm lãi suất thì được ngân hàng đồng ý giảm lãi cho nhưng phải ký quỹ số tiền 1 tỉ đồng mới được xem xét giảm 0,4%/năm. Mức giảm lãi 0,4%/năm trong bối cảnh bị mất nguồn doanh thu thật sự vẫn ngoài khả năng với DN. Tuy nhiên, quan trọng là để tạo nguồn thu mới cho việc mở cửa kinh doanh trở lại, Cty cần nguồn vốn tín dụng mới từ ngân hàng để trang trải chi phí và kinh doanh nhưng vẫn rất khó khăn trong việc xin tăng hạn mức tín dụng dù tài sản thế chấp của Cty vẫn còn giá trị.

Theo những sửa đổi tại Thông tư 14, cho phép tổ chức tín dụng tái cơ cấu với dư nợ phát sinh trước ngày 1-8-2021 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính. Trong khi trước đó chỉ cho phép cơ cấu nợ với dư nợ phát sinh trước ngày 10-6-2020.

Một trong những điểm nổi bật nhất của Thông tư 14 là việc cho phép kéo dài thời gian cơ cấu nợ, miễn, giảm lãi, phí đến ngày 30-6-2022, tức là kéo dài thêm 6 tháng so với thông tư trước đó. Ngoài ra, Thông tư 14 còn bổ sung một số trường hợp được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là khi số dư nợ của khoản nợ phát sinh từ ngày 10-6-2020 đến trước ngày 1-8-2021 và quá hạn từ ngày 17-7-2021 đến trước ngày 7-9-2021.

Các mốc thời gian giãn nợ chưa hợp lý?!

Ngoài cơ cấu lại nợ, nhiều DN cũng mong muốn được hỗ trợ cấp tín dụng mới để có tiền chi trả các khoản đầu vào, chuẩn bị phục hồi sản xuất. Bởi lẽ, việc tiếp cận vốn tín dụng mới sau khi đã được cơ cấu nợ cũng rất khó khăn vì tài sản đã thế chấp gần hết. Nhiều DN không còn gì để thế chấp vay tiếp.

Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, Thông tư 14 quy định các tổ chức tín dụng sẽ thực hiện cơ cấu nợ, giãn nợ cho DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Nhưng tại khoản 7, điều 4 Thông tư này lại quy định: “Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) phù hợp với mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với khách hàng và không vượt quá 12 tháng kể từ ngày tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ hoặc kể từ ngày đến hạn của từng số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ”.

Đại dịch Covid-19 tại Việt Nam từ đầu năm 2020, đến nay đã gần 2 năm và hiện nay vẫn còn diễn biến rất phức tạp, hiện còn rất nhiều các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Các mốc thời gian này không hợp lý lắm. Vì thực ra thời điểm hiện nay dịch vẫn còn đang chưa được khống chế. Nhiều DN vẫn còn đóng cửa, tạm dừng vì giãn cách. Đối với những khoản vay sau ngày 1-8 thì lại không được tính. Và thời gian đến 30-6-2022 dường như quá ngắn, DN cũng chưa hồi kịp mà trả nợ vay.

Qua khảo sát, khá nhiều DN cho rằng, với mức giảm lãi suất “nhỏ giọt” khoảng 0,3-0,5%/năm như hiện nay thì chưa đúng như kỳ vọng của DN. Mức giảm này chưa tương ứng với mức độ khó khăn, thiệt hại mà DN đang phải đối mặt trước những tác động của dịch bệnh, hoạt động kinh doanh “cầm chừng”, gián đoạn. Vì thế DN mong muốn phía ngân hàng sẽ có phương án giảm thêm lãi suất để DN giảm bớt những áp lực về tài chính, áp lực trả nợ trong giai đoạn này. Mức giảm lãi suất nên được cụ thể hóa, chi tiết. Nếu không chi tiết dễ dẫn đến tình trạng khó khăn trong cách tiếp cận của DN.

Tuy nhiên, cũng thêm một điểm khó nữa trong việc thực hiện giảm lãi suất thêm nữa, vì thực ra các ngân hàng cũng là DN phải hoạt động với mục tiêu lợi nhuận.

Theo các chuyên gia tài chính, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh vẫn đang phức tạp, có thể kéo dài, tác động của dịch Covid-19 còn có “độ trễ” khiến nhiều DN còn gặp khó khăn sau này. Ngay cả khi sắp tới các hoạt động có thể trở lại trạng thái “bình thường mới” thì để các DN khôi phục dần cũng mất khá nhiều thời gian...Việc hỗ trợ các DN, trong đó có các hỗ trợ về tín dụng cần tính tới phương án “hậu Covid-19” để hỗ trợ DN phục hồi một cách thực tế, phù hợp, hài hòa giữa DN và ngân hàng.

Ngô Sơn

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.