Phục hồi và duy trì tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào một khu vực kinh tế tư nhân hiệu quả

Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) vừa công bố, Việt Nam đã thu hút được lượng lớn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các phân khúc sử dụng nhiều lao động của chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu...

Hiện nay, Việt Nam là cứ điểm xuất khẩu điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới, sản xuất trên 40% số sản phẩm điện thoại toàn cầu của Samsung - minh chứng cho thành công của chiến lược tăng trưởng này. Các doanh nghiệp tư nhân trong nước cũng năng động không kém với các công ty lớn trong nước đang nổi lên như Vingroup, VietJet, Masan... hoạt động trên khắp khu vực Đông Á. Việt Nam đang chuẩn bị cho bước tiếp theo trong quá trình chuyển đổi kinh tế thì cuộc khủng hoảng COVID-19 xảy ra.

Với những thành tựu ấn tượng đã đạt được, Việt Nam có khát vọng trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 bằng cách đi theo lộ trình của các quốc gia trong khu vực như Hàn Quốc - gắn mục tiêu phát triển với tăng trưởng năng suất, nhờ đó tránh được bẫy thu nhập trung bình.

Các thách thức do sụt giảm tốc độ tăng trưởng và thương mại trên toàn cầu, cộng với những thay đổi công nghệ nhanh chóng liên quan đến cách mạng Công nghiệp 4.0 và xu hướng dịch vụ hóa sản xuất càng trở nên khốc liệt hơn do tác động của cuộc khủng hoảng COVID-19 tại Việt Nam từ đầu 2020 đến nay.

Phục hồi và duy trì tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào một khu vực kinh tế tư nhân hiệu quả
Gần 1/4 số doanh nghiệp có số giờ hoạt động giảm và doanh số giảm khoảng 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng việc làm thấp hơn đáng kể so với mức tháng 1-2020

Việt Nam đã chứng tỏ được vai trò lãnh đạo và hành động nhanh chóng trong việc kiểm soát đại dịch bằng việc đặt các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt và kiểm soát chặt chẽ biên giới. Tuy nhiên những biện pháp này cũng dẫn đến sự suy giảm đáng kể các hoạt động kinh tế, gây khó khăn về kinh tế và xã hội cho các doanh nghiệp lẫn hộ gia đình.

Mặc dù Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới ghi nhận mức tăng trưởng dương vào năm 2020, với tỷ lệ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là 2,9% (IMF 2021), mức độ tăng trưởng này chưa bằng một nửa so với thời kỳ trước khi đại dịch COVID xảy ra. Vào cuối quý II-2021, Việt Nam đã đạt sản lượng cao hơn mức trước đại dịch. Tuy nhiên, hiện Việt Nam đang phải đối mặt với làn sóng COVID khác. Biến thể Delta lần này với mức độ lây nhiễm cao trong khi tỷ lệ tiêm chủng toàn dân còn thấp có nguy cơ kéo lùi lộ trình phục hồi kinh tế của Việt Nam.

Trong mọi tình huống, việc thúc đẩy sự phát triển và đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân thông qua mô hình tăng trưởng bao trùm và dựa vào nâng cao năng suất là hết sức cần thiết để đưa Việt Nam trở lại lộ trình tăng trưởng cao. Mục tiêu của nghiên cứu Đánh giá Khu vực Tư nhân Việt Nam (CPSD) là xem xét các cơ hội và thách thức của nền kinh tế nói chung cũng như một số ngành cụ thể nói riêng trong tăng cường phát triển khu vực kinh tế tư nhân và tạo thuận lợi cho đầu tư vào Việt Nam.

CPSD gắn liền với các ưu tiên chiến lược của Chính phủ (như được nêu trong Chiến lược Phát triển Kinh tế - Xã hội của Việt Nam 2021-2030 và Báo cáo Việt Nam 2035 và các chương trình, ưu tiên chính sách của Nhóm Ngân hàng Thế giới.

CPSD dựa trên nhiều nguồn dữ liệu, bao gồm các tài liệu nghiên cứu sẵn có (kể cả nghiên cứu ngành), và từ cán bộ của Nhóm Ngân hàng Thế giới, các khảo sát doanh nghiệp, dữ liệu tần suất cao/thời gian thực do các công ty tư nhân thu thập, các phỏng vấn và tham vấn với khu vực tư nhân, cơ quan chức năng của Việt Nam và các bên liên quan khác.

Doanh nghiệp chịu thiệt hại nghiêm trọng do đại dịch COVID-19

Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã giáng một đòn mạnh vào hoạt động kinh doanh và việc làm, phản ánh áp lực đối với tốc độ tăng trưởng chung. Một số yếu tố khiến doanh nghiệp Việt Nam đặc biệt dễ bị tổn thương trước cuộc khủng hoảng, bao gồm hội nhập của quốc gia trong thương mại và chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) cũng như phụ thuộc vào dòng vốn đầu tư và ngành du lịch.

Cú sốc COVID-19 lan truyền tới doanh nghiệp thông qua nhiều kênh và có tác động củng cố lẫn nhau - bao gồm giảm cầu, giảm và gián đoạn nguồn cung đầu vào, thắt chặt điều kiện tín dụng và suy giảm thanh khoản, cũng như gia tăng bất ổn.

Thành công ban đầu trong ngăn chặn đại dịch COVID-19 ở Việt Nam đã cho phép các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động kinh doanh, làm tổng tỷ lệ doanh nghiệp mở cửa tăng lên 94% vào tháng 10-2020. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn đang hoạt động ở mức thấp hơn bình thường (trước khủng hoảng) và sẽ bị hạn chế hơn nữa bởi các biện pháp phong tỏa mới được áp dụng từ tháng 7-2021.

Cầu giảm dường như là kênh có tác động lớn nhất. Gần 1/4 số doanh nghiệp có số giờ hoạt động giảm và doanh số giảm khoảng 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng việc làm thấp hơn đáng kể so với mức tháng 1-2020.

Ngoài ra, tình trạng phục hồi còn chưa đồng đều, và các công ty đang phải đối mặt với áp lực lớn hơn và gay gắt hơn từ đợt đóng cửa mới do sự gia tăng mạnh các trường hợp COVID-19 ở Việt Nam trong tháng 7 và tháng 8-2021. Nhìn chung, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp trong sản xuất và nông nghiệp tiếp tục có những cú sốc doanh thu nghiêm trọng.

Mặc dù thanh khoản đã được cải thiện, các công ty vẫn có nguy cơ bị nợ đọng đáng kể và tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn do sự gia tăng liên tục của các ca COVID-19 mới. Ngay cả sau khi nhu cầu phục hồi, trong bối cảnh biến động, gánh nặng nợ nần và kỳ vọng tiêu cực có thể gây sụt giảm đầu tư, đe dọa phá sản, và mất việc làm dẫn đến làm chậm tăng trưởng hơn nữa. Ở khía cạnh tích cực, doanh nghiệp tiếp tục ứng phó với bình thường mới bằng cách ứng dụng các nền tảng kỹ thuật số.

Đợt bùng phát COVID-19 cho thấy Việt Nam cần cấp bách đẩy mạnh áp dụng và phổ biến công nghệ và giải pháp kỹ thuật số để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng. Hạn chế về tài khóa dẫn tới thu hẹp năng lực của khu vực công trong giải quyết nhu cầu đầu tư phát triển, đặc biệt trong linh vực hạ tầng và nhân lực.

Cuộc khủng hoảng đã làm gia tăng áp lực lên ngân sách của Chính phủ vì phải nhanh chóng chuyển sang hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ gia đình bị ảnh hưởng thông qua các biện pháp tài khóa. Trong thời gian tới, sự phục hồi của Việt Nam vì thế sẽ dựa chủ yếu vào việc nâng cao vai trò của khu vực tư nhân trong nền kinh tế. Một khuôn khổ hợp tác công tư (PPP) hiệu quả sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc huy động sự tham gia của khu vực tư nhân trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng và giáo dục.

Tăng trưởng ấn tượng của Việt Nam đi kèm với suy thoái ngày càng tăng về nguồn lực tự nhiên và môi trường. Phát thải khí nhà kính đang vượt xa tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước, phản ánh sự phụ thuộc ngày càng tăng vào sản xuất điện bằng nhiên liệu hóa thạch. Việt Nam là một trong những nước dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu và thiên tai, và độ mặn gia tăng đe dọa tới 2/3 sản lượng cá từ nuôi trồng thủy sản.

Những hạn chế cấu trúc chung cản trở sự phát triển của khu vực tư nhân

Việc vượt qua những thách thức nói trên đòi hỏi tăng trưởng năng suất. Tăng trưởng GDP nhanh chóng trong thời gian qua đã dựa rất nhiều vào tăng lực lượng lao động và vốn đầu tư, trong khi tăng trưởng năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) chậm hơn hầu hết các nền kinh tế Đông Á đang phát triển nhanh khác. Để đạt được tham vọng của Chính phủ nhằm đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045, năng suất sẽ phải trở thành động lực chính cho tăng trưởng cùng với tích lũy vốn liên tục.

Tăng năng suất đòi hỏi phải khai thác triệt để tiềm năng của khu vực tư nhân thông qua các cải cách chính sách nhằm giảm thiểu những yếu tố làm hạn chế hiệu quả và cản trở năng lực đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp tư nhân, đi đôi với đảm bảo phát triển bao trùm và bền vững. Việc số hóa, được đẩy mạnh do đại dịch COVID-19 và đang khiến động lực tăng trưởng dịch chuyển từ công nghiệp sang dịch vụ, cũng sẽ đóng vai trò rất quan trọng.

Đại dịch COVID-19 đã đẩy nhanh việc thực hiện những cải cách về cấu trúc còn dang dở cũng như việc triển khai các cải cách thế hệ 2, tiếp nối những nỗ lực cải cách trước đó của Chính phủ. Các ưu tiên then chốt bao gồm: Giảm gánh nặng về quy định kinh doanh cản trở sự mở rộng của doanh nghiệp đang hoạt động và sự gia nhập thị trường của các doanh nghiệp kỹ thuật số mới; đẩy nhanh mở cửa thị trường và các ngành thông qua tăng cường khung cạnh tranh và cải cách DN Nhà nước với trọng tâm là nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh trong các ngành chiến lược.

Cải thiện khả năng tiếp cận tài chính của những DN vừa và nhỏ chưa được tiếp cận đầy đủ dịch vụ tài chính, hỗ trợ tài chính toàn diện và phát triển dịch vụ tài chính sáng tạo thông qua phát triển ngành fintech và phát triển thị trường vốn đáp ứng nhu cầu tăng trưởng trong tương lai

Giải quyết những thiếu hụt về kỹ năng và thực tiễn quản lý cần thiết cho đổi mới sáng tạo và giảm chi phí logistic và hạ tầng cao để tạo điều kiện cho sự phát triển của một nền kinh tế sôi động, năng suất cao. Giải quyết các thách thức về thực thi và quản trị, đặc biệt là ở cấp địa phương, vẫn là một nghị trình xuyên suốt.

Xuân Thanh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.