Nhiều kiến nghị giúp Việt Nam khôi phục và phát triển kinh tế

Sáng 27-9, Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội diễn ra dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Tọa đàm là nơi để các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý bày tỏ quan điểm chuyên sâu, độc lập, nhiều góc nhìn, mang tính xây dựng của mình để phát triển kinh tế - xã hội chất lượng, bền vững

Tọa đàm được tổ chức theo hình thức trực tuyến và trực tiếp với sự tham dự của khoảng 80 chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực và các chuyên gia đến từ các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Quỹ Tiền tệ quốc tế, Tổ chức Lao động quốc tế…

3 giai đoạn trong chương trình phục hồi kinh tế

Phát biểu tại buổi tọa đàm, bà Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết nền kinh tế đang phải đối mặt với những khó khăn, hệ lụy nghiêm trọng của dịch bệnh Covid -19.

Cụ thể như, rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng cũng làm tăng chi phí đáng kể cho DN xuất khẩu và DN hoạt động thương mại trong nước; ở các quốc gia khác đang thực hiện các biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế hàng hóa nhập khẩu trong đó có hàng hóa Việt Nam.

Hơn nữa, dịch bệnh cũng tác động mạnh đến tình trạng giải ngân vốn đầu tư công. Tính đến đến ngày 31 - 8, lũy kế thanh toán vốn đầu tư công năm 2021 kiểm soát qua Kho bạc Nhà nước chỉ bằng 41,7% tổng nguồn vốn thuộc kế hoạch. Mặt khác, Số DN rút lui khỏi thị trường trong 8 tháng năm 2021 là 85,5 nghìn DN, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Nhiều kiến nghị giúp Việt Nam khôi phục và phát triển kinh tế

Các đại biểu tham dự Toạ đàm

Qua tham vấn sâu rộng với các tổ chức, chuyên gia trong và ngoài nước cũng như các DN cho thấy triển vọng kinh tế Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố như: Khả năng kiểm soát dịch; khả năng bảo đảm phục hồi sản xuất; khả năng bắt nhịp thực hiện một chương trình sâu rộng về phục hồi và phát triển kinh tế…

Căn cứ vào bối cảnh và thách thức hiện nay, TS Nguyễn Thị Hồng Minh đề nghị cần sớm xây dựng và thực hiện Chương trình tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế trong và sau dịch. Trong đó cần lưu ý 3 giai đoạn với cách tiếp cận khác nhau nhưng đều nhấn mạnh yêu cầu thực hiện hiệu quả các chính sách. cụ thể:

Giai đoạn 1 đến quý I.2022: Ưu tiên phòng chống dịch, kết hợp với chính sách kinh tế vĩ mô kể cả thúc đẩy giải ngân đầu tư công để hỗ trợ cho DN, và duy trì cải cách môi trường kinh doanh để tháo gỡ khó khăn cho DN.

Giai đoạn 2 đến hết 2023: Sau khi kiểm soát dịch, tiến hành nới lỏng chính sách kinh tế vĩ mô để kích cầu cho nền kinh tế, đồng thời tạo thêm “sức bật” cho DN. Duy trì và đổi mới cải cách môi trường kinh doanh để tạo thêm không gian cho DN.

Giai đoạn 3 sau 2023: Bình thường hóa chính sách kinh tế vĩ mô, hướng tới củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, và thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế sâu rộng hơn.

Bên cạnh đó, Bà cũng đề nghị nghiên cứu, các mô hình kinh tế mới ở thị trường trong nước; đẩy nhanh tiến độ triển khai các gói hỗ trợ người dân, DN đã ban hành; Với Quốc hội, bà Minh đề nghị cần phát huy công tác xây dựng luật để bảo đảm kịp thời, chất lượng, giảm chồng chéo, qua đó củng cố khung pháp lý cho các hoạt động sản xuất – kinh doanh, kể cả các hoạt động kinh tế mới; thường xuyên lắng nghe tiếng nói của cử tri ở các địa phương trong cả nước…

4 bài học để thúc đẩy kinh tế phục hồi

Ông Jacques Morisset, đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) đã chỉ ra các nguyên nhân cho xu hướng đi xuống của kinh tế Việt Nam đó là: Tình hình y tế xấu đi; các chương trình tiêm chủng chậm ngay cả khi đã được tăng tốc để đuổi kịp; hạn chế di chuyển nghiêm ngặt hơn; chính sách ứng phó về kinh tế có quy mô nhỏ và thiếu cân bằng và các chương trình trợ giúp xã hội rụt rè, hạn chế.

Từ đó, đại diện WB đưa ra khuyến nghị về 4 bài học để đi vào trạng thái bình thường mới. Đầu tiên, là tiêm chủng (đồng thời với xét nghiệm) có ý nghĩa quan trọng để kiểm soát đại dịch và cũng để giảm thiểu thiệt hại về kinh tế; thứ hai, vẫn cần có những hạn chế đi lại nhưng phải hợp lý hơn; thứ ba, tìm điểm cân bằng phù hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; cuối cùng là tăng cường trợ giúp xã hội để ngăn chặn tình trạng kiệt quệ tài chính ở những nhóm dễ bị tổn thương và hạn chế gia tăng bất bình đẳng.

Nhiều kiến nghị giúp Việt Nam khôi phục và phát triển kinh tế

Đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam ông Jacques Morisset phát biểu tại Tọa đàm

Đại diện thường trú của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam và Lào Francois Painchaud nhấn mạnh. Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, Việt Nam cần tăng các khoản hỗ trợ bằng tiền cả về giá trị và số lượng người thụ hưởng, các thủ tục hành chính cần đơn giản hơn nữa, nên tăng gấp đôi các khoản hỗ trợ bằng tiền để đạt tỷ lệ thu nhập thay thế khoảng 60%, ngang với mức bảo hiểm thất nghiệp cho lao động ở khu vực chính thức.

Quan tâm đến chính sách tài khóa, Giảng viên cao cấp Đại học Fullbright Việt Nam, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh nhấn mạnh, mặc dù gói hỗ trợ tài khóa đã được ban hành, nhưng quy mô còn quá nhỏ và hiệu lực còn quá thấp. Vì thế, ưu tiên trong quý 4 năm nay và trong năm 2022 làm thế nào để giải ngân một cách hiệu quả nhất các hội an sinh xã hội, các gói hỗ trợ, phê chuẩn và triển khai ngay gói chính sách miễn giảm thuế mà Quốc hội đã thảo luận trước đây, đồng thời bắt đầu khởi động lại các dự án đầu tư công.

Còn dưới góc nhìn của ông Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế nhấn mạnh đến gói hỗ trợ thứ 2 của Chính phủ cần phải lớn hơn, phải quyết liệt thực thi. Ông Thành đưa ra 3 lưu ý, đó là vượt khó, bắt nhịp đà phục hồi của thế giới với các mảng cải cách thể chế kinh tế, cải cách hạ tầng, đào tạo lao động, kỹ năng, chuyển đổi số và bắt nhịp với xu hướng của thế giới trong các lĩnh vực tiêu dùng, cách mạng công nghiệp, công nghệ, quản tri rủi ro.

Nguyễn Đăng

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.