Đưa sông Hồng trở thành thương hiệu của Thủ đô

Quy hoạch phân khu sông Hồng được phê duyệt là cơ sở pháp lý phục vụ công tác quản lý và xây dựng phát triển đô thị theo quy hoạch. Đây cũng là cơ hội để hình thành nên diện mạo mới cho Thủ đô, và cũng là điểm đến hấp dẫn cho mọi người dân trong nước và du khách quốc tế.

Kỳ vọng thành phố ven sông

Tại "Diễn đàn bất động sản trực tuyến: Hấp lực mới từ chuỗi đô thị ven sông Hồng" vừa diễn ra, đại diện Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội cho biết, đến nay, đồ án quy hoạch sông Hồng đã cơ bản hoàn thiện, đang xin ý kiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau đó xin ý kiến Bộ Xây dựng. Đồ án quy hoạch này dự kiến được duyệt vào cuối năm nay.

Thay đổi lớn trong quy hoạch lần này là khắc phục tình trạng Hà Nội đang quay lưng vào sông Hồng, tất cả rác thải đều đẩy ra phía bờ sông, thay vào đó sẽ xây dựng TP quay mặt vào dòng sông, hướng dân cư đô thị về phía dòng sông với 70% diện tích để trồng cây xanh, 30% còn lại để phát triển đô thị.

Đồ án quy hoạch lần này cũng hướng đến những mục tiêu lớn khác như phát triển các công trình công cộng hiện đại, tầm vóc quốc tế và phát huy giá trị các công trình di sản hai bên sông; Phát triển hệ thống giao thông đường bộ ven sông kết nối với các tuyến đường vành đai 2, 3 của đô thị trung tâm, tạo động lực phát triển khu vực…

Đưa sông Hồng trở thành thương hiệu của Thủ đô
Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng là cơ hội để hình thành nên diện mạo mới cho Thủ đô

Ông Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Trung ương Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết, đô thị sông Hồng là đồ án quy hoạch rất quan trọng, khi được phê duyệt sẽ có tính pháp lý, là cơ sở lập quy hoạch chi tiết, quy hoạch sử dụng đất hai bên bờ sông. Vì vậy, một quy hoạch chi tiết với thiết kế đô thị hiện đại, sáng tạo, thông minh và có bản sắc văn hóa cùng những chính sách phát triển minh bạch, tạo điều kiện trong đấu thầu sử dụng đất, trong đầu tư phát triển bất động sản, thu hút được các nhà đầu tư tiềm năng trong nước và quốc tế...

Khai thác hiệu quả các tiềm năng.

Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, nhìn lại quá trình quy hoạch và phát triển của Thủ đô, có thể thấy những hướng phát triển đúng đắn. Mặt khác, quy hoạch chung hiện tại cũng xác định sẽ có 2 đại lộ 6 làn xe chạy song song với 2 bờ sông Hồng ở bờ Bắc và bờ Nam. Không gian dọc hai bên bờ sông Hồng rất đẹp, thuận lợi để phát triển kinh tế, nhất là phát triển khu đô thị, dân cư. Hơn nữa, địa hình bằng phẳng, những dải đất rộng nối tiếp nhau. Điều này rất thuận lợi để quy hoạch xây dựng một TP đa năng…

Việc quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được lập và dự kiến sẽ có thể được phê duyệt vào cuối 2021 là cơ sở, cơ hội tốt để khai thác hiệu quả những tiềm năng kể trên của con sông này, đưa sông Hồng trở thành thương hiệu của Thủ đô.

Tuy vậy, ông Chính cũng lưu ý rằng hiện tại quy hoạch sông Hồng đã bị vướng mắc quá lâu về vấn đề trị thủy, dòng chảy của sông. Vì thế đã đến lúc, các đơn vị lập quy hoạch cần giải quyết vướng mắc này để đẩy nhanh sự phát triển của đô thị ven sông Hồng.

Còn Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chia sẻ: TP Hà Nội đang rất quyết tâm đẩy nhanh việc lập, phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Chắc chắn sau khi có quy hoạch tốt, đồng bộ, diện mạo đô thị hai bên bờ sông Hồng sẽ thu hút rất mạnh các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tiến tới hình thành chuỗi đô thị hiện đại, bền vững, để Hà Nội sẽ sớm có tên trong danh sách những TP ven sông đáng sống nhất khu vực và cả trên thế giới. Do đó, TP Hà Nội rất cần quy hoạch sông Hồng, phê duyệt càng sớm càng tốt để đón nhận đầu tư.

Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng là đồ án cụ thể hóa quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Đồ án bao phủ diện tích khoảng 11.000 ha với quy mô dân số từ 280.000 - 320.000 người, kéo dài khoảng 40 km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở; thuộc địa bàn của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện.

Bên cạnh việc bố trí dịch vụ giao thông đầu mối hạ tầng kỹ thuật đô thị, đồ án còn nhằm hình thành trục không gian văn hóa - cảnh quan sinh thái Hồ Tây - Cổ Loa. Cải tạo, chỉnh trang, tái thiết hệ thống dân cư hiện hữu, bảo tồn các công trình di tích, kiến trúc có giá trị lịch sử, kết hợp khai thác quỹ đất phát triển mới tạo lập diện mạo đô thị hai bên sông Hồng

Nguyễn Đăng

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.