Vắc-xin không thể và không nên là yếu tố duy nhất được xem xét để nới lỏng biện pháp chống dịch

Virus SARS-CoV-2 sẽ tiếp tục lây nhiễm trong một thời gian rất dài và sẽ không biến mất trong tương lai gần. Điều đó có nghĩa chúng ta phải tìm cách sống an toàn với nó. Ngoài việc tiếp tục tăng tỷ lệ bao phủ tiêm vắc-xin, Việt Nam cũng cần đảm bảo hạn chế sự lây lan của virus bằng các biện pháp đã được chứng minh có hiệu quả… TS. Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam chia sẻ.

Theo TS. Kidong Park, Việt Nam là một trong nhiều quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với sự gia tăng của các ca Covid-19. Điều này thể hiện qua số ca mắc và tử vong cao được ghi nhận hàng ngày. Đối với Việt Nam, đợt dịch thứ 4 là thách thức lớn nhất mà chúng ta phải trải qua từ trước đến nay trên cả nước, đặc biệt là tại TP Hồ Chí Minh.

Thách thức lớn nhất là biến thể Delta có khả năng lây nhiễm nhanh. Nó đã góp phần vào sự gia tăng theo cấp số nhân của các ca bệnh và đang khiến việc ngăn chặn sự lây lan của virus trở nên khó khăn, ở cả Việt Nam và nhiều quốc gia khác.

Sự gia tăng nhanh chóng về số ca bệnh này khiến hệ thống chăm sóc sức khỏe phải mở rộng quá mức và vượt quá khả năng được chuẩn bị để cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế thích hợp cho những người cần nó nhất.

Một trong những điểm khác biệt cơ bản giữa các quốc gia là tỷ lệ tiêm vắc-xin. Ở nhiều quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, tỷ lệ bao phủ vắc-xin Covid-19 vẫn còn rất thấp, ngay cả đối với liều đầu tiên. Hiện nay, sự gia tăng các ca bệnh và tử vong chủ yếu xảy ra ở những người không được tiêm vắc-xin ở tất cả các quốc gia.

Sự phát triển nhanh chóng của vắc-xin Covid-19 hiệu quả và an toàn là một trong những câu chuyện thành công trong đại dịch này. Vắc-xin đã được chứng minh là có thể bảo vệ con người khỏi bệnh nặng và tử vong. Tuy nhiên, theo TS. Kidong Park, vắc-xin không thể và không nên là yếu tố duy nhất được xem xét để nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch. Chúng tôi đã thấy ở nhiều quốc gia việc nới lỏng quá sớm các biện pháp giãn cách xã hội và y tế đang đặt những người chưa được tiêm vắc xin và những người bị suy giảm miễn dịch vào nguy cơ cực kỳ cao.

Virus SARS-CoV-2 sẽ tiếp tục lây nhiễm trong một thời gian rất dài và rõ ràng là Covid-19 sẽ không biến mất trong tương lai gần. Điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ phải tìm cách sống an toàn với nó.

Vắc-xin không thể và không nên là yếu tố duy nhất được xem xét để nới lỏng biện pháp chống dịch
TS. Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam (ảnh BYT)

“Ngoài việc tiếp tục tăng tỷ lệ bao phủ tiêm vắc-xin, Việt Nam cũng cần đảm bảo rằng chúng ta hạn chế sự lây lan của virus bằng các biện pháp đã được chứng minh là có hiệu quả như Thông điệp 5K và xây dựng năng lực cho hệ thống y tế để phát hiện ca bệnh, điều trị và giảm tử vong”, TS. Kidong Park nhấn mạnh.

Vì vậy, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho rằng, chúng ta phải linh hoạt trong việc áp đặt các biện pháp chống dịch để hạn chế những thiệt hại về kinh tế, xã hội và sức khỏe của đại dịch này. Và chúng ta phải hoàn toàn kiểm soát được virus chứ không phải virus kiểm soát chúng ta.

Việt Nam đang tích cực chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi của đất nước sang một trạng thái bình thường mới (sống chung với Covid-19). Bộ Y tế cũng đang phát triển hướng dẫn về các biện pháp hành chính và y tế tại các tỉnh, thành phố đang thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ. Hướng dẫn này dựa trên các tiêu chí về kiểm soát ổ dịch và mức độ nguy cơ theo hướng dẫn quốc gia hiện hành (Quyết định số 3989 của Bộ Y tế ngày 18-8 và Quyết định số 2686 của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 ngày 31-5), trong đó có một số tiêu chí về bao phủ vắc-xin.

TS. Kidong Park đánh giá, Chính phủ Việt Nam đã thường xuyên xem xét lại chiến lược ứng phó của mình và điều chỉnh các biện pháp khi cần thiết. Trong tình hình dịch diễn biến nhanh và các hướng dẫn được cập nhật thường xuyên, sẽ có những thách thức trong quá trình thực hiện tại các địa phương. Do đó, mặc dù việc liên tục xem xét và điều chỉnh hướng dẫn là rất tốt, nhưng điều quan trọng không kém là phải theo dõi cách thức triển khai hướng dẫn trên thực tế để đảm bảo kết quả tối ưu.

Trên toàn cầu và tại Việt Nam, có một điều rõ ràng là virus sẽ không biến mất trong thời gian gần và sẽ tiếp tục lây lan và gây nguy hiểm đến tính mạng con người. Nó cũng sẽ để lại những hậu quả về tài chính ngắn hạn và dài hạn. WHO khuyến khích Việt Nam xây dựng lộ trình để đạt được mục tiêu này.

WHO cho rằng Chính phủ Việt Nam có thể xem xét những nội dung gồm: Ưu tiên các các nhóm được tiêm chủng, đặc biệt là nhân viên y tế, người lớn tuổi, những người có bệnh nền tiêm vắc-xin càng nhanh càng tốt; Dành nhiều ưu tiên hơn cho việc tiêm vắc-xin cho các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt bùng phát dịch, với hệ thống y tế tương đối yếu và điều kiện cơ sở vật chất yếu kém; Tiếp tục thực hiện nghiêm túc các biện pháp 5K tại gia đình.

Kết luận cuộc họp sáng 23-9 của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Tình hình thay đổi thì nhiệm vụ thay đổi, tổ chức thực hiện, lãnh đạo, chỉ đạo phải thay đổi; cần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh trên cơ sở 6 nguyên tắc chính: Y tế là trụ cột, là trung tâm; Kinh tế là cơ sở, là nền tảng; Dữ liệu khoa học, công nghệ là then chốt; Ổn định chính trị-xã hội là trọng yếu và thường xuyên; Vắc-xin, thuốc chữa bệnh và ý thức người dân là điều kiện tiên quyết; An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn.

Qua thực tiễn chống dịch gần 2 năm qua, từ kinh nghiệm quốc tế và phân tích của các chuyên gia, những tuần qua, Ban Chỉ đạo Quốc gia đã chỉ đạo Tiểu ban Y tế xây dựng hướng dẫn để phòng chống dịch có hiệu quả và nhanh chóng khôi phục phát kinh tế xã hội, với tinh thần nâng cao tính tự quản và trách nhiệm của tổ chức và cá nhân. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tham gia ý kiến, Bộ Y tế tiếp thu các ý kiến, khẩn trương hoàn thiện hướng dẫn này.

Phong Châu

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.