Sinh viên đòi “solo” với giảng viên đã xin lỗi, mong muốn được học tiếp

Ngày 21-9, mạng xã hội lan truyền một đoạn video về một lớp học trực tuyến, sinh viên thách thức giảng viên "lên phòng đào tạo solo" khiến nhiều người bức xúc. Nhà trường cho biết, sinh viên này đã xin lỗi giảng viên và mong muốn được tiếp tục học tập.

Trong đoạn video, một sinh viên không thuộc bài, khi giảng viên yêu cầu trình bày lý do thì người này phản ứng và có nhiều lời lẽ không chuẩn mực dành cho giảng viên của mình.

Cụ thể, khi giáo viên hỏi: "Vì sao em không đi thi? Vì sao em không thuộc bài?" Nam sinh đáp lại bằng thái độ thách thức: "Hẳn là phải thi rồi. Sao bây giờ thầy lại bắt bẻ như thế"; "Hôm nay người ta vẫn đang tập luyện các kiểu, thầy lại bảo là không thuộc bài nọ kia".

Thậm chí, nam sinh còn hỏi thầy giáo là "Thầy có học kinh tế không? Có học marketing, học Đại học Harvard không? Thầy có làm được cái gì không?"...Đối diện với thái độ vô lễ của học trò, thầy giáo vẫn giữ bình tĩnh nói: "Em cứ nói xong đi rồi thầy nói".

Tuy vậy, nam sinh cũng vẫn không kiềm chế sự nóng nảy mà còn lấn tới, văng tục và còn đòi "solo" với thầy giáo. "Vớ va vớ vẩn. Thích thì lên phòng đào tạo solo (từ ngữ thường dùng trong game online, chỉ việc đánh nhau tay đôi)", nam sinh này nói.

Cuối video, nam sinh vẫn giữ thái độ thách thức và chủ động thoát ra khỏi lớp học, không quên buông thêm một câu: "Ok buổi học này hôm nay tao nghỉ".

Sau khi nam sinh tự ý bỏ học, thầy giáo hỏi các sinh viên khác trong lớp: "Như vậy các bạn đánh giá thầy sai hay thầy đúng?". Tập thể sinh viên khẳng định: "Bạn kia sai. Sai hoàn toàn".

Sau khi video này được lan truyền trên nhiều diễn đàn học sinh, sinh viên, cộng đồng mạng đều lên tiếng chỉ trích nam sinh đã ứng xử vô lễ với thầy giáo của mình, đồng thời, khen thái độ, cách ứng xử rất văn minh của giảng viên.

Được biết, lớp học online trong video là của trường Cao đẳng FPT Polytechnic. Lớp học này dạy môn võ vovinam - môn học được coi như môn giáo dục thể chất của trường Cao đẳng này.

Sau đó, nhà trường đã liên lạc với giảng viên, nam sinh và gia đình của em này. Sinh viên này đã thừa nhận hành động sai trái của mình và xin lỗi giảng viên. Gia đình nam sinh cũng đã gọi điện xin lỗi giảng viên và hy vọng nhà trường cho con mình cơ hội sửa sai, được tiếp tục học tập.

Giảng viên trong câu chuyện trên chia sẻ thầy hiểu các bạn trẻ có những giây phút bồng bột nên sẵn sàng tha thứ và đón nhận nam sinh trở lại lớp học.

Sinh viên đòi “solo” với giảng viên đã xin lỗi, mong muốn được học tiếp
Một lớp học online của giảng viên trong câu chuyện trên

Trước đó, tại trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, câu chuyện giảng viên có lời lẽ nặng nề, đuổi sinh viên khỏi lớp học online chỉ vì học trò nhờ thầy giảng lại bài khiến dư luận không khỏi bất bình. Giảng viên trong câu chuyện này sau đó đã cho sinh viên trở lại học, lên tiếng xin lỗi sinh viên nhưng những hành động của người này đã làm xấu đi hình ảnh của người thầy trong mắt học trò.

Dạy học online là tình thế bắt buộc trong điều kiện cả nước đang đối diện với dịch bệnh Covid-19. Phương thức học tập này kéo theo rất nhiều áp lực, khó khăn cho cả người giảng dạy lẫn các học trò. Đặc biệt là việc học sinh, sinh viên có thể lơ là, thiếu tập trung, thầy cô giáo khó nắm bắt được tình hình học tập của học trò hơn so với học trực tiếp. Rồi những tình huống đường truyền, máy móc bị trục trặc, những hình ảnh, âm thanh không phù hợp lọt vào lớp học,…

Sẽ không thể tránh khỏi những bức xúc trong khi dạy và học ở cả hai phía thầy - trò nhưng việc ứng xử phù hợp trong môi trường giáo dục, ở đây là trên không gian mạng là vô cùng cần thiết, góp phần xây dựng môi trường học tập lành mạnh, vui vẻ và hiệu quả cho cả thầy và trò.

Dù có bất đồng quan điểm, chưa hài lòng về cách dạy của thầy cô, cách học của trò thì cả hai phía nên có sự bình tĩnh để đưa ra cách giải quyết ổn thỏa trên tinh thần xây dựng, góp ý, thay vì buông những lời lẽ, hành động ứng xử thiếu chuẩn mực, ảnh hưởng tiêu cực đến lớp học, tình cảm thầy trò, hình ảnh thầy trong mắt trò và ngược lại, hình ảnh của nhà trường.

Trong các trường hợp tương tự, cách ứng xử của người thầy có vai trò quan trọng quyết định đến mức độ mâu thuẫn. Khi thầy cô tức giận vì học trò học chưa tốt hay thiếu lễ phép,… thì càng cần đến bản lĩnh sư phạm để đưa ra cách ứng xử khôn khéo nhất. Như vậy sinh viên thấy được cái sai của mình, sự bao dung của thầy cô, từ đó sửa sai, chăm chỉ học hành. Thầy cô cũng nên động viên thay vì tạo áp lực cho sinh viên để các em tự tin, hứng thú hơn trong các tiết học.

Còn sinh viên cũng nên nhận thức được việc học là tốt cho bản thân, hiểu những vất vả của thầy cô để có cách ứng xử phù hợp. Cho dù có bất đồng quan điểm thì học trò vẫn phải tôn trọng thầy cô mình, tránh có những hành động vô lễ, xúc phạm đến họ.

Theo chuyên gia tâm lý giáo dục PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) đây là giai đoạn chúng ta "tổng diễn tập" dạy học online, còn nhiều vấn đề phải xử lý. Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng như các trường có thể cho ra đời những bài giảng mẫu về thực hành chăm sóc sức khỏe tinh thần cho cả giáo viên và học sinh. Vấn đề này cần phải quan tâm ngay.

An Nhiên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.