Dịch vẫn có thể bùng phát nếu chủ quan, lơ là

Không ít người dân Thủ đô đã tỏ ra rất vui mừng, có tâm lý chủ quan, lơ là trước dịch Covid-19 khi TP Hà Nội đang từng bước thực hiện quá trình nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội.

Đường sá đông đúc trong ngày đầu “nới lỏng”

Theo ghi nhận của PV, sau khi 19 quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội được nới lỏng một số biện pháp giãn cách xã hội, đường phố bắt đầu đông đúc trở lại. Cùng với việc các cửa hàng được phép bán mang về, tại không ít nơi tình trạng người dân tập trung đông người xếp hàng tại các hàng ăn, quán uống.

Tại không ít sân chơi, công viên trên địa bàn các quận trung tâm Hà Nội, người dân đã bắt đầu tụ tập chuyện trò trên những chiếc ghế đá vỉa hè trong tình trạng không hề đeo khẩu trang, với suy nghĩ: "Tiêm vaccine rồi sợ gì".

Quanh khu vực quanh Hồ Tây nhiều người dân tập trung tập thể dục, hóng mát hay chụp ảnh, mặc dù vẫn còn biển cấm và được lực lượng chức năng nhắc nhở nhiều lần.

Sáng 21-9, sau khi Hà Nội điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TP theo nguyên tắc tại Chỉ thị số 15, đường phố Hà Nội đông đúc, ùn ứ xảy ra ở nhiều tuyến phố.

Các phương tiện nối đuôi nhau trên đường Trần Duy Hưng, sáng 21-9.
Các phương tiện nối đuôi nhau trên đường Trần Duy Hưng, sáng 21-9.

Mới 6g30', khu vực ngã tư Khuất Duy Tiến đã tấp nập phương tiện qua lại. Đường trên cao cũng bắt đầu nhộn nhịp từ đầu giờ sáng nay. Đường Trường Chinh theo hướng vào nội thành có mật độ phương tiện khá cao. Đường Nguyễn Chí Thanh cả 2 hướng đều đông đúc phương tiện. Các phương tiện nối đuôi nhau trên đường Trần Duy Hưng…

Đặc biệt, đêm 21-9, ghi nhận của PV tại một số tuyến phố xung quanh hồ Hoàn Kiếm và trung tâm Hà Nội rơi vào cảnh ùn ứ khi nhiều người đổ ra đường đi chơi Trung thu.

TP khuyến cáo người dân không ra đường khi không cần thiết, nhưng tình trạng tập trung đông người vẫn xảy ra ở các phố xung quanh hồ Hoàn Kiếm và các tuyến phố trung tâm Thủ đô như Hàng Ngang, Hàng Đào, Đinh Tiên Hoàng... Mặc dù hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại địa điểm công cộng... vẫn chưa được mở lại từ 21-9 tuy nhiên nhiều gia đình vẫn đưa theo con nhỏ đi chơi, thậm chí dừng xe giữa đường để mua đồ chơi Trung thu.

Chia sẻ với PV, chị Yến ( trú tại phố Hàng Khay) cho biết, thời gian qua, cả hệ thống chính trị mất bao lâu mới cơ bản kiểm soát dịch bệnh, từng bước nới lỏng giãn cách xã hội, giờ vì sự lơ là của một số người mà dịch có thể bùng phát, ảnh hưởng đến cuộc sống.

“Một bộ phận người dân quá chủ quan, lơ là phòng dịch như vậy là không thể chấp nhận được. Nhiều người cho rằng tiêm vaccine rồi là có thể yên tâm, nhưng tôi cho rằng, chính tâm lý chủ quan đó lại có nguy cơ làm lây lan dịch bệnh”, chị Yến lo lắng.

Dịch vẫn còn ở trong cộng đồng

TP Hà Nội đã đạt được nhiều thành công trong phòng, chống dịch với những biện pháp được áp dụng linh hoạt, kịp thời, với những quyết sách đúng và trúng. Nhưng, để tiếp tục giữ vững thành quả đạt được cho đến thời điểm này và tiến tới đẩy lùi dịch bệnh, sớm chuyển sang trạng thái bình thường thì đòi hỏi ý thức cao và sự đồng lòng giúp sức của người dân trong phòng, chống dịch.

Người dân đổ ra đường đi chơi Trung thu, đêm 21-9.(ảnh: Khánh Huy).
Người dân đổ ra đường đi chơi Trung thu, đêm 21-9.(ảnh: Khánh Huy).

Theo các chuyên gia y tế, người dân cần phải hiểu đúng về trạng thái bình thường mới. Theo đó, trong số những điểm đặc trưng của “bình thường mới”, thì tính an toàn phải được đặt lên hàng đầu. Đặc biệt là với hoạt động sản xuất kinh doanh, mục tiêu phải song hành là vừa hiệu quả vừa an toàn.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga nói, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), nới lỏng giãn cách là điều kiện cần thiết để chúng ta quay lại cuộc sống bình thường, trong trạng thái mới.

Trong trạng thái vừa chống dịch nhưng vừa lao động sản xuất thì mỗi cá nhân, tập thể đều phải làm tốt các biện pháp phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn. Trong đó, phải nghiêm túc thực hiện 5K. Nếu chúng ta không thực hiện tốt 5K cũng như các phương pháp bảo vệ cá nhân, trong phòng, chống dịch thì dịch có thể vẫn sẽ bùng phát, nhất là ở những nơi có mật độ dân tập trung cao, những nơi có người chưa được tiêm chủng, những nơi chúng ta đi lại đông, lao động sản xuất, cửa hàng, cửa hiệu, những nơi xếp hàng mua sắm... đều có thể bùng, phát dịch.

Cũng theo PGS. TS Nguyễn Huy Nga, sau ngày 21-9, khi Hà Nội nới thêm giãn cách sẽ có nhiều người quay lại Hà Nội để làm việc, học tập. Trong đó, rất nhiều người có thể chưa được tiêm vaccine phòng Covid-19.

“Chúng ta phải luôn nhớ dịch vẫn còn ở trong cộng đồng, có cơ hội thì nó sẽ bùng phát. Do vậy, tiêm vaccine, thực hiện tốt 5K ở thời điểm này vẫn là biện pháp quan trọng nhất để phòng, chống dịch Covid-19”, PGS. TS Nguyễn Huy Nga khuyến cáo.

Minh Phong

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.