Từ việc các thí sinh điểm thi “khủng” vẫn trượt Đại học:

Kỳ 1: Nguyên nhân cốt lõi khiến các thí sinh có điểm thi "chót vót" vẫn trượt Đại học?

Tổng điểm các môn thi gần như tuyệt đối nhưng nhiều thí sinh vẫn không thể bước vào cánh cửa trường Đại học (ĐH) vì điểm chuẩn còn vượt ngưỡng điểm "khủng" của mình.

Điểm tuyệt đối vẫn có thể trượt nếu không được cộng điểm ưu tiên

Năm 2021, nhiều ngành tại các trường ĐH top đầu trên cả nước tiếp tục có điểm đầu vào ở mức "chạm trần", nhiều ngành lấy trên 29, thậm chí là tuyệt đối 30/30 điểm, cá biệt có ngành trên 30 điểm.

Theo đó, dù đạt tới 10 điểm tuyệt đối mỗi môn của tổ hợp xét tuyển ĐH nhưng nhiều thí sinh vẫn trượt nguyện vọng một vào ngành học yêu thích nhất nếu không có điểm cộng ưu tiên.

Ngành Sư phạm Ngữ văn chất lượng cao của ĐH Hồng Đức hiện đang giữ mức điểm chuẩn khủng nhất là 30,5 điểm. Đây là mức điểm kỷ lục chưa từng có của hầu hết các trường ĐH. Với mức điểm chuẩn này, ngoài việc phải điểm thi rất cao, thí sinh còn phải có thêm điểm cộng ưu tiên mới có cơ hội trúng tuyển.

Bên cạnh ngành Ngữ văn chất lượng cao, ĐH Hồng Đức còn có các ngành khác điểm chuẩn cũng thuộc hàng cao ngất ngưởng như ngành Sư phạm Lịch sử chất lượng cao với 29,75 điểm; ngành Sư phạm Lịch sử 28,5 điểm; ngành Sư phạm Toán học chất lượng cao với 27,2 điểm.

Kỳ 1: Nguyên nhân cốt lõi khiến các thí sinh có điểm thi
Thí sinh trao đổi sau giờ thi. Ảnh: TL

Xếp thứ hai về điểm chuẩn hiện nay là ngành Xây dựng lực lượng Công an Nhân dân của Học viện Chính trị Công an Nhân dân với mức điểm chuẩn lên tới 30,34 điểm. Mức điểm này được áp dụng với thí sinh nữ phía Bắc xét tuyển bằng tổ hợp C00.

Điểm chuẩn ngành Nghiệp vụ An ninh của Học viện An ninh Nhân dân cũng ở mức rất cao với 29,99 điểm, áp dụng cho thí sinh nữ ở địa bàn 1 (10 tỉnh miền núi phía Bắc), dự thi khối A01; với thí sinh nữ ở địa bàn 2 (gồm các tỉnh, thành ở khu vực đồng bằng, trung du Bắc Bộ) là 29,84 điểm.

Nhiều trường như Học viện Cảnh sát nhân dân, Chính trị Công an nhân dân, ĐH An ninh nhân dân cũng có điểm chuẩn trên 29 điểm. Đơn cử như trường hợp 61 thí sinh đạt 29,5 điểm đăng ký vào Học viện Chính trị công an nhân dân nhưng không trúng tuyển do chỉ tiêu ít. Trong 61 em này có 60 em chỉ đăng ký duy nhất 1 nguyện vọng, chỉ có 1 em đăng ký 2 nguyện vọng; 59 em có NV1 vào các trường công an, quân đội và đều chỉ có 1 nguyện vọng, trong đó 57 em tốt nghiệp từ năm 2019 trở về trước (có lẽ thuộc đối tượng đã đi nghĩa vụ nay được cử đi thi).

Vị trí thứ ba về điểm chuẩn đang thuộc về ngành Hàn Quốc học ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội, với điểm chuẩn tròn 30 điểm năm nay.

Trường ĐH Ngoại thương năm nay, mức điểm thấp nhất vào trường là 28,05 của tổ hợp A00. Điểm trúng tuyển của các ngành tuyển sinh tại Cơ sở Quảng Ninh (ngành Kế toán, ngành Kinh doanh quốc tế) cho các tổ hợp A00, A01, D01, D07 đều là 24 điểm.

Được biết, trường ĐH Ngoại thương năm nay thực hiện tuyển sinh đại học chính quy theo 6 phương thức và phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT là 1 trong 6 phương thức này.

Học viện Báo chí và Tuyên truyền, năm nay điểm chuẩn được chia theo hai thang điểm 30 (điểm chuẩn từ 17,25 điểm - 28,6 điểm) và thang điểm 40 (điểm chuẩn từ 33,4 điểm - 38,07 điểm). Chuyên ngành Truyền thông đa phương tiện tổ hợp C15 (Toán, Văn, Khoa học xã hội) lấy 28,6 điểm tiếp đó là chuyên ngành Báo Truyền hình tổ hợp R16 (Ngữ văn, Điểm xét ngành báo chí, Khoa học xã hội) lấy 28 điểm trong thang điểm 30.

Theo thông báo của trường ĐH Kinh tế Quốc dân, năm nay điểm chuẩn thấp nhất là 26,9 điểm, tức là trung bình gần 9 điểm/môn. Những nhóm ngành lấy điểm cao nhất là Kinh doanh quốc tế với điểm số là 28,25; Ngành Kiểm toán: 28,1 điểm… tức là trung bình gần 9 điểm/ môn.

Chỉ tiêu ít, thí sinh chủ quan không chú tâm đến các phương thức tuyển sinh khác

Lý giải lý do điểm chuẩn ĐH năm nay cao, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, có một số nguyên nhân dẫn đến tăng điểm chuẩn. Thứ nhất, số thí sinh đăng ký dự thi thi tốt nghiệp THPT tăng 11% so với năm trước (từ từ 900 nghìn lên hơn 1 triệu). Số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng cũng tăng 24% so với 2020.

Thứ hai, xu hướng chọn ngành của thí sinh cũng thay đổi do tác động của nền kinh tế trong điều kiện dịch bệnh. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, những ngành có điểm chuẩn tăng từ 5 điểm trở lên như: Kỹ thuật, công nghệ với 70 mã ngành; tiếp đó là khoa học giáo dục, đào tạo giáo viên với 64 mã ngành. Sau đó là khối Kinh doanh & Quản lý; xã hội nhân văn. Thứ ba, một số điểm bài thi cao hơn năm ngoái, trong đó có môn tiếng Anh, kết quả cao hơn.

Về việc 61 thí sinh đạt 29,5 vẫn trượt Học viện Chính trị công an nhân dân, ngoài việc chỉ tiêu ít, theo Bộ giáo dục và Đào tạo, các trường công an, quân đội có cách tính điểm xét khá phức tạp (kết hợp cả điểm học bạ), cùng với nhiều tiêu chí, điều kiện khác nên việc phân tích dữ liệu và việc đỗ hay trượt ở đây không có nhiều ý nghĩa.

Lý giải nguyên nhân điểm chuẩn đối với tổ hợp C00 vào ngành Hàn Quốc học của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội tiêp tục giữ mức tối đa 30/30 điểm (năm trước cũng mức điểm chuẩn này), GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng nhà trường cho biết một số lý do chính khiến điểm chuẩn ngành hàn Quốc học cao như vậy là bởi chỉ tiêu tuyển sinh của ngành Hàn Quốc học rất thấp. Trong tổng số 50 chỉ tiêu thì đã có 15 thí sinh được xét tuyển thẳng theo chứng chỉ quốc tế, giải thưởng quốc gia… Như vậy chỉ còn 35 chỉ tiêu cho xét tuyển từ điểm thi THPT trong khi hồ sơ dự tuyển vào ngành rất nhiều.

Hơn nữa, điểm ưu tiên theo khu vực và đối tượng chính sách theo quy định của Nhà nước khiến điểm tổng (sau khi cộng điểm ưu tiên, tối đa lên đến 2,5 điểm đối với thí sinh người thiểu số ở KV1) của các em vượt qua ngưỡng 30/30. Trong thực tế, không có thí sinh nào đạt điểm thi tối đa 30/30 mà do được cộng điểm ưu tiên nên mới đạt hoặc vượt ngưỡng 30/30.

Chia sẻ về vấn đề thí sinh được điểm cao vẫn trượt ĐH, TS Lê Thị Thanh Mai - Trưởng ban Ban Công tác Sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết năm nay, các trường đại học đều đưa ra nhiều phương thức xét tuyển nên hẳn nhiên chỉ tiêu dành lại cho xét tuyển THPT sẽ eo hẹp hơn. Tất nhiên là về nguyên tắc vẫn tuân theo tỉ lệ.

“Trong các buổi tư vấn tuyển sinh, tôi cũng đã nói rất nhiều về vấn đề này. Rất nhiều thí sinh bỏ qua những nguyện vọng xét tuyển bằng học bạ hay những phương thức khác, chỉ đợi chờ xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT”, TS Lê Thị Thanh Mai chia sẻ.

Theo TS Lê Thị Thanh Mai, nhiều em học sinh chỉ quan tâm đến điểm thi của mình, vui mừng khi điểm đạt điểm cao mà quên mất việc so sánh với mặt chung năm nay, dẫn đến tình trạng chỉ đăng kí vào những trường mà các em yêu thích. Bởi vậy mới có những trường hợp đáng tiếc xảy ra khi 25, 26 điểm vẫn trượt nguyện vọng 1. Trong khi đó, các em có rất nhiều cơ hội trúng tuyển vào các trường đại học khác.

PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết có nhiều lý do dẫn tới điểm chuẩn của các trường năm ngoái đã cao, năm nay càng cao hơn như mức độ đề thi chưa có tính phân hóa cao; thí sinh tăng nguyện vọng vào các trường top, ngành hot; các trường cũng bắt đầu tăng chỉ tiêu tuyển sinh riêng, xét tuyển kết hợp khiến tỷ lệ chỉ tiêu cho việc xét điểm thi tốt nghiệp THPT giảm, từ đó khiến điểm chuẩn tăng cao.

(Còn nữa...)

An Nhiên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.