“Vùng xanh” nỗ lực thực hiện "mục tiêu kép”:

Kỳ cuối: Đảm bảo chuỗi cung ứng cho thành phố

Thực hiện Chỉ thị 20 về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn của Chủ tịch UBND TP, nhiều địa phương thuộc “phân vùng 3” đã có kế hoạch, hướng dẫn, đồng hành với người dân, doanh nghiệp tổ chức sản xuất trở lại để khôi phục kinh tế, tăng chuỗi cung ứng cho các “vùng đỏ” chống dịch và cung ứng trên toàn TP.

Tập trung thu hoạch vụ mùa

Nằm trong “phân vùng 3” theo Chỉ thị 20 của Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cùng với nhiều địa phương, huyện Phúc Thọ, Mỹ Đức và Thanh Oai đã thiết lập trạng thái sản xuất mới, đảm bảo chuỗi cung ứng liên phân vùng để không đứt gãy sản xuất và tiêu thụ nông sản trên toàn TP.

Tính đến thời điểm này, một số huyện, thị xã trên địa bàn TP Hà Nội đang bước vào vụ thu hoạch lúa mùa. Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, vụ mùa 2021, toàn TP có 76.833ha lúa, sản lượng thu hoạch ước đạt 436.720 tấn thóc.

Để đảm bảo công tác phòng chống dịch hiệu quả và tránh tác động của mưa bão, Hà Nội triển khai thu hoạch lúa mùa từ ngày 1-9 đến khoảng 10-11, trong đó thời gian thu hoạch rộ từ ngày 15-9 đến 15-10.

Tại huyện Phúc Thọ, việc thu hoạch lúa mùa đang được nông dân tích cực triển khai. Ông Nguyễn Đình Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ cho biết, vụ mùa năm 2021, tổng diện tích trồng lúa trên địa bàn huyện đạt 2601,7ha, ước đạt 62 tạ/ha, sản lượng đạt 16.000 tấn. Thời gian thu hoạch vụ lúa mùa của huyện chia làm 3 đợt, từ 6-9 đến 2-10-2021. “VUBND huyện yêuu cầu nông dân trên địa bàn các xã tiến hành thu hoạch vụ mùa nhưng phải đảm bảo nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19”, ông Sơn nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Đình Sơn, hiện tại, trên địa bàn huyện Phúc Thọ có 59 máy gặt đập liên hợp, tốc độ thu hoạch từ 0,3-0,7 ha/giờ. Để đảm bảo việc thu hoạch lúa cho bà con nhân dân kịp thời vụ, UBND huyện yêu cầu UBND các xã, thị trấn chỉ đạo HTX nông nghiệp tổ chức các khâu dịch vụ, điều tiết máy gặt cho các nhóm hộ và cho từng xứ đồng. Trường hợp khó khăn liên hệ phòng Kinh tế huyện giúp điều phối.

Chỉ đạo nhân dân đăng ký ngày gặt và phát phiếu thu hoạch cho các hộ dân đi thu hoạch số lượng chỉ dưới 10 người trên thửa ruộng, đảm bảo khoảng cách 2m và thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Cũng theo ông Nguyễn Đình Sơn, huyện Phúc Thọ khuyến khích các xã bố trí mỗi xứ đồng một chốt kiểm tra y tế. Tăng cường các lực lượng dân quân tự vệ, thanh niên, nông dân, phụ nữ giám sát, hỗ trợ nhân dân thu hoạch trong trường hợp cần thiết.

Người dân Thanh Oai thu hoạch vụ mùa.
Người dân Thanh Oai thu hoạch vụ mùa.

Theo chia sẻ của Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Lê Văn Trang, tổng diện tích gieo trồng lúa toàn huyện đạt 7.100 ha . Năm nay, năng suất ước quân đạt 65 tạ/ha. Thời điểm hiện tại, các hợp tác xã trên địa bàn đã ký xong hợp đồng máy gặt đập liên hợp với gần 80 máy công suất lớn, do đó có thể chủ động được việc thu hoạch.

“Chúng tôi đặt mục tiêu cao nhất là khôi phục sản xuất kinh doanh, đảm bảo cung ứng đủ lương thực, thực phẩm cho nhân dân trên địa bàn huyện và các vùng lân cận”, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Lê Văn Trang nhấn mạnh.

Thanh Oai cũng là một huyện thuần nông của Hà Nội, đến thời điểm này, để đảm bảo việc thu hoạch lúa mùa kịp thời vụ trong điều kiện giãn cách xã hội, UBND huyện Thanh Oai đã chỉ đạo các ngành, UBND các xã, thị trấn giao cho đầu mối là Hợp tác xã, Hội Nông dân, cán bộ thôn... liên hệ với tổ, đội, cá nhân có máy thu hoạch tại xã, thị trấn trên địa bàn huyện để phối hợp liên kết để thu họach lúa mùa cả về đơn giá, thời gian phục vụ. Huy động mọi phương tiện, lực lượng hỗ trợ nhân dân vận chuyển, thu hoạch lúa mùa.

Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho biết, tổng diện tích cây lúa mùa của huyện là 6484ha, ước đạt 58 tạ/ha, sản lượng đạt 37.600 tấn, thời gian thu hoạch từ 10-9 đến 1-10-2021.

Hiện tại, trên địa bàn huyện có 70 máy gặt đập liên hợp, tốc độ thu hoạch từ 0,3 – 0,7ha/giờ. Để đảm bảo phòng, chống dịch, UBND huyện yêu cầu UBND các xã, thị trấn hướng dẫn nhân dân đăng ký ngày gặt và phát phiếu thu hoạch cho các hộ dân đi thu hoạch số lượng chỉ dưới 10 người trên thửa ruộng, đảm bảo khoảng cách 2m và thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch Covid-19.

“Vụ lúa mùa năm nay, toàn huyện đảm bảo thu hoạch được mùa, càng có ý nghĩa quan trọng, góp phần tiếp thêm nguồn lực để người dân an tâm phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn”, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai nhấn mạnh.

Mở rộng vùng xanh trên đồng ruộng

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, vụ đông 2021, Hà Nội sản xuất trên diện tích gần 30.000ha. Trong đó, rau các loại 13.948,4ha; ngô 6.400ha; đậu tương 1.974,3ha; khoai lang, khoai tây, lạc, đỗ các loại hơn 2.300ha; còn lại là cây trồng khác. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các địa phương thuộc vùng xanh của Hà Nội đã tiến hành triển khai vụ đông sớm, nhằm thúc đẩy sản xuất để giữ vững an ninh lương thực, đáp ứng tốt nhu cầu lương thực thời điểm cuối năm, tạo việc làm và tăng thu nhập cho nông dân.

Trên thửa ruộng 1 sào 2 của gia đình tại cánh đồng Mầu (thông Song Khê, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai), vợ chồng bà Tào Thị Na đang thu hoạch nốt những khóm lúa cuối cùng. Chia sẻ với PV, bà Na cho biết, sau khi thu hoạch vụ mùa, gia đình bà sẽ thuê máy làm đất để gieo trồng cây vụ đông trên thửa ruộng trên. “Năm nay, trên thửa ruộng này, tôi sẽ trồng nhiều loại rau củ khác nhau, như khoai tây, xu hào, rau xà lách, bắp cải, bí ngô…”, bà Na cho hay.

Theo số liệu của UBND huyện Thanh Oai, vụ đông năm 2021, huyện Thanh Oai phấn đấu mở rộng tối đa diện tích: 1518 ha, tập trung vào các loại cây màu ngắn ngày, cây ăn lá, củ quả.

Ông Dương Bá Mẫn, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai chia sẻ, UBND huyện định hướng nhân dân tập trung thu hoạch lúa vụ mùa, gặt đến đâu thì trồng ngay cây vụ đông đến đó, áp dụng biện pháp không làm đất, làm đất tối thiểu, trồng gối với giống cây ưa ẩm như ngô, khoaô lang để đảm bảo khung thời vụ thích hợp chi từng cây trồng, chủ động ưu tiên gieo trồng cây ưu ẩm, cây vụ đông sớm…

Ông Dương Bá Mẫn cho biết, UBND huyện dự kiến hỗ trợ vụ đông 202: Với diện tích trồng Ngô sinh khối với diện tích trên 5ha sẽ hỗ trợ 50% giá giống, thuốc bảo vệ thực vật. Hỗ trợ 50% giá giống khoai tây cho các vùng có diện tích trồng từ 5ha trở lên (khoảng 90 ha). Hỗ trợ 50% hạt giống rau vụ đông 2021 cho các vùng trồng từ 1ha trở lên.

Kỳ cuối: Đảm bảo chuỗi cung ứng cho thành phố

Nông dân thôn Phú An, xã Thanh Đa, Phúc Thọ chăm sóc rau.

Thực hiện chỉ đạo của TP về thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa đẩy mạnh phát triển sản xuất; với quyết tâm đảm bảo an ninh lương thực, không để đất bị bỏ hoang, tăng sản lượng cây trồng, vật nuôi trên đơn vị diện tích canh tác, UBND huyện Phúc Thọ xây dựng Kế hoạch triển khai sản xuất vụ Đông 2021-2022 trên địa bàn huyện.

Theo đó, UBND huyện Phúc Thọ yêu cầu sản xuất, gieo trồng đúng khung thời vụ; khuyến cáo rải vụ thu hoạch để phục vụ tiêu thụ trong và ngoài địa bàn huyện; theo dõi diễn biến thời tiết, tình hình dịch bệnh để kịp thời xây dựng và đề xuất các phương án ứng phó; xây dựng Kế hoạch sản xuất gắn với thực hiện các nhiệm vụ và công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Thực hiện đúng các biện pháp kỹ thuật trong chăm sóc, làm tốt công tác dự tính, dự báo, kiểm tra đồng ruộng. Đẩy nhanh tiến độ sản xuất cây vụ đông, đảm bảo diện tích gieo trồng, chủ lực là cây rau, đậu tương, cây ngô ngắn ngày; tăng diện tích các cây trồng như rau màu, khoai tây, ngô, đậu tương… có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao.

Vụ đông 2021, huyện Phúc Thọ dự kiến diện tích gieo trồng: 1.885,4 ha, gồm: Ngô 406 ha, phấn đấu năng suất: 54 tạ/ha. Khoai lang 5,5 ha, phấn đấu năng suất: 120 tạ/ha. Đậu tương 396 ha, phấn đấu năng suất: 19 tạ/ha. Lạc 3 ha, phấn đấu năng suất: 19 tạ/ha. Rau các loại 774 ha, phấn đấu năng suất: 220 tạ/ha. Hoa, cây cảnh 194 ha. Khoai tây và các cây trồng khác 137 ha. Cây ăn quả 15 ha. Mở rộng diện tích trồng rau trái vụ, giáp vụ vào sản xuất khoảng 8,5 ha.

Đẩy mạnh tái đàn gia súc, gia cầm

Ngoài lúa gạo, rau, củ, quả là nông sản chủ lực của hầu hết các địa phương thuộc “phân vùng xanh”, thì sản phẩm từ chăn nuôi cũng là nguồn cung cấp dồi dào cho Hà Nội trong những ngày chống dịch.

Được đánh dấu là “vùng xanh” trên bản đồ Covid-19 của Hà Nội, nhiều địa phương đã tăng cường sản xuất, tái đàn gia súc, gia cầm, nhằm cung cấp đủ thực phẩm chăn nuôi cho TP.

Huyện Thanh Oai được TP Hà Nội quy hoạch là vành đai xanh, có tiềm năng dồi dào về nông sản và chăn nuôi với 8.000 ha đất nông nghiệp, trong đó, nuôi trồng thủy sản 554ha, trang tại tổng hợp 116ha, chăn nuôi tập trung 53ha. Hiện nay, Thanh Oai còn có đàn trâu bò gần 5448 con, lợn trên 39.000 con, gia cầm 1,445 triệu con, trong đó 50% là đẻ trứng.

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai Dương Bá Mẫn, hiện nay, toàn huyện cung cấp sản phẩm chủ đạo là trứng gia cầm khoảng 500.000 quả/ngày, tiêu thụ tại huyện được 1/5, còn 4/5 tiêu thụ ngoài huyện (khoảng 400.000 quả/ngày). Như vậy, sản lượng từ chăn nuôi vẫn đang dồi dào để đáp ứng nhu cầu tới người dân trên địa bàn huyện và các vùng khác trong Thành phố trong thời gian thực hiện Chỉ thị 20.

“Hiện nay, tình hình chăn nuôi trên địa bàn huyện ổn định. Huyện Thanh Oai phấn đấu đẩy mạnh tái đàn nhưng phải đảm bảo phòng, chống dịch. Huyện phấn đấu đến cuối năm 2021, đàn trâu đạt tổng đàn 6000 con; đạt 42000 con lợn; gia cầm đạt 1.480.000 con…”, ông Mẫn chia sẻ.

Theo báo cáo, thời gian tới, huyện Phúc Thọ phấn đấu tổng đàn trâu bò đạt 8.000 con; tổng đàn lợn đạt 85.000 con; tổng đàn gia cầm đạt 1.600.000 con; năng suất thủy sản đạt 9 tấn/ha.

Kỳ cuối: Đảm bảo chuỗi cung ứng cho thành phố

Các hộ chăn nuôi huyện Mỹ Đức đẩy mạnh tái đàn gia súc, gia cầm để kịp thời cung cấp thực phẩm thiết yếu cho TP.

Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Doãn Trung Tuấn cho biết, để đạt mục tiêu đó, UBND huyện Phúc Thọ đã tăng cường công tác quản lý thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y; làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, trong đó chú trọng công tác kiểm tra giám sát, phát hiện và xử lý triệt để ổ dịch không để phát sinh lây lan ra diện rộng.

Hỗ trợ hóa chất khử trùng, chế phẩm vi sinh xử lý môi trường ao nuôi để phòng, chống dịch bệnh cho diện tích nuôi thuỷ sản trên địa bàn huyện. Hỗ trợ chế phẩm vi sinh giảm ô nhiễm môi trường, phòng chống dịch bệnh, tăng năng xuất chất lượng sản phẩm trong chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Tổ chức giám sát chặt chẽ dịch bệnh tại nơi chăn nuôi, buôn bán, giết mổ, trung chuyển gia súc, gia cầm. Tiếp tục tổ chức tập huấn nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho hệ thống thú y cơ sở và các đối tượng liên quan về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và thủy sản.

Ngày 3-9-2021, Chủ tịch UBND TP đã ban hành Chỉ thị 20 về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP Hà Nội. Nhiều địa phương thuộc “vùng xanh” đã chủ động có kế hoạch, hướng dẫn, đồng hành với người dân, doanh nghiệp tổ chức sản xuất trở lại để khôi phục kinh tế, tăng chuỗi cung ứng cho các “vùng đỏ” chống dịch và cung ứng trên toàn TP, góp phần cùng TP chiến đấu và sớm chiến thắng dịch bệnh Covid-19.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, vụ đông 2021, Hà Nội sản xuất trên diện tích gần 30.000ha. Trong đó, rau các loại 13.948,4ha; ngô 6.400ha; đậu tương 1.974,3ha; khoai lang, khoai tây, lạc, đỗ các loại hơn 2.300ha; còn lại là cây trồng khác. Đến nay, đã có nhiều địa phương triển khai sản xuất vụ đông sớm với diện tích đạt gần 300ha... Nếu cần tăng nguồn cung nông sản thì Hà Nội tập trung mở rộng diện tích sản xuất rau ngắn ngày, rau trái vụ... với khoảng 2.000ha.
Kỳ 3: Nhanh chóng nối lại chuỗi sản xuất Kỳ 3: Nhanh chóng nối lại chuỗi sản xuất

Khánh Phong

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.