Xây dựng “vùng xanh doanh nghiệp” để khôi phục sản xuất

Nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu kép, các cấp Công đoàn cùng chính quyền, doanh nghiệp, người lao động trên địa bàn TP Hà Nội đang tích cực triển khai xây dựng và bảo vệ “vùng xanh doanh nghiệp”, đồng thời đưa ra nhiều giải pháp khôi phục sản xuất. Tính đến thời điểm này, Hà Nội đã có 615 điểm "vùng xanh doanh nghiệp".

Hiệu quả của vùng xanh doanh nghiệp

Đại diện Liên đoàn Lao động quận Nam Từ Liêm cho biết: Trong thời gian qua, Liên đoàn Lao động quận đã khẩn trương triển khai nhiều văn bản, hướng dẫn các Công đoàn cơ sở phối hợp với lãnh đạo đơn vị, doanh nghiệp tăng cường thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống dịch tại cơ quan, đơn vị, DN trên địa bàn.

Đồng thời, hướng dẫn các Tổ an toàn Covid-19 chuyển trọng tâm hoạt động sang công tác chăm lo, hỗ trợ, phối hợp triển khai xây dựng mô hình "vùng xanh doanh nghiệp" để quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ kép, vừa chống dịch tốt, vừa sản xuất kinh doanh an toàn.

Điển hình như tại Cty cổ phần Thú y Xanh Việt Nam sau khi đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sản xuất an toàn, Cty đã phối hợp với công đoàn xây dựng nhiều giải pháp để thực hiện nhiệm vụ kép. Cụ thể như thực hiện phương án 3 tại chỗ, bố trí phòng cách ly y tế tạm thời, lắp camera giám sát, tổ chức phân khu làm việc theo đơn vị. Đặc biệt, Cty tiến hành test nhanh Covid-19 định kỳ cho cho người lao động làm nhiệm vụ có nguy cơ lây nhiễm cao, đăng ký và tiêm vaccine cho 100% cán bộ nhân viên.

Xây dựng “vùng xanh doanh nghiệp” để khôi phục sản xuất

Với mô hình “vùng xanh doanh nghiệp”, các DN có thể tiếp tục duy trì sản xuất, đảm bảo thu nhập cho người lao động.

Hay trên địa bàn quận Hoàng Mai, vùng được xác định có nguy cơ rất cao về dịch, song hơn 700 công nhân tại Công ty TNHH ABB Power Grids Việt Nam vẫn duy trì sản xuất không nghỉ ngày nào trong suốt thời gian giãn cách.

Ông Chandan Singh, Tổng GĐ Cty TNHH ABB Power Grids Việt Nam cho biết, Cty đã nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời từ chính quyền địa phương, từ tổ chức Công đoàn thông qua sự hướng dẫn cụ thể về các biện pháp phòng, chống dịch cũng như thực hiện mô hình “vùng xanh doanh nghiệp”. Gần đây nhất, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện để 294/500 cán bộ công nhân viên trong đối tượng cần thiết được cấp giấy đi đường có mã QR - với ông Chandan Singh, đây là sự hỗ trợ rất kịp thời, hiệu quả từ chính quyền đối với Cty.

Với mô hình này hiện có 60 người được làm việc "3 tại chỗ"; 100% người lao động được xét nghiệm hàng tuần; 95% người lao động được tiêm vaccine mũi 1 và 5% được tiêm vaccine mũi 2. Nhờ vậy, hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục được duy trì mặc dù đang ở trong "vùng đỏ".

Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Hoàng Mai Bùi Thị Ngọc Thủy cho biết, điều ý nghĩa nhất của mô hình "vùng xanh doanh nghiệp" là doanh nghiệp cam kết test Covid-19 cho người lao động hằng tuần. Đây chính là để bảo vệ người lao động đồng thời cũng bảo vệ sản xuất. Từ mô hình tại đây, Liên đoàn Lao động quận đã nhân rộng được "vùng xanh doanh nghiệp" ở 9 doanh nghiệp.

Các giải pháp khôi phục sản xuất

Nhiều doanh nghiệp tại Hà Nội đang đưa ra các giải pháp và chuẩn bị lao động để sẵn sàng để sản xuất, phục hồi và phát triển trong những tháng cuối năm.

Mặc dù doanh thu 6 tháng đầu năm bị sụt giảm mạnh, nhưng Cty TNHH Điện Stanley Việt Nam đã đưa ra nhiều biện pháp để giữ chân người lao động như tăng phụ cấp cho nhiều nhân sự có năng lực và kinh nghiệm, áp dụng phương pháp "3 tại chỗ”, đề xuất công nhân đã được tiêm 2 mũi vaccine thì có thể được lưu thông qua các địa bàn khác nhau mà không bị cách ly y tế để duy trì sản xuất.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ đầu tư thêm thiết bị hiện đại, tự động hóa sản xuất, kỳ vọng để phục hồi và phát triển từ nay đến cuối năm.

Tại Tổng Cty CP May 10, nhằm ổn định sản xuất, Cty vẫn áp dụng triệt để theo các kịch bản về công tác phòng, chống dịch tại nơi làm việc và xử lý tình huống trong tình trạng khẩn cấp, thường xuyên đánh giá nguy cơ lây nhiễm tại đơn vị.

Ngoài ra, Cty còn áp dụng linh hoạt về thời gian giãn ca, thay ca luân phiên giữa các nhóm người lao động trong điều kiện kiểm soát dịch bệnh trong DN. Đặc biệt, phối hợp với các cấp chính quyền để tiêm vaccine cho lực lượng lao động.

Đa số các DN cũng đưa ra nhiều phương án phát triển để không rơi vào thế bị động, chuẩn bị sẵn tâm thế để có thể bắt nhịp ngay sau khi hết giãn cách. Đồng thời, cần có những biện pháp linh hoạt hơn, mạnh dạn hơn để khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo "mục tiêu kép" đã đề ra.

Nguyễn Đăng

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.