Dịch bệnh trở thành gánh nặng đối với người vay mua nhà

Rất nhiều người vay tiền ngân hàng mua nhà đang lâm vào tình cảnh khó khăn do dịch Covid -19, không có thu nhập hoặc thu nhập giảm khiến họ có nguy cơ mất khả năng trả tiền gốc, lãi hàng tháng cho khoản vay mua nhà trước đó.

Khó trả vợ vay

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, làn sóng dịch Covid -19 bùng phát trở lại từ đầu tháng 5 đã ảnh hưởng đến đà khôi phục việc làm và cải thiện thu nhập của người lao động trong quý 2 - 2021. Theo đó, quý 2 cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh, bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…Điều này đã gián tiếp khiến khách hàng vay tiền mua nhà có nguy cơ khó trả nợ vay.

Trước thực trạng đó, nhiều khách hàng cá nhân gửi đơn xin được ngân hàng cơ cấu nợ, giảm lãi vay hiện hữu. Như gia đình anh Chung đang phải trả cả lãi và gốc khoảng 13 triệu đồng mỗi tháng. Đây là khoản vay 1 tỉ đồng kỳ hạn 20 năm để mua căn hộ trên tại quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội cách đây 3 năm.

Trước khi xẩy ra dịch bệnh, thu nhập của 2 vợ chồng vẫn đủ sức trả khoản tiền này. Nhưng rồi dịch bệnh cứ kéo dài, đặc biệt là giai đoạn giãn cách xã hội từ tháng 5 đến nay, khoản tiền 13 triệu phải trả cả gốc lẫn lãi đã trở thành gánh gặng vì thu nhập của 2 vợ chồng anh đã giảm 50% so với thời điểm trước dịch, ảnh hưởng đến khả năng chi tiêu cũng như trả nợ của gia đình.

Dịch bệnh trở thành gánh nặng đối với người vay mua nhà

Nhiều gia đình, khoản trả nợ tiền mua nhà chiếm 1/3, thậm chí tới 1/2 tổng thu nhập hàng tháng.

Tương tự, ông Nguyễn Trọng Việt (quận Hà Đông) có vay một ngân hàng số tiền 500 triệu đồng để mua một căn chung cư tại quận Hà Đông. Do tình hình dịch Covid -19 kéo dài gây ảnh hưởng đến công việc khiến gia đình ông gặp khó khăn trong việc thanh toán nợ hàng tháng. “Tôi đã liên hệ với nhân nhân viên ngân hàng để xin được cơ cấu nợ, giảm lãi vay thì phía chi nhánh ngân hàng cho biết đang xử lý rất nhiều đơn xin cơ cấu nợ tương tự, hiện đang xin chỉ đạo của hội sở để có quyết định cụ thể”. Ông Việt chia sẻ.

Thực tế không chỉ khách hàng, mà nhân viên ngân hàng cũng khó xử khi giải quyết đề xuất, giải đáp thắc mắc cho khách hàng trong mùa dịch. Như trường hợp của chị Thu Hiền - chuyên viên quan hệ khách hàng tại một ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn Hà Nội tâm sự, có những trường hợp, ngân hàng đồng ý giảm 0,5% lãi suất cho vay nhưng sau đó khách hàng không đồng ý và đề nghị ngân hàng vừa giảm lãi suất cho vay vừa cơ cấu lại thời hạn trả nợ, nếu chỉ giảm lãi suất, mức lãi suất phải giảm 2%-3% mới hài lòng.

Ngân hàng sẽ giảm lãi suất

Thực tế thời gian qua, nhiều ngân hàng thương mại đã triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất, miễn giảm lãi vay và cơ cấu nợ cho khách hàng DN và cá nhân, trong đó có người mua nhà.

Tuy nhiên, phần lớn ngân hàng ưu tiên hỗ trợ khách hàng DN gặp khó khăn do dịch Covid-19 theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ để sớm khôi phục sản xuất - kinh doanh. Các ngân hàng cũng giảm lãi suất tùy từng điều kiện tài chính, nguồn lực của mình chứ không giảm đồng loạt cho toàn bộ khách hàng.

Với Thông tư 14 quy định về việc cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng dịch Covid -19 vừa được Ngân hàng Nhà nước ban hành, đại diện các ngân hàng cho biết, một số trường hợp người mua nhà sẽ được giảm lãi suất. Tùy từng trường hợp, mức giảm sẽ từ 1% -1,5% so với mức lãi suất đang áp dụng. Tuy nhiên, khách hàng phải đáp ứng một số điều kiện nhất định.

Mức giảm lãi suất cho người vay mua nhà còn phụ thuộc vào việc đánh giá của ngân hàng. Đó là các trường hợp khách hàng không có khả năng trả nợ đầy đủ, đúng hạn theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch bệnh.

Theo một số chuyên gia ngân hàng, tùy theo tiềm lực, mỗi ngân hàng nên chủ động thu xếp nguồn vốn để giảm lãi suất cho vay. Còn với những ngân hàng có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn trên 30-50%, nên xem xét giảm lãi suất khoảng 1,5-2%/năm cho tất cả các khách hàng, kể cả khách hàng cá nhân lẫn DN. Khi giảm lãi suất cho vay, lợi nhuận của ngân hàng sẽ giảm, nhưng đây là lúc ngân hàng thể hiện sự đóng góp của mình với nền kinh tế và khách hàng

Đăng Quý

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.