Xây dựng “vùng xanh”, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng

Kỳ 1: Vùng xanh nông nghiệp an toàn

Nhằm thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 3-9-2021 của Chủ tịch UBND Thành phố về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP Hà Nội, một số địa phương thuộc “vùng xanh” đã có kế hoạch, hướng dẫn, đồng hành với DN, người lao động, hợp tác xã, nông dân tổ chức sản xuất, gieo trồng trở lại để khôi phục kinh tế, duy trì chuỗi cung ứng, tạo việc làm, thu nhập cho người dân.

Sự chủ động trong các phương án

Tại huyện Chương Mỹ, thực hiện phương án của UBND TP về phân vùng phòng, chống dịch bệnh, UBND huyện Chương Mỹ đã xây dựng kế hoạch triển khai tổ chức thực hiện tại "vùng xanh". Cụ thể, trong sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ nông sản, huyện Chương Mỹ đã tăng cường chỉ đạo sản xuất nông nghiệp; thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, phòng chống thiên tai đảm bảo sản xuất. Xây dựng kế hoạch thu hoạch lúa và cây rau màu vụ mùa 2021, triển khai kế hoạch gieo trồng cây vụ đông 2021-2022, đặc biệt là cây vụ đông sớm. Tăng cường mở rộng diện tích cây vụ đông đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm cho người dân trên địa bàn huyện, cùng với các địa phương khác góp phần đảm bảo nhu cầu lương thực, thực phẩm cho khu vực nội đô.

Huyện cũng sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ nông dân thu hoạch nông sản, kết nối tiêu thụ. Rà soát, tổng hợp danh sách phương tiện, người điều khiển phương tiện vận tải thuộc chuỗi cung ứng hàng hoá gửi CA TP để được cấp mã, phù hiệu hoặc thẻ nhận diện ra - vào TP và vùng 1, 2, 3 theo quy định.

Trong thời điểm thực hiện phòng chống dịch Covid-19, các chuỗi sản xuất khép kín của Hà Nội cũng phát huy tác dụng, giúp người nông dân sản xuất an toàn, hiệu quả và không làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng
Trong thời điểm thực hiện phòng chống dịch Covid-19, các chuỗi sản xuất khép kín của Hà Nội cũng phát huy tác dụng, giúp người nông dân sản xuất an toàn, hiệu quả và không làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng

Tại huyện Thạch Thất từ 6g ngày 6-9 đến 6g ngày 21-9, huyện Thạch Thất triển khai 3 vùng. Vùng nguy cơ cao là “vùng cam” gồm xã Phùng Xá, áp dụng Chỉ thị 15 và một số biện pháp mức cao hơn để từng bước duy trì sản xuất an toàn. Vùng nguy cơ là “vùng vàng” gồm Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai, toàn bộ địa giới hành chính xã Hữu Bằng và một phần địa giới xã Bình Phú (thôn Phú Ổ), áp dụng Chỉ thị 15 và một số biện pháp mức cao hơn để đẩy mạnh và duy trì sản xuất an toàn.

Vùng an toàn là “vùng xanh” gồm toàn bộ địa giới hành chính 5 xã Bình Phú, Bình Yên, Tân Xã, Hạ Bằng, Thạch Hòa và 16 xã thị trấn Thạch Xá, Chàng Sơn, Cần Kiệm, Dị Nậu, Hương Ngải, Liên Quan, Phú Kim, Lại Thượng, Đại Đồng, Cẩm Yên, Kim Quan, Đồng Trúc, Yên Bình, Yên Trung, Tiến Xuân; áp dụng theo Chỉ thị 15 và một số biện pháp ở mức cao hơn theo nguyên tắc mỗi xã, thị trấn, thôn, tổ dân phố, khu sản xuất là một pháo đài chống dịch, kết hợp tuân thủ 5K và cách ly khu dân cư có dịch.

Các chuỗi sản xuất khép kín phát huy tác dụng

Ông Tạ Văn Tường - PGĐ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội cho biết, ngành nông nghiệp Hà Nội và các địa phương đã hướng dẫn người dân xây dựng “vùng xanh”, bảo đảm hoạt động sản xuất.

Cụ thể, mỗi gia đình hằng ngày chỉ để một người ra đồng làm việc; công nhân ở lại các trang trại chăn nuôi vừa làm việc, vừa bảo đảm phòng, chống dịch. Do đó, tăng trưởng của nông nghiệp Hà Nội trong 7 tháng qua đạt hơn 3%.

Hiện nay, Sở NN&PTNT Hà Nội đang tập trung triển khai nhiều giải pháp xây dựng “vùng xanh” cho nông sản, duy trì tốt hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể, tại các huyện Vùng 2 như: Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn, Gia Lâm… đã chủ động triển khai phương án hoạt động nhằm mục tiêu không để đứt gãy sản xuất, kinh doanh nhưng vẫn bảo đảm phòng, chống dịch trong tình hình mới.

Trong thời điểm thực hiện phòng chống dịch Covid-19, các chuỗi sản xuất khép kín của Hà Nội cũng phát huy tác dụng, giúp người nông dân sản xuất an toàn, hiệu quả và không làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng. Ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho rằng, TP đã xây dựng được tổng số 141 chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản. Không chỉ giúp gia tăng giá trị kinh tế từ 15 - 20%, các chuỗi liên kết còn góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động. Người tiêu dùng cũng được hưởng lợi từ việc nông sản có xuất xứ, nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong ổn định nguồn cung lương thực, thực phẩm.

Hiện, Sở NN&PTNTHà Nội cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan bám sát nhu cầu thị trường, giá vật tư nông nghiệp để kịp thời triển khai các giải pháp không để tăng giá đột biến. Sở cũng sẽ phối hợp với Sở Công thương Hà Nội nắm bắt tình hình sản xuất, xây dựng phương án về cung - cầu nông sản, tổ chức các điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa tạm thời…, bảo đảm cung ứng kịp thời cho thị trường.

TS Nguyễn Đức Tùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam

Mô hình 4 xanh là một trong những mô hình đang được hầu hết cộng đồng DN quan tâm và hưởng ứng thực hiện. Tôi cho rằng, với cách tiếp cận và phương án triển khai đảm bảo, nhân lực xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất/nơi làm việc xanh, nơi ở xanh, sẽ phù hợp và khả thi hơn bởi phát huy được tính chủ động và linh hoạt của DN trong quản trị, điều hành dựa trên các điều kiện thực tế tại DN. Tuy nhiên, hiệu quả và thành công của mô hình còn đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ của người lao động, nhất là tính tuân thủ và tôn trọng nguyên tắc đảm bảo an toàn (từ cá nhân đến tổ nhóm và dây chuyền sản xuất).

(Còn nữa)

Ngô Sơn

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.